Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tác dụng của quả đào đối với sức khỏe và các lưu ý khi sử dụng

(VOH) – Mùa hè về cũng là thời điểm nhiều loại trái cây thơm ngon và bổ dưỡng ‘đổ bộ’, trong đó phải kể đến quả đào. Dưới đây là 10 tác dụng của quả đào mang lại cho sức khỏe khi sử dụng.

Quả đào thuộc nhóm quả hạch, cùng với các trái cây khác như mận Hà Nội, táo ta hay mâm xôi, tuy nhiên loại quả này có hương thơm nhẹ và vị chua dịu, ngọt thanh rất riêng biệt. 

1. Tìm hiểu về quả đào

Đào có tên khoa học là Prunus persica, giống cây ăn quả thuộc chi mận mơ (khác với cây đào trưng dịp Tết tại miền Bắc nước ta). 

1.1 Đặc điểm của cây đào ăn quả

Cây đào thuộc dòng cây thân gỗ, có thời gian sống lâu năm bởi nếu được chăm sóc kĩ càng và đúng tiêu chuẩn thì tuổi thọ của cây sẽ kéo dài tới 20 năm. Chính vì lý do đó, thời gian để có thể thu hoạch trái thường khá dài, trung bình phải sau 3 năm kể từ thời điểm giao trồng. 

Thông thường hoa của cây đào sẽ nở rực rỡ vào mùa xuân nhưng phải tới mùa hè (đầu tháng 5 hoặc tháng 6), người làm vườn mới bắt đầu thu hoạch những trái đào.

qua-dao-tac-dung-tac-hai-mon-ngon-hap-dan-va-luu-y-khi-an-voh-0
Cây đào ăn quả khác với cây đào thường trồng trưng dịp Tết (Nguồn: Internet) 

1.2 Phân bố

Từ xa xưa, đào đã trở thành một trong những cây ăn quả chủ yếu tại Trung Quốc, Nhật Bản hay một số quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải. Theo đó, cây đào sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu mát mẻ, nhiệt độ từ 18 – 24 độ C.

Đào cũng là giống cây chịu rét tương đối tốt nên ở Việt Nam loại cây này được canh trồng chủ yếu ở vùng núi cao phía Bắc như Sapa, Lạng Sơn, Lai Châu hoặc Hà Giang. 

2. Tác dụng của quả đào với sức khỏe

Vốn là loại quả lâu đời, cho tới nay đào vẫn luôn được tìm mua và dùng để bồi bổ sức khỏe bởi cung cấp khá nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như vitamin C, vitamin A, vitamin E, chất xơ cùng các khoáng chất. Dưới đây là những lợi ích mà trái đào đem lại cho chúng ta: 

2.1 Bảo vệ đôi mắt

Những miếng đào tươi mọng nước có màu vàng cam đẹp mắt phần lớn do sự góp mặt của beta-carotene. Hoạt chất này sẽ chuyển hóa thành vitamin A, hỗ trợ điều tiết mắt trong điều kiện ánh sáng yếu, đồng thời bảo vệ đôi mắt khỏi những tổn thương điển hình như viêm giác mạc hay thoái hóa điểm vàng. 

2.2 Kích thích tiêu hóa

Theo phân tích dinh dưỡng, trung bình trong 150g thịt đào chứa khoảng 6% đến 9% lượng chất xơ mà cơ thể cần thiết mỗi ngày. Chất xơ được xem như thức ăn của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, tham gia quá trình nhũ tương hóa chất béo từ thức ăn để hoạt động tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn, hạn chế chứng táo bón. 

Xem thêm: Áp dụng cách này, chứng táo bón sẽ tự ‘rời xa’ bạn ngay mà không cần phải ‘đuổi’

2.3 Ngăn ngừa gốc tự do

Cũng giống như các loại quả hạch khác, đào được đánh giá là trái cây bổ sung cho cơ thể đa dạng các nhóm chất chống oxy hóa. Theo đó, carotenoid và axit caffeic được tìm thấy nhiều ở cả phần vỏ lẫn thịt quả đào. Hai hoạt chất này sẽ ngăn ngừa nguy cơ hình thành gốc tự do, phòng chống ung thư và tình trạng stress oxy hóa. 

2.4 Giảm cholesterol xấu

Chất xơ có trong đào không chỉ giúp cải thiện hoạt động tiêu hóa mà còn nối kết với cholesterol xấu trong cơ thể và đào thải theo phân ra ngoài. Việc giảm thiểu hấp thu lượng cholesterol xấu sẽ góp phần phòng chống đông máu, tắc động mạch, giúp bảo vệ trái tim khỏe mạnh. 

qua-dao-tac-dung-tac-hai-mon-ngon-hap-dan-va-luu-y-khi-an-voh-1
Tăng cường chất xơ từ đào để giảm thiểu lượng cholesterol xấu, giúp bảo vệ trái tim khỏe mạnh (Nguồn: Internet) 

2.5 Củng cố xương chắc khỏe

Có thể nói, duy trì thói quen ăn đào đều đặn, hợp lý là phương pháp giúp bạn tiếp nạp thêm các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển và duy trì xương khớp chắc khỏe. Các dưỡng chất như kali, mangan hay đồng trong quả đào đều đóng vai trò quan trọng hình thành tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương. 

Xem thêm: Những thói quen ‘tàn phá’ xương khớp bạn trước khi về già

2.6 Tốt cho răng miệng

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong đào có chứa hoạt chất florua – thành phần thứ yếu bảo vệ hàm răng sáng đẹp. Vì vậy, sau mỗi bữa ăn, bạn có thể tráng miệng bằng thức quả này, vừa thơm ngon vừa giúp loại bỏ các vi khuẩn gây sâu răng hiệu quả. 

2.7 Tăng cường sức đề kháng

Cùng với vitamin C, dưỡng chất axit ascorbic có trong đào cũng sẽ đảm nhiệm chức năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Với đặc tính hỗ trợ hình thành tế bào bạch cầu trung tính, tạo ra oxy phản ứng, hai hoạt chất này sẽ góp phần ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. 

2.8 Bảo vệ làn da

Một số hợp chất trong quả đào có thể giúp cải thiện độ ẩm của da và từ đó giúp kết cấu của da được tốt hơn. Ngoài ra chiết xuất từ quả đào còn được sử dụng trong làm đẹp bằng cách thoa trực tiếp lên da để bảo vệ làn da trước các tia cực tím từ ánh nắng mặt trời.

2.9 Giảm các triệu chứng dị ứng

Khi cơ thể tiếp xúc với các vật gây dị ứng thì trong cơ thể sẽ sản sinh ra chất histamine, đây là một loại hợp chất có khả năng ức chế các triệu chứng của dị ứng do hệ miễn dịch tạo ra. Thường khi bị dị ứng sẽ có dấu hiệu ho, nổi mẩn đỏ, ngứa và hắt hơi.

Một số hợp chất trong quả đào có thể giúp ngăn chặn cơ thể giải phóng chất histamine và giúp giảm các triệu chứng dị ứng.

2.10. Tốt cho não bộ

Quả đào chứa nhiều chất chống oxy hóa nên có khả năng chống lại stress oxy hóa và ngăn ngừa tác hại của gốc tự do đến các tế bào trong cơ thể.

Ngoài ra còn giúp tăng cường sức khỏe não bộ, ngăn ngừa căng thẳng oxy hóa. Đây là 1 trong những nguyên nhân gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh, đặc biệt là bệnh Alzheimer.

2.11 Kiểm soát cân nặng

Một trong những tác dụng của quả đào là có khả năng chống viêm, có thể kiểm soát lượng đường huyết trong máu, giàu chất xơ và nước nên rất thích hợp dành cho người đang muốn giảm cân. Việc bổ sung quả đào vào thực đơn hàng ngày sẽ giúp kiểm soát cơn thèm ăn và cân nặng của cơ thể.

3. Bà bầu ăn đào được không?

Có lẽ không ít mẹ bầu “dè chừng” với trái đào vì nghi ngại rằng sử dụng thức quả này trong thai kì sẽ gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi, để lại các khiếm khuyết bẩm sinh cho con. Song các chuyên gia chia sẻ rằng mẹ không cần quá lo lắng, bởi khi mang thai mẹ hoàn toàn vẫn có thể ăn trái cây này. 

Nếu ăn đào đúng cách, đúng liều lượng, loại quả này còn giúp cải thiện một số vấn đề sức khỏe sau: 

  • Giảm cơn ốm nghén, buồn nôn
  • Chống chuột rút, đau mỏi khi vận động 
  • Khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hóa
  • Ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu thai kì 
  • Cải thiện thị lực, bảo vệ đôi mắt sáng khỏe
  • Phòng chống động thai 
  • Giảm tỉ lệ mắc dị tật bẩm sinh ở thai nhi

Xem thêm: Nên hay không nên bồi bổ trái đào cho bà bầu? Đây là 7 điều lý giải mẹ cần biết

4. Chọn đào cho bé ăn dặm có tốt không?

Với vị chua chua ngọt ngọt hấp dẫn, đào thường nhiều mẹ chọn mua để chế biến món ăn cho trẻ tập ăn dặm. Chỉ cần kết hợp đào với một vài nguyên liệu đơn giản, dễ tìm kiếm như chuối, sữa chua hay yến mạch, thực đơn ăn dặm của con sẽ trở nên phong phú và hấp dẫn hơn rất nhiều. 

qua-dao-tac-dung-tac-hai-mon-ngon-hap-dan-va-luu-y-khi-an-voh-2
Mẹ có thể cho ăn thêm trái đào trong thời kì tập ăn dặm (Nguồn: Internet) 

Đặc biệt, hấp thu thêm các dưỡng chất từ đào sẽ giúp bé không mắc các bệnh lý dưới đây: 

  • Rối loạn mất nước và chất điện giải 
  • Suy giảm thị lực
  • Thiếu máu do thiếu sắt 
  • Còi xương, chậm phát triển chiều cao 

Xem thêm: Chế biến đào cho bé ăn dặm – vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng nhờ 4 lợi ích sức khỏe này

5. Một số cách chế biến quả đào

Từ những quả đào tươi, ngọt thơm, bạn có thể ăn trực tiếp hoặc dùng làm nguyên liệu cho các món ăn độc đáo. Tham khảo một số món ăn dưới đây và tự nấu ngay tại nhà để gia đình cùng thưởng thức nhé: 

  • Trà đào 
  • Mứt đào chua ngọt 
  • Sinh tố đào 
  • Pudding đào 
  • Đào nướng bơ mật ong
  • Bánh tart đào 

Xem thêm: 6 món ăn ngon hết ý từ trái đào giàu dinh dưỡng khiến bạn muốn thử ‘ngay và luôn’

6. Tác hại của quả đào khi ăn quá nhiều

Mặc dù tác dụng của quả đào tốt cho sức khỏe và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng song nhưng cần lưu ý rằng đây là loại quả có tính nóng, tuyệt đối không ăn quá nhiều. Theo khuyến cáo, tốt nhất trong tuần chỉ nên ăn tối đa 3 trái, để tránh mắc phải các tác dụng phụ: 

  • Nóng trong người, gây mụn nhọt
  • Dễ bị dị ứng ngứa ngáy
  • Chướng bụng đầy hơi 
  • Làm trầm trọng tình trạng xuất huyết

Xem thêm: ‘Ghiền’ trái đào thơm thơm nhưng phải ‘dè chừng’ 4 tác hại có thể xảy ra nếu ăn quá nhiều

7. Các lưu ý khi sử dụng quả đào

qua-dao-tac-dung-tac-hai-mon-ngon-hap-dan-va-luu-y-khi-an-voh-3
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nên chọn mua trái đào lành lặn, không dập nát (Nguồn: Internet) 

Bên cạnh việc ăn đào với liều lượng hợp lý, trong quá trình chọn mua và sử dụng loại quả này, bạn cũng nên tham khảo áp dụng các lưu ý cần thiết: 

  • Nên chọn mua trái đào chín vừa tới, không nhũn chín. Lớp vỏ bên ngoài có màu hồng đỏ xen lẫn với màu vàng, không có xây xước hay dập nát. 
  • Sau khi mua về, cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng trong thời gian dài từ 7 – 10 ngày. 
  • Có thể ăn cả vỏ đào nhưng nên ngâm rửa sạch với nước muối loãng để loại bỏ sạch phần lông bám trên vỏ.
  • Tốt nhất để tránh dị ứng, ngứa họng thì nên gọt vỏ quả đào khi ăn.
  • Phụ nữ đang mang thai có dấu hiệu xuất huyết thì tuyệt đối không nên ăn quả đào.
  • Vì ăn nhiều quả đào sẽ làm cơ thể bị nóng nên những người có dấu hiệu nóng trong người như chảy máu cam, đau và khô miệng thì không nên ăn.
  • Người đang mắc bệnh tiểu đường thì nên hạn chế ăn quả đào.
  • Người có tràng vị kém hoặc mới hết bệnh thì không nên ăn.

8. Thành phần dinh dưỡng của quả đào

Hàm lượng chất dinh dưỡng có trong 150g thịt đào được phân tích như sau: 

  • Lượng calo: 58
  • Chất đạm: 1 g
  • Chất béo: dưới 1 g
  • Carb: 14 g
  • Chất xơ: 2 g
  • Vitamin C: 17% giá trị hàng ngày 
  • Vitamin A: 10% giá trị hàng ngày 
  • Kali: 8% giá trị hàng ngày 
  • Niacin: 6% giá trị hàng ngày 
  • Vitamin E: 5% giá trị hàng 
  • Vitamin K: 5% giá trị hàng ngày 
  • Đồng: 5% giá trị hàng ngày 
  • Mangan: 5% giá trị hàng ngày

Có thể thấy tác dụng của quả đào vừa tốt cho sức khỏe vừa là loại trái cây mà cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều ưa thích bởi hương vị thơm ngọt và bổ dưỡng.

Tìm mua đào vào mùa hè vốn không khó, nhưng hãy nhớ thực hiện những lưu ý trên đây để chọn trái đào đúng chuẩn và biết ăn đúng cách nhé. 

Bình luận