Sấu không phải là thứ quả mùa nào cũng có, tại miền Bắc, điển hình như ở Hà Nội, mùa sấu trong năm thường bắt đầu từ độ đầu hè khoảng tháng 5 – tháng 6, kéo dài tới tháng 9. Chính vì thế quả sấu còn được biết như một “bảo bối” ngày hè mà mọi người tranh thủ tìm mua để dùng làm nguyên liệu món ăn hay đơn giản là ngâm nước sấu.
1. Hướng dẫn cách làm nước sấu ngâm đường
Từ những quả sấu xanh, giòn giòn và mang vị chua man mát, đem ngâm với đường và chút gừng cay cay sẽ cho “ra đời” ly nước sấu khiến bao người mê mẩn đấy nhé.
1.1 Cách làm nước sấu ngâm đường
Nguyên liệu
- Quả sấu: 1 – 1.5kg (tùy theo nhu cầu)
- Đường cát trắng (đường phèn hoặc đường vàng): 500 - 800g
- Gừng: 1 – 2 củ (50g)
- Muối
- Nước lọc: 500 – 700ml
Cách làm nước sấu ngâm đường
- Ngâm rửa quả sấu, sau đó tiến hành cạo sạch lớp vỏ bên ngoài. Chú ý nên ngâm sấu đã cạo vỏ trong nước muối loãng khoảng 1 tiếng để quả không bị chuyển màu thâm đen.
- Dùng dao khía mỏng lên thân quả sấu theo dạng đường xoắn ốc và không để tách rời khỏi hạt. Điều này sẽ giúp sấu ngấm vị đường ngọt và thơm ngon hơn.
- Đun sôi nước, cho sấu vào chần qua khoảng 5 – 10 phút nhằm giữ được độ giòn của quả khi đem ngâm.
- Tiến hành nấu nước đường, khi sôi thì cho gừng đập dập vào, đun thêm khoảng 5 phút thì tắt bếp và để nguội khoảng 30 – 45 phút.
- Chuẩn bị bình đựng, xếp sấu vào rồi từ từ rót nước đường.
- Cách ngâm nước sấu: Ngâm sấu trong đường trong khoảng 10 – 15 ngày là có thể dùng được.
- Cách pha nước sấu ngâm đường: Trước khi dùng bạn hãy pha nước sấu ngâm đường với một chút nước lọc và đừng quên thêm đá viên nhé.
1.2 Nước sấu ngâm đường với hạt chia
Nguyên liệu:
- Nước sấu ngâm đường: 100ml
- Hạt chia: 6g ( 2 muỗng cà phê )
- Đường: 12g ( 4 muỗng cà phê )
- Đá viên: 1 ít
Cách làm nước sấu ngâm đường với hạt chia:
Đầu tiên bạn cần phải ngâm hạt chia vào 50ml nước lạnh tầm 10 phút để hạt chia có thể nở ra.
Cách pha nước sấu ngâm: Cho 100 ml nước sấu vào ly, thêm đường vào rồi khuấy đều cho đường tan. Khi hạt chia nở mềm thì cho vào ly nước sấu và khuấy đều tiếp. Cuối cùng thì thêm đá viên vào rồi thưởng thức.
2. Uống nước sấu có tác dụng gì với sức khỏe?
Không chỉ được yêu thích bởi hương vị thanh mát, hấp dẫn, nước sấu còn được biết đến là thức uống lành mạnh và bổ dưỡng nhờ đem đến những lợi ích sức khỏe quý giá này:
2.1 Thanh nhiệt cơ thể
Đâu phải ngẫu nhiên nước sấu lại nằm trong “danh sách vàng” những thức uống giúp “hạ hỏa” vào mùa hè oi bức. Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng nước chiếm tới hơn 90% tổng thành phần của mỗi quả sấu nên uống nước sấu vừa giúp giải khát hiệu quả, vừa tăng cường bù nước cho cơ thể, ngăn ngừa tình trạng mất nước xảy ra.
Xem thêm: Phòng đột quỵ ngày nóng bằng những cách giải nhiệt cơ thể nhanh đơn giản
2.2 Trị đau họng
Ngứa rát cổ họng hay các cơn ho dai dẳng có thể gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày của bạn. Lúc này bên cạnh sử dụng các thuốc đặc trị, sau bữa ăn sáng, bạn hãy pha nước sấu cùng chút nước ấm và uống để làm dịu cơn ho.
2.3 Kích thích tiêu hóa
Hàm lượng axit hữu cơ trong sấu là yếu tố góp phần tạo nên hương vị chua dịu rất đặc trưng. Đặc biệt, tiếp nạp dưỡng chất này từ nước sấu còn giúp kích thích hoạt động chuyển hóa thức ăn của hệ sinh thái đường ruột, giảm chứng đầy bụng khó tiêu.
2.4 Hỗ trợ giải rượu bia
Trong trường hợp uống “quá chén” và rơi vào tình trạng say xỉn, choáng váng, ngoài nước chanh, trà xanh hay trà gừng,...bạn cũng có thể uống một ly nước sấu để giải rượu bia nhanh chóng.
Xem thêm: ‘Bỏ túi’ 12 bí kíp giải rượu bia này đảm bảo bạn không còn say xỉn triền miên nữa
3. Lưu ý cần biết khi sử dụng và bảo quản nước sấu
Để sử dụng cũng như bảo quản nước sấu đúng cách, bạn nên thực hiện một số lưu ý nhỏ dưới đây:
3.1 Nước sấu ngâm đường để được bao lâu?
Nước sấu ngâm có thể để được trong thời gian dài, từ 6 tháng tới 1 năm. Bạn nên ngâm một lượng sấu vừa đủ và sử dụng hết trong khoảng thời gian này để tận dụng được tối đa dưỡng chất mà nước sấu đem lại.
3.2 Không uống quá nhiều
Vị nước sấu ngọt thơm, chua nhẹ và thanh mát có thể khiến bạn “uống mãi không chán”. Thế nhưng lời khuyên là chỉ uống khoảng 100 – 120ml mỗi lần, trong tuần tốt nhất nên uống từ 2 – 3 lần.
3.3 Hạn chế uống khi đói bụng
Hãy uống nước sấu khoảng 30 phút sau bữa ăn chính, hạn chế dùng khi đói bụng để tránh mắc phải các bệnh lý liên quan đến dạ dày.
Hy vọng rằng với vài mẹo nhỏ hướng dẫn cách làm nước sấu trong bài viết trên đây sẽ giúp bạn tự pha chế một thức uống bổ dưỡng, độc đáo từ sấu – thứ quả “đặc sản” của đất Bắc nhé.