Cá hồi có phải là “thịt đỏ” nên ăn hạn chế không?

VOH - Nhiều người có quan tâm đặc biệt hơn đến việc lựa chọn thịt để ăn, với mong muốn tốt cho sức khỏe, tăng cơ giảm mỡ và cố gắng hạn chế ăn thịt đỏ, ngược lại sẽ chọn ăn nhiều thịt trắng hơn.

Trong đó, cá hồi thường bị bỏ qua vì màu sắc của nó. Nhiều người hạn chế ăn vì nhầm cá hồi là “thịt đỏ”.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, cá hồi rất giàu axit béo omega-3, giúp duy trì sức khỏe tốt và điều quan trọng nhất là hiểu được giá trị dinh dưỡng và cách ăn của từng loại thực phẩm.

cá hồi
Thịt cá hồi không phải là “thịt đỏ”, nên mọi người không cần hạn chế ăn - Ảnh: TVBS

“Màu đỏ” của cá hồi đến từ astaxanthin

Lu Mengfan - chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) giải thích rằng, một số người ngộ nhận nghĩ rằng “thịt đỏ” là thịt có “màu đỏ” nên cá hồi cũng được xem là “thịt đỏ” vì màu sắc hồng đỏ của nó.

Việc phân loại “thịt đỏ” và “thịt trắng” dựa trên màu sắc của chúng cũng đúng, không sai. Tuy nhiên, nếu hàm lượng “myoglobin” được sử dụng để xác định “thịt đỏ” và “thịt trắng”, thì màu hồng đỏ của cá hồi không phải do myoglobin mà là do astaxanthin tạo thành.

Myoglobin là protein loại nhỏ, có tác dụng liên kết với oxy và tồn tại ở các cơ tim, cơ xương. Loại protein này thường có tác dụng cung cấp đến các tế bào, cơ bắp hàm lượng oxy cần thiết.

Astaxanthin là một chất chống oxy hóa mạnh với nhiều công dụng như bảo vệ cơ thể khỏi quá trình lão hoá, tăng cường phục hồi sau vận động, cải thiện trí nhớ, tăng cường thị lực…

“Thịt đỏ” và “thịt trắng” là gì?

Chuyên gia Lu Mengfan cho biết, trong ngành công nghiệp thịt, thuật ngữ “thịt đỏ” dùng để chỉ thịt từ bò, cừu và dê (tức là thịt bò, thịt bê, thịt cừu và dê), sẽ không bao gồm thịt heo trong đó, cũng như các loại thịt ít phổ biến hơn chẳng hạn thịt trâu và thịt lạc đà.

Một cách khác để phân biệt “thịt đỏ” và “thịt trắng”  là dùng “myoglobin” để phân biệt, ví dụ như chân gà có hàm lượng myoglobin nhiều hơn nên được xem là “thịt đỏ”, còn ức gà có hàm lượng myoglobin ít hơn nên gọi là “thịt trắng”.

Nhưng nhìn từ góc độ dinh dưỡng, sẽ không có chuyện mọi người ăn ít chân gà (thịt đỏ) và ăn nhiều ức gà (thịt trắng) để ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.

Cá hồi
Cá hồi giàu axit béo omega-3 rất tốt cho sức khỏe và là nguồn cung cấp omega-3 tuyệt vời - Ảnh: TVBS

Cá hồi rất tốt cho sức khỏe, không cần ăn hạn chế

Chuyên gia dinh dưỡng Lu Mengfan cho biết thêm, ngày nay người ta xây dựng rất nhiều chế độ ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải, ủng hộ việc ăn ít “thịt đỏ”, chẳng hạn như ăn ít thịt bò và thịt cừu.

Lý do rất đơn giản, vì thịt bò và thịt cừu chứa nhiều chất béo bão hòa, dễ gây gánh nặng cho cơ thể, dẫn đến nhiều bệnh tật. Trong khi đó, thịt cá hồi là loại thịt rất tốt cho sức khỏe, giàu axit béo không bão hòa omega-3, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch nên mọi người không cần ăn hạn chế.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến nghị, mọi người nên ăn ít nhất hai khẩu phần cá mỗi tuần, một khẩu phần được định lượng khoảng 85 gram cá nấu chín hoặc khoảng 3/4 chén phi lê cá, chẳng hạn như cá cơm, cá trích, cá thu, cá tuyết đen, cá hồi, cá mòi, cá ngừ vây xanh, cá thịt trắng, cá vược sọc và cá bớp hay cá bóp đều là những loại cá tuyệt vời giàu axit béo omega-3 rất tốt cho sức khỏe và là nguồn cung cấp omega-3 cho cơ thể tuyệt vời.