Ăn trái cây thời điểm nào thì tốt cho dạ dày?

(VOH) - Mặc dù các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên rằng “nên ăn nhiều trái cây và rau xanh hơn”, nhưng một số người thường cảm thấy ăn trái cây xong sẽ gây ra axit dạ dày tăng cao và lạnh bụng.

Một số người muốn ăn trái cây để giúp dễ đi "ngoài", nhưng ăn xong lại gây ra đau bụng, cho nên hạn chế.

Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) Tống Minh Hoa cho rằng, có thể họ ăn trái cây không đúng lúc, vì một số loại trái cây thích hợp ăn truớc bữa ăn, trong khi trái cây giàu Ion Kali lại thích hợp ăn sau bữa ăn. 

Các loại trái cây khác nhau ăn không đúng lúc thì bạn hãy cẩn thận để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng co thắt dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản nếu như bạn đang bị mắc 2 chứng này!

de-bi-tang-axit-da-day-co-nen-an-trai-cay-voh.com.vn-anh1
Trái cây nên ăn đúng mùa vụ chính, ăn trái cây tươi tốt hơn uống nước ép trái cây. (Nguồn health.tvbs.com.tw)

Thanh long, ổi và táo thích hợp ăn khi bụng đói

Có một số người ăn trái cây khi bụng đói sẽ gây ra tình trạng axit trong dạ dày tăng cao, trào ngược dạ dày, có người lại cảm thấy ăn trái cây sau bữa ăn dễ bị đau bụng, lý do là gì vậy?

Chuyên gia Tống Minh Hoa nói rằng, nếu bạn muốn ăn trái cây vào bữa sáng, hoặc ăn lót dạ trước để không ăn quá nhiều thức ăn trong bữa ăn chính, bạn nên chọn những loại trái cây "nhiều chất xơ và ít calo", chẳng hạn như thanh long, ổi và táo.

Chất xơ cao của những loại trái cây này có thể chiếm một phần không gian của dạ dày, kiểm soát lượng thức ăn ăn vào bữa ăn chính và lượng calo thấp có thể giúp bạn giảm cân hiểu quả.

Chuối và mãng cầu ta dễ gây đau bụng khi ăn lúc bụng đói, nên ăn sau bữa ăn

Nhiều người nói rằng ăn chuối có thể giúp dễ đi "ngoài" và dễ ngủ, có người ăn chuối vào bữa sáng hoặc trước khi đi ngủ để giúp dễ ngủ nhưng lại hay gây đau bụng. Chuyên gia Tống Minh Hoa nói rằng, chuối và mãng câu ta là những thực phẩm lành mạnh, giàu Ion Kali, giúp điều hòa huyết áp.

Tuy nhiên, một lượng lớn Ion Kali có thể dễ dàng gây ra sự thay đổi áp suất thẩm thấu của tế bào ruột, gây khó chịu cho cơ thể con người, xuất hiện các triệu chứng như đau quặn ruột và đi cầu nhiều, do đó cần chú ý tránh ăn các loại trái cây như chuối và mãng cầu ta giàu Ion Kali khi bụng đang đói.  

Nên ăn trái cây tươi hơn là uống nước ép trái cây

Riêng đối với bưởi, cam quýt, chanh và các loại trái cây khác, do chứa nhiều axit trái cây và axit hữu cơ, là những loại trái cây có tính axit nên dễ kích thích tiết axit dạ dày, gây trào ngược dạ dày và làm nặng thêm tình trạng viêm loét dạ dày, vì vậy cần tránh ăn các loại trái cây này vào lúc bụng đói hoặc 1 giờ sau bữa ăn.

Chuyên gia dinh dưỡng Tống Minh Hoa nói: hàng ngày ăn nhiều rau quả sẽ giúp giảm bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh văn minh khác mà con người hiện đại sợ nhất, nhưng chuyên gia không quên nhắc nhở: hãy chọn ăn trái cây đang vào vụ mùa chính và nên ăn trái cây tươi hơn là uống nước ép trái cây.

Hãy cẩn thận vì nước ép trái cây nguyên chất chứa rất nhiều calo, thường thường uống một hơi là uống hết một lượng lớn, tạo ra sự biến động lượng đường trong máu rất lớn, sẽ không tốt cho sức khỏe, vì vậy ăn trực tiếp trái cây tươi là tốt hơn hết.