Ăn vải nhiều có tốt không? Lời khuyên cần biết để ăn an toàn

(VOH) – Từ bao đời nay, vải vốn là thức quả ‘lừng danh’ với công dụng dưỡng nhan, bồi bổ cơ thể hữu hiệu. Thế nhưng ăn vải nhiều có tốt không và cần lưu ý điều gì để không gây hại sức khỏe?

Quả vải thuộc nhóm trái cây đặc trưng của vùng nhiệt đới, chủ yếu thu hoạch trái vào mùa hè, chín rộ từ cuối tháng 5 kéo dài tới hết tháng 7 thì hết. Chính vì là thức quả chỉ xuất hiện vào một vài tháng trong năm nên nhiều gia đình thường tranh thủ mua và có thói quen “ăn nhanh kẻo hết mùa”, dẫn tới tình trạng tiếp nạp lượng vải vượt quá mức an toàn. 

1. Ăn vải nhiều có tốt không?

Trong những khuyến cáo dinh dưỡng, các chuyên gia luôn khuyến khích chúng ta bổ sung đa dạng các loại thực phẩm, trái cây thay vì tập trung ăn nhiều và liên tục một nhóm nào đó. Vì vậy, lời khuyên là bạn không nên ăn vải quá nhiều, mỗi tuần chỉ ăn từ 1 – 2 bữa và ăn tối đa 10 trái một lần. 

Việc ăn vải nhiều hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ sau: 

1.1 Gây nóng trong người

Rất nhiều người thắc mắc rằng ăn vải có nóng không, tuy nhiên tác động này còn phụ thuộc vào lượng vải bạn sử dụng.

Theo phân tích của y học cổ truyền, vải là loại quả có tính đại nhiệt, do vậy lạm dụng ăn nhiều vải sẽ dẫn tới mất cân bằng hàn – nhiệt trong cơ thể. Nếu không kịp thời điều chỉnh lại lượng vải trong khẩu phần ăn, tỉ lệ mắc các bệnh viêm nhiệt như ngứa ngáy hay nổi mụn nhọt

1.2 Say vải

Say vải được biết đến là phản ứng thường gặp khi cơ thể phải tiếp nạp một lượng đường lớn từ loại trái cây này. Theo đó, nồng độ lượng glucose tăng cao cũng đồng nghĩa phải tăng tiết insulin để nhanh chóng chuyển hóa phân tử đường vào máu, quá trình diễn ra đột ngột có thể làm hạ đường huyết quá mức, gây hoa mắt chóng mặt

an-vai-nhieu-co-tot-khong-loi-khuyen-can-biet-de-an-an-toan-voh-0
Ăn nhiều vải có thể gây rối loạn đường huyết, dẫn tới hoa mắt chóng mặt (Nguồn: Internet) 

1.3 Làm giảm tiểu cầu 

Sử dụng vải - thức quả có tính nóng với liều lượng lớn để lại tác động không nhỏ tới quá trình sản sinh tiểu cầu, thậm chí sẽ phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại biên. Bên cạnh đó, chúng ta biết rằng xuất huyết có thể xảy ra dễ dàng nếu nồng độ tiểu cầu trong máu giảm xuống, không thể thực hiện chức năng làm đông máu và chống chảy máu. 

Xem thêm: Khắc phục tình trạng máu không đông khi tiểu cầu giảm với 6 nhóm thực phẩm này

2. Những điều cần biết để ăn vải đúng cách

Cùng với việc kiểm soát lượng vải mỗi bữa ở mức hợp lý, bạn cũng nên tham khảo thực hiện một số lưu ý dưới đây để đảm bảo sử dụng loại quả này đúng cách, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các tác dụng phụ: 

2.1 Ăn sau bữa ăn

Nếu bạn thấy đói bụng và quyết định ăn vải để “lót dạ” thì đó không phải là ý kiến hay vì có thể gặp phải tình trạng say vải. Tốt nhất hãy dùng vải vào thời điểm tráng miệng sau bữa ăn chính khoảng 30 phút - 1 tiếng, tránh ăn quá gần khi bụng còn no. 

Xem thêm: Nhiều người mắc sai lầm khi ăn trái cây – đây mới chính là thời điểm tốt nhất để ăn trái cây

2.2 Không ăn quả vải xanh

Bạn tuyệt đối không nên ăn những trái vải còn xanh, chúng không chỉ có vị đắng chát mà còn chứa hai hoạt chất gây suy giảm chức năng của não bộ, đó là hypoglycin A và methylencyclopropyl glycine (MCPG). Vì thế, khi chọn mua, chú ý lựa trái chín vừa đủ, không xanh nhưng cũng không chín mềm nhũn. 

2.3 Ăn cả lớp màng trắng

Để giảm bớt tính nhiệt từ phần thịt vải, lần tới bạn hãy ăn cả lớp màng trắng bao bọc bên ngoài. Bộ phận này sẽ có vị hơi chát nhưng có thể giúp cân bằng vị ngọt và lượng đường đưa vào cơ thể. 

an-vai-nhieu-co-tot-khong-loi-khuyen-can-biet-de-an-an-toan-voh-1
Khi ăn vải bạn không cần bóc lớp màng trắng bọc bên ngoài thịt vải (Nguồn: Internet) 

2.4 Ngâm nước muối trước khi dùng

Công đoạn ngâm vải (đã bóc vỏ) với nước muối vừa giúp bảo quản được tốt hơn vừa loại bỏ các loại nấm gây ngộ độc, nổi mề đay và ngứa ngáy.   

3. Đối tượng nên hạn chế ăn vải

Các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe từ thói quen ăn quá nhiều vải có thể xảy ra ở bất cứ ai, đặc biệt nếu thuộc một trong các đối tượng sau thì cần đặc biệt cẩn trọng:  

3.1 Người mắc bệnh tiểu đường

Cơ chế sản sinh và điều tiết insulin của người bệnh tiểu đường vốn gặp “trục trặc”, cần cắt giảm loại quả có hàm lượng đường tương đối lớn như vải, tránh để tình trạng rối loạn đường huyết xảy ra. 

3.2 Xuất huyết khi mang thai 

Xuất huyết trong thai kì gây nguy hiểm tới tính mạng của mẹ lẫn thai nhi trong bụng. Trong giai đoạn điều trị và khắc phục triệu chứng này, mẹ lưu ý không thêm trái vải trong khẩu phần ăn.

Xem thêm: Ra máu 3 tháng cuối thai kỳ nguy hiểm như thế nào?

3.3 Trẻ em dưới 2 tuổi

Sức đề kháng cũng như hệ tiêu hóa của trẻ còn khá “non nớt”, nên thời điểm thích hợp nhất các con có thể ăn vải là từ đủ 2 tuổi trở lên. Lúc này, mẹ vẫn phải chú ý lọc bỏ hạt và điều chỉnh lượng phù hợp để trẻ không bị ngộ độc. 

Không thể phủ nhận rằng ăn vải vào đúng mùa, chính vụ thường có độ ngon ngọt đặc biệt, nhưng để đảm bảo an toàn sức khỏe, hãy nhớ chỉ sử dụng một lượng vừa đủ và hợp lý bạn nhé!