Ăn nhiều dứa có tốt không? Cách ăn đúng để tránh 8 tác hại

(VOH) – Không khó để tìm kiếm các món ăn hấp dẫn được chế biến từ dứa, bởi hương vị của thức quả rất đặc biệt. Dù vậy nhưng ăn nhiều dứa có tốt không và nên ăn thế nào để an toàn cho sức khỏe?

Có thể nói hàm lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu được tìm thấy trong quả dứa vô cùng “đáng nể”, bao gồm các nhóm vitamin C, vitamin B cùng các khoáng chất như canxi, photpho hay magie. Chính vì thức quả này được xem như nguồn cung cấp dưỡng chất dồi dào nên chúng ta có thói quen sử dụng nhiều và không cân đối liều lượng.

1. Ăn nhiều dứa có tốt không?

Xây dựng thực đơn ăn uống cân bằng, đa dạng các loại thực phẩm là điều nên được đảm bảo thực hiện, việc tập trung dùng quá nhiều bất cứ loại nào cũng sẽ gây ra ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Do vậy, nếu bạn thích ăn dứa và thường ăn nhiều liên tục thì hoàn toàn không tốt, bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các tác dụng phụ sau đây: 

1.1 Rát lưỡi

Rát lưỡi hay sưng viêm nướu lợi là tình trạng thường xuyên xảy ra nhất sau khi bạn tiếp nạp nhiều dứa. Theo đó, chất glycosides trong dứa có tác động làm kích ứng niêm mạc miệng, gây ngứa rát trên bề mặt của lưỡi. 

an-nhieu-dua-co-tot-khong-cach-an-dung-de-tranh-8-tac-hai-voh-0
Ăn nhiều dứa liên tục sẽ làm rát lưỡi, sưng lợi (Nguồn: Internet)

1.2 Tổn thương men răng

Dứa được xếp vào nhóm trái cây có tính axit tương đối cao, độ pH dao động trong khoảng từ 3.3 đến 5.2. Lượng axit này có khả năng bào mòn lớp men răng, để lộ lớp ngà bên dưới và khiến răng bị đổi màu. 

1.3 Gây buồn nôn

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu như không kiểm soát hàm lượng chất bromelain do dứa cung cấp thì nguy cơ cao sẽ gặp phải triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt hay buồn nôn

1.4 Viêm da dị ứng

Nếu nằm trong đối tượng có tiền sử dị ứng, đặc biệt là dị ứng phấn hoa thì bạn cần thẩn trọng khi sử dụng dứa. Hoạt chất bromelain cùng hydrolase protein trong loại quả này thường gây ra các phản ứng dị ứng, phát ban đỏ trên da, ngứa ngáy và thậm chí khó thở. 

Xem thêm: Da mặt bị dị ứng gây ra do đâu? 3 cách ‘cấp cứu’ cho dị ứng da mặt đơn giản tại nhà

1.5 Làm loãng máu 

Dứa là loại trái cây mà bạn không nên dùng nhiều trong trường hợp vừa trải qua các cuộc phẫu thuật hoặc mắc tổn thương chảy máu. Trên thực tế, bromelain từ dứa hoạt động với đặc tính như thuốc chống tập kết tiểu cầu và có nguy cơ làm loãng máu. 

1.6 Khó kiểm soát đường huyết

Các chuyên gia chia sẻ rằng, dứa không nằm trong nhóm thực phẩm phải kiêng cữ hoàn toàn với những người đang điều trị tiểu đường. Dù vậy, người bệnh vẫn cần kiểm soát liều lượng hợp lý để không tăng carbohydrate vượt mức an toàn, dẫn tới rối loạn nồng độ đường huyết. 

1.7 Không tốt cho dạ dày

Dứa có vai trò quan trọng trong quá trình kích thích hoạt động tiêu hóa, các enzyme do dứa bổ sung sẽ hỗ trợ phá vỡ protein từ thức ăn để ruột hấp thu tốt hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn lạm dụng trái cây này, bởi lượng axit từ dứa có thể làm tổn thương niêm mạc và gây viêm loét dạ dày. 

Xem thêm: Cảnh báo viêm loét dạ dày tái phát - con đường nhanh nhất dẫn đến ung thư dạ dày

1.8 Gây co thắt tử cung

Giai đoạn 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu được khuyến cáo nên điều chỉnh lượng dứa trong thực đơn trái cây hàng ngày. Tốt nhất mẹ nên hạn chế ăn quá nhiều để tử cung không bị co cứng và đau thắt, tăng tỉ lệ sinh non hoặc sảy thai. 

an-nhieu-dua-co-tot-khong-cach-an-dung-de-tranh-8-tac-hai-voh-1
Bà bầu nên ăn dứa với lượng vừa phải, đặc biệt trong 3 tháng đầu (Nguồn: Internet) 

2. Lưu ý ăn dứa đúng cách

Để phòng tránh tối đa các tác dụng phụ, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 1/2 - 1 quả dứa, trong tuần không ăn quá 2 bữa. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham khảo thực hiện một số lưu ý sau: 

2.1 Không ăn dứa xanh

Khác với dứa chín, có thể dùng trực tiếp hoặc chế biến nhiều món ăn ngon miệng thì dứa xanh lại không được khuyên dùng. Dứa xanh có hàm lượng bromelain rất cao, đồng thời còn làm đường ruột bị tắc nghẹn do hình thành các búi chất xơ. 

2.2 Ngâm nước muối trước khi dùng 

Sau khi gọt sạch vỏ và loại bỏ phần mắt dứa, bạn nên ngâm dứa trong dung dịch nước muối loãng khoảng 10 phút, để “vô hiệu hóa” khả năng gây kích ứng hay rát bỏng lưỡi. 

2.3 Không ăn trái bị dập nát

Khi chọn mua dứa, nên chọn những trái còn nguyên vẹn, không bị dập nát, nhằm giảm nguy cơ nhiễm nấm gây ngộ độc. 

Xem thêm: Chọn được quả dứa thơm ngon mà không biết 5 mẹo gọt đẹp mắt này thì thật phí!

2.4 Hạn chế ăn khi đói

Thời điểm ăn dứa thích hợp và an toàn nhất thường sau bữa ăn chính khoảng 30 phút, khi dạ dày không “rỗng”. Điều này sẽ ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến dạ dày. 

3. Một số thực phẩm không nên kết hợp cùng dứa

Chế biến các món ăn từ dứa khá dễ dàng, tuy vậy trong quá trình lựa chọn nguyên liệu, cần tránh kết hợp dứa với các thực phẩm sau: 

3.1 Xoài

Mặc dù dứa và xoài đều thơm ngon, giàu dinh dưỡng, thế nhưng chúng ta không nên dùng chúng trong cùng một món ăn hay sử dụng liền nhau. Hoạt chất urushiol từ quả xoài sẽ làm trầm trọng hơn chứng viêm da kích ứng do dứa gây ra.

an-nhieu-dua-co-tot-khong-cach-an-dung-de-tranh-8-tac-hai-voh-2
Nên hạn chế kết hợp xoài và dứa trong cùng một món ăn (Nguồn: Internet) 

3.2 Củ cải

Một số hoạt chất trong củ cải khi gặp flavonoid trong dứa sẽ kích thích chuyển hóa thành axit dihydroxybenzoic và axit ferulic – hai nhóm chất này làm ức chế hoạt động tuyến giáp, dẫn tới bướu cổ.

3.3 Trứng

Không nên dùng chung trứng và dứa, phản ứng của axit ascorbic từ dừa cùng với protein từ trứng sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng ngộ độc, gây nguy hiểm đến tính mạng. 

3.4 Sữa

Cũng giống như trứng, nên hạn chế tối đa dùng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa ngay khi vừa ăn dứa, nhằm ngừa chứng đầy bụng, khó tiêu. 

Nếu chúng ta ăn nhiều dứa chỉ vì thấy ngon miệng mà không điều chỉnh lượng hợp lý thì tỉ lệ mắc phải các tác dụng phụ thường rất cao. Hy vọng rằng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn biết cách dùng thức quả này đúng khoa học, để bảo vệ sức khỏe thật tốt.