9 lợi ích sức khỏe của đậu tằm khi ăn hàng ngày

Đậu tằm là một trong những "thành viên của gia đình" họ đậu. Đậu tằm có đặc điểm thế nào? Lợi ích sức khỏe của đậu tằm đem lại cho chúng ta ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Có hình dáng giống như một số loại đậu khác nhưng đậu tằm sẽ đem đến cho bạn những lợi ích sức khỏe không ngờ.

1. Đậu tằm là gì?

Đậu tằm hay còn được gọi là đậu răng ngựa (tên gọi tiếng Anh: Fava Bean) có nguồn gốc từ khu vực Bắc Phi và Tây Nam Á. 

voh.com.vn-dau-tam-0
Đậu tằm có hình tròn hoặc bầu dục (Nguồn: Internet)

Quả đậu tằm có vỏ dai, lúc còn non màu xanh, khi chín có màu nâu đen, phủ nhiều lông tơ, có chiều dài 5-10cm và đường kính 1cm, tuy nhiên nhiều giống đậu trồng có thể có quả dài 15-25cm và dày 2-3cm. Mỗi quả bao gồm các hạt hình tròn hay bầu dục.

2. Lợi ích sức khỏe của đậu tằm

2.1. Ngăn ngừa bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson xảy ra khi các tế bào não sản xuất dopamine dừng hoạt động, dẫn đến run tay, gây nên các vấn đề về chức năng vận động và đi lại khó khăn.

Theo nhiều nghiên cứu, bệnh thường được điều trị bằng thuốc có chứa Levodopa (L-dopa) – một hợp chất có nhiều trong đậu tằm. Levodopa sẽ được cơ thể chuyển đổi thành chất dẫn truyền thần kinh dopamine nêu trên.

2.2. Điều trị bệnh huyết áp cao

Đậu tằm cung cấp cho cơ thể chúng ta một lượng lớn magie kali, yếu tố quan trọng giúp làm giãn mạch máu và kiểm soát huyết áp. 

Xem thêm: Cao huyết áp và những biến chứng nguy hiểm không phải ai cũng biết

2.3. Phòng chống loãng xương

Đậu tằm rất giàu mangan và đồng - hai chất dinh dưỡng có thể ngăn ngừa loãng xương. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thiếu hụt mangan có thể dẫn đến giảm sự hình thành xương và tăng bài tiết canxi.

2.4. Tăng cường hệ miễn dịch

Bên cạnh việc bổ sung dưỡng chất cho xương, hàm lượng đồng trong đậu tằm còn giúp duy trì các tế bào bạch cầu khỏe mạnh. Những tế bào máu này tiêu diệt mầm bệnh và loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể, duy trì khả năng miễn dịch mạnh mẽ.

voh.com.vn-dau-tam-1
Đậu tằm giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh (Nguồn: Internet)

2.5. Cân bằng hoạt động tiêu hóa

Đậu tằm chứa hàm lượng chất xơ nên rất tốt cho tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón. Chất xơ hòa tan trong đậu có thể thúc đẩy ruột khỏe mạnh bằng cách hấp thụ nước trong ruột của bạn, tạo thành chất giống như gel và làm mềm phân.

2.6. Giảm nguy cơ thiếu máu

Như chúng ta biết, sắt cần thiết để sản xuất hemoglobin - một loại protein cho phép các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nếu đang tìm kiếm nguồn thực phẩm bổ sung thêm sắt, hãy lưu ý tới đậu tằm. Ăn đậu tằm giàu chất sắt có thể giúp giảm các triệu chứng thiếu máu

2.7. Hỗ trợ giảm cân

Chế độ ăn giàu protein và chất xơ từ đậu tằm có thể tăng cảm giác no, từ đó giúp giảm lượng calo hấp thụ và hỗ trợ giảm cân hiệu quả. 

2.8. Kiểm soát cholesterol 

Hầu hết chất xơ trong đậu tằm có thể hòa tan. Nó có thể liên kết và loại bỏ cholesterol khỏi cơ thể của bạn. Mặc dù không làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần, nó vẫn có thể làm giảm nồng độ LDL cholesterol xấu.

Xem thêm: 3 thời điểm cơ thể tự tổng hợp cholesterol xấu mà bạn không hay biết

2.9. Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh 

Đậu tằm là một nguồn cung cấp vitamin B9 hữu hiệu. Vitamin B9 cùng với vitamin B12 là một trong những thành phần thiết yếu của quá trình tổng hợp DNA và phân chia tế bào. 

Mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ hai loại vitamin này trong chế độ ăn uống hàng ngày, có thể giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh và loạn thần kinh ở trẻ sơ sinh.

3. Cách chế biến món ăn từ đậu tằm

Giàu chất dinh dưỡng, dễ ăn và dễ chế biến, đậu tằm sẽ giúp bạn thiết kế thực đơn với nhiều món ăn hấp dẫn. 

3.1. Bột đậu tằm

  • Đậu tằm được xay mịn, cho thêm nước để tạo thành hỗn hợp dạng lỏng, tiếp đó loại bỏ những thành phần không có lợi hoặc khó tiêu hóa như sợi, tinh bột, ... rồi sấy khô thành bột cô đặc. 
  • Loại bột thành phẩm này hầu như không mùi, không vị và chứa hàm lượng protein rất cao, có thể pha bột đậu tằm rang với nước, cho thêm đường hoặc sữa cho hợp khẩu vị. 

3.2. Đậu tằm xào

voh.com.vn-dau-tam-2
Chế biến món đậu tằm xào (Nguồn: Internet)
  • Bóc vỏ đậu tằm, rửa sạch.
  • Bắc nồi lên bếp, cho dầu vào đun nóng, sau đó cho đậu tằm vào xào.
  • Nêm gia vị tùy theo khẩu vị, có thể thêm muối, đường trắng xào cho lên mùi thơm, dầu vừng, một chút hạt tiêu rồi trộn đều.

3.3. Súp đậu tằm

  • Đậu tằm ngâm nước cho mềm ra, rồi vớt ra để ráo. 
  • Phi thơm hành, tỏi băm nhỏ cùng với bơ thực vật chừng khoảng 3 phút, sau đó cho các nguyên liệu gồm: đậu tằm, nước dùng vào, đun đến khi thấy hạt đậu mềm.
  • Nếm các loại gia vị, thêm một chút kem tươi cho vị ngậy và thơm. 

3.4. Salad đậu tằm

voh.com.vn-dau-tam-3
Salad đậu tằm (Nguồn: Internet)
  • Bóc vỏ đậu tằm, rửa sạch.
  • Đun sôi hạt đậu, để ráo nước và làm lạnh đậu tằm trong nước đá. 
  • Trộn salad bằng cách trộn dầu ô liu, giấm và nước chanh, thêm rau xà lách và nước sốt vào trộn đều. Có thể bổ sung phô mai, hạt tiêu tùy sở thích. 

4. Giá trị dinh dưỡng của đậu tằm

Hạt đậu tằm nhỏ bé này có thể bổ sung cho bạn một lượng lớn các dưỡng chất thiết cho cơ thể. Cùng tìm hiểu giá trị dinh dưỡng trong 170 gam đậu tằm.

Chất dinh dưỡng Hàm lượng
Calo 187 
Carbs 33 gam
Chất béo 1 gam
Chất đạm 13 gam
Chất xơ 9 gam
Folate (Vitamin B9) 40% giá trị hàng ngày
Mangan 36% giá trị hàng ngày 
Đồng 22% giá trị hàng ngày 
Phốt pho 21% giá trị hàng ngày
Magiê 18% giá trị hàng ngày 
Sắt 14% giá trị hàng ngày 
Kali 13% giá trị hàng ngày 
Vitamin B1 11% giá trị hàng ngày
Kẽm 11% giá trị hàng ngày

Ngoài ra, đậu tằm cung cấp một lượng nhỏ hầu hết các vitamin B khác, canxi và selen.

Bổ sung thêm đậu tằm trong thực đơn sẽ giúp bạn có thêm món ăn “lạ miệng” trong bữa cơm hàng ngày. Tuy nhiên cần chú ý cân bằng, thay đổi thực đơn phù hợp để bổ sung thêm nhiều dưỡng chất từ các loại thực phẩm khác, tránh trường hợp tiêu thụ quá nhiều lượng đậu tằm.