Chờ...

Nước dừa: 10 lợi ích sức khỏe và các lưu ý nằm lòng khi uống

(VOH) – Thời tiết oi bức, thưởng thức một ly nước dừa có thể giúp bạn giải nhanh cơn khát. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết tác dụng của nước dừa đối với sức khỏe còn tuyệt vời hơn nhiều.

Hầu hết các bộ phận của cây dừa từ thân dừa, lá dừa đến rễ dừa đều có nhiều công dụng như dùng làm vật liệu lợp mái nhà, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Còn với riêng trái dừa, thức quả này cung cấp khá nhiều dưỡng chất quan trọng với sức khỏe. 

1. Đặc điểm của quả dừa

Dừa có tên khoa học là Cocos nucifera, thuộc họ Cọ. Dừa sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt đới, đặc biệt với vùng nhiều nắng, có nhiệt độ từ 27 – 30 độ C. Tại Việt Nam, dừa được canh trồng phổ biến ở một số vùng miền như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, trong đó nổi tiếng nhất là xứ dừa Bến Tre. 

Thông thường, cây dừa sẽ cho lứa quả đầu tiên trong khoảng từ 6 – 10 năm, và phải mất từ 15 năm trở lên để đạt tới mức sản lượng cao nhất. Với các cây dừa nhiều năm tuổi, năng suất thấp, người làm vườn có thể sẽ đốn thân để thu hoạch củ hủ dừa

nuoc-dua-10-loi-ich-suc-khoe-va-cac-luu-y-nam-long-khi-uong-voh-0
Quả dừa thuộc nhóm quả hạch có xơ, cung cấp nhiều nhóm dưỡng chất (Nguồn: Internet) 

Trái dừa thuộc nhóm quả hạch có xơ. Mỗi trái dừa mất khoảng 10 – 12 tháng để trưởng thành, bên trong trái dừa có chứa nước dừa được hình thành một cách tự nhiên. Một trái dừa tươi, vỏ còn xanh có khoảng 125ml – 250ml nước dừa tươi. Trái dừa non khoảng 6 – 7 tháng tuổi chứa nước nhiều nhất, còn những trái dừa già thường chứa nhiều cơm dừa (cùi dừa) hơn nhưng vẫn có nước dừa. 

Bên cạnh đó, khi trái dừa rụng xuống và đạt đủ độ già, sẽ hình thành mộng dừa hay còn được biết đến là mầm dừa, từ phần mầm này dần mọc thành một cây dừa mới. 

2. Uống nước dừa có tác dụng gì?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nước dừa tươi là một loại nước uống tự nhiên rất tốt cho sức khỏe. Các hoạt chất kháng virus, vi khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa có trong nước dừa còn giúp phòng ngừa cũng như điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.

2.1 Bổ sung chất điện giải

Có thể nói nước dừa là nguồn cung cấp dồi dào khoáng chất thiết yếu như kali, magie, clorua hay photpho. Các khoáng chất này tham gia vào quá trình cân bằng chất điện phân, điều hòa dịch nội bộ và ngăn ngừa tình trạng mất nước khi bị tiêu chảy, cảm cúm. 

Xem thêm: Bất ngờ với những hậu quả khi cơ thể bị mất nước, không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ

2.2 Bảo vệ hệ tiêu hóa

Các phân tích dinh dưỡng đã chỉ ra rằng nước dừa bổ sung cho cơ thể chất béo bão hòa có tính kháng viêm khá mạnh là axit laurin. Theo đó, hoạt chất này khi vào ruột sẽ chuyển đổi thành monolaurin, ngăn chặn ký sinh trùng Giardia lamblia và giun đũa gây nhiễm trùng đường ruột. 

2.3 Hỗ trợ giảm cân

Nếu đang thực hiện chế độ ăn kiêng, bạn hoàn toàn có thể sử dụng thêm nước dừa. Trong nước dừa có chứa chất béo triglyceride chuỗi trung bình, cung cấp năng lượng cho cơ thể thay vì tích trữ dưới dạng mỡ. 

nuoc-dua-10-loi-ich-suc-khoe-va-cac-luu-y-nam-long-khi-uong-voh-1
Chất béo triglyceride trong nước dừa cung cấp năng lượng cho cơ thể, hỗ trợ giảm cân 

2.4 Phòng chống viêm tiết niệu

Một trong những nguyên nhân gây viêm tiết niệu là thói quen uống ít nước, điều này làm ngưng đọng chất thải và tạo điều kiện cho vi khuẩn E.Coli phát triển. Để chủ động phòng ngừa bệnh lý này, bên cạnh uống đủ nước lọc, bạn cũng có thể kết hợp sử dụng thêm nước dừa. 

2.5 Tốt cho tim mạch

Nước dừa được đánh giá là thức uống lành mạnh và tốt cho tim mạch. Ngoài ra, chúng ta biết rằng nồng độ kali trong máu của người mắc bệnh cao huyết áp thường thấp hơn so với mức an toàn, nên việc uống thêm nước dừa cũng là phương pháp bổ sung khoáng chất kali tự nhiên khá hữu hiệu. 

Xem thêm: Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp

2.6 Ổn định đường huyết 

Trong 100ml nước dừa chỉ bao gồm khoảng 3 – 4g chất đường bột, do vậy nguy cơ làm tăng đường huyết đột ngột khá thấp. Người đang điều trị bệnh tiểu đường có thể uống khoảng 250ml nước dừa mỗi ngày, tương đương 1 trái dừa. 

2.7 Tăng cường hệ miễn dịch

Hoạt chất chống oxy hóa polyphenol được tìm thấy từ nước dừa đảm nhiệm vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ mô tế bào, chống lại sự hình thành của các gốc tự do. Mạng lưới tế bào cùng mô tế bào của cơ thể khỏe mạnh sẽ góp phần cải thiện và củng cố chức năng hệ miễn dịch. 

Xem thêm: Chất chống oxy hóa trong thực phẩm cùng tác dụng chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa mà ít ai biết đến

2.8 Bổ sung năng lượng 

Nước dừa có chứa ít đường và hàm lượng natri ít hơn hẳn so với các loại nước uống khác, song lại chứa nhiều kali, canxi cùng clorua. Chính vì vậy, nước dừa có thể nâng cao mức năng lượng của cơ thể, giúp bạn có được nguồn năng lượng tối ưu.

2.9 Điều hòa kinh nguyệt

Vào kì kinh nguyệt, phái nữ thường gặp phải các cơn đau ở vùng bụng dưới hoặc lưng dưới do tử cung co lại để loại bỏ lớp niêm mạc. Các chị em có thể uống thêm nước dừa trong thời gian này, bởi thức uống có tính mát, thúc đẩy quá trình đào thải máu kinh từ tử cung qua cổ tử cung đến âm đạo và đẩy ra ngoài thuận lợi, suôn sẻ hơn.

nuoc-dua-10-loi-ich-suc-khoe-va-cac-luu-y-nam-long-khi-uong-voh-2
Nước dừa có tính mát, giúp giảm các cơn đau bụng kinh (Nguồn: Internet) 

2.10 Làm đẹp da 

Nhóm chất cytokinin do nước dừa cung cấp có khả năng điều chỉnh sự phát triển tế bào da. Bên cạnh đó, hoạt chất axit lauric có thể giảm thiểu sự lão hóa của tế bào da, cân bằng độ pH và giữ cho các mô da liên kết mạnh mẽ, duy trì độ ẩm cho da.

Vì vậy, để giảm nếp nhăn, vết rạn, ngứa da và eczema bạn nên uống thêm nước dừa hoặc sử dụng dầu dừa được chiết xuất trực tiếp từ cơm dừa. 

3. Uống nước dừa nhiều có tốt không?

Nước dừa là thức uống thanh mát, dễ tìm kiếm và có giá thành không quá cao. Nhiều người có thói quen uống nhiều nước dừa, thậm chí còn dùng thay thế cho nước lọc thông thường. Tuy nhiên các chuyên gia chia sẻ rằng uống nước dừa quá liều lượng cho phép sẽ dẫn tới nguy cơ cao mắc phải các tác dụng phụ: 

  • Hạ huyết áp 
  • Đầy bụng, ợ hơi 
  • Mất cân bằng chất điện giải
  • Suy giảm chức năng của thận

Xem thêm: 5 lý do khiến bạn phải ‘ngưng ngay’ thói quen uống nhiều nước dừa dù thức uống này vốn rất bổ dưỡng!

4. Bà bầu uống nước dừa có tốt không? 

Trong thời kì dưỡng thai, nhiều bà bầu lựa chọn bổ sung thêm nước dừa để cải thiện sức khỏe bản thân cũng như thúc đẩy quá trình phát triển của em bé. Thực tế thì nước dừa vốn là loại nước trái cây tự nhiên bổ dưỡng nhưng mẹ cần hạn chế sử dụng quá sớm vào những tháng đầu tiên của thai kì. 

Nếu uống nước dừa với liều lượng hợp lý và đúng khoa học thì mẹ bầu sẽ nhận được một số lợi ích sức khỏe sau: 

  • Kiểm soát cân nặng, duy trì vóc dáng
  • Khắc phục tình trạng tiểu rắt, phòng chống viêm đường tiết niệu 
  • Ngăn ngừa thiếu ối 
  • Duy trì độ ẩm của làn da, cải thiện tình trạng da khô ráp 
  • Phòng chống dị tật thai nhi

Xem thêm:  bầu uống nước dừa: 9 lợi ích sức khỏe vừa lợi cho mẹ vừa tốt cho bé

5. Một số món ngon từ dừa

Nước dừa hay cơm dừa đều có thể dùng trực tiếp hoặc làm nguyên liệu chế biến các món ăn đơn giản ngay tại nhà. Vị ngọt thơm, béo ngậy của những thành phần này sẽ góp phần tăng thêm độ hấp dẫn của mỗi món. 

nuoc-dua-10-loi-ich-suc-khoe-va-cac-luu-y-nam-long-khi-uong-voh-3
Nước dừa, cơm dừa làm tăng thêm vị hấp dẫn của các món ăn 

Một số món ngon dưới đây bạn có thể tự nấu để chiêu đãi cả nhà: 

  • Thịt kho nước dừa 
  • Chè chuối cốt dừa 
  • Sinh tố cacao dừa 
  • Cháo dừa 
  • Thạch dừa  

Xem thêm: Lưu lại công thức 6 món ngon từ dừa để 'cần là có ngay' 

6. Thành phần dinh dưỡng của nước dừa

Hàm lượng dinh dưỡng trong 100ml nước dừa tươi được phân tích như sau: 

  • Nước: 94.4 g
  • Protein: 0.4 g
  • Năng lượng: 21 Kcal
  • Canxi: 29 mg
  • Photpho: 29 g
  • Sắt: 0.3 g
  • Kali: 294 mg
  • Vitamin C: 1 mg

Nước dừa tươi là một trong những loại nước uống tự nhiên tốt nhất, hỗ trợ cải thiện sức khỏe vô cùng hữu hiệu. Tuy nhiên, để đảm bảo không mắc phải những ảnh hưởng xấu, hãy lưu ý thực hiện cách sử dụng đúng cách và đúng khoa học nhé.