Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Quả vải: Tác dụng, món ăn độc đáo và cẩn trọng tác hại

(VOH) – Trong các ghi chép cổ xưa, quả vải vốn đã nổi danh là ‘quà tặng cho hoàng gia’, dùng bồi bổ cho các thành viên hoàng tộc. Thức quả này có công dụng đặc biệt thế nào mà được trân trọng tới vậy?

Quả vải thuộc nhóm trái cây mọng nước và có vị ngọt cực kì đặc trưng, có thể coi là “biểu tượng” của hoa quả miền nhiệt đới. 

1. Tìm hiểu về quả vải

Quả vải hay còn gọi lệ chi (tên gọi khoa học: Litchi chinensis) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceae).

1.1 Đặc điểm

Cây vải nằm trong nhóm cây ăn quả thân gỗ, tầng rễ khá nông (chỉ ăn sâu khoảng 60cm) nhưng chiều cao thì có thể đạt tới 10 – 15m. Cây vải có khả năng chịu lạnh tốt hơn một số giống cây ăn quả khác, tuy nhiệt điều kiện sinh trưởng tốt nhất vẫn cần đảm bảo từ 24 – 29 độ C. 

Sau thời gian ra hoa khoảng 100 ngày sẽ tới giai đoạn trái chín rộ, chủ yếu diễn ra vào mùa hè, bắt đầu từ độ cuối tháng 5 kéo dài tới hết tháng 7. Trái vải thường có kích thước nhỏ, dáng hình cầu hoặc hơi thuôn dài rất dễ nhận biết. 

qua-vai-tac-dung-mon-an-doc-dao-va-can-trong-tac-hai-voh-0
Trong điều kiện nhiệt độ thích hợp (từ 24 - 29 độ C), cây vải có thể sinh trưởng và phát triển cao 15m (Nguồn: Internet) 

1.2 Phân bố

Nhiều tài liệu cho rằng, thức quả này vốn có nguồn gốc từ Việt Nam ta, cụ thể là được tìm thấy nhiều ở quận Giao Chỉ từ năm 111 trước công nguyên. Song cũng có ý kiến cho rằng, trái vải có xuất xứ ở miền nam Trung Quốc. 

Thế nhưng dù xuất phát từ quốc gia nào thì cho tới nay trái vải đã trở thành một loại trái cây rất được ưa thích và canh trồng phổ biến tại khá nhiều quốc gia trên thế giới: Ấn Độ, Philippines, miền nam Nhật Bản, đảo Hawai, …Tại Việt Nam có thể kể đến các giống vải nổi tiếng như vải Thanh Hà (Hải Dương) hay vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). 

2. Tác dụng của quả vải với sức khỏe

Nổi tiếng là đặc sản quý giá dâng lên hoàng tộc, trái vải cung cấp nguồn dinh dưỡng phong phú, bổ sung cho cơ thể đa dạng các nhóm chất chống oxy hóa cùng các vitamin, khoáng chất thiết yếu. 

Dưới đây là những lợi ích mà trái vải đem lại cho sức khỏe, lý giải vì sao loại quả này luôn được “sủng ái” bao đời nay: 

2.1 Cải thiện hệ sinh thái đường ruột

Theo phân tích dinh dưỡng, trung bình 100g thịt vải có chứa tới 87.8g nước, hàm lượng chất lỏng này sẽ hỗ trợ làm mềm phân, giúp quá trình bài tiết diễn ra dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, chất xơ hòa tan pectin được tìm thấy trong vải còn có đặc tính ngăn chặn các vi khuẩn gây hại cho hệ thái đường ruột, giảm tỉ lệ nhiễm trùng đường ruột hoặc viêm ruột kết. 

Xem thêm: 12 loại thực phẩm bạn nên ăn nếu muốn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh

2.2 Tăng cường sức đề kháng

Có thể nói vải là một trong những trái cây đem đến lượng vitamin C dồi dào, theo đó có khoảng 36mg trong 100g thịt vải, tương đương 9% giá trị hàng ngày mà cơ thể cần. Hoạt chất tham gia hình thành các loại oxy phản ứng, đồng thời tăng sản sinh tế bào bạch cầu trung tính nhằm cải thiện hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh. 

2.3 Điều hòa huyết áp

Thói quen ăn vải với liều lượng hợp lý được xem như cách giúp bạn bổ sung khoáng chất kali tự nhiên. Nhóm chất này khi đi vào cơ thể sẽ đảm nhiệm chức năng cân bằng nồng độ chất điện giải, loại bỏ lượng natri dư thừa, duy trì huyết áp ở mức an toàn. 

Xem thêm: Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp

2.4 Ngăn ngừa lão hóa da

Không chỉ có chức năng tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, vitamin C trong vải còn kết hợp với chất chống oxy hóa oligonol điều chỉnh quá trình tổng hợp sợi collagen, cải thiện độ đàn hồi của lớp biểu bì dưới da, từ đây giúp giảm tốc độ lão hóa làn da.  

qua-vai-tac-dung-mon-an-doc-dao-va-can-trong-tac-hai-voh-1
Vitamin C do vải cung cấp sẽ hỗ trợ tổng hợp collagen, tăng tính đàn hồi cho lớp biểu bì dưới da, ngăn chặn lão hóa sớm (Nguồn: Internet) 

2.5 Phòng chống ung thư

Bên cạnh oligonol, hai hoạt chất chống oxy hóa epicatechin và rutin cũng được tìm thấy trong trái vải. Việc tiếp nạp thêm các hoạt chất này góp phần cân bằng nồng độ gốc tự do, hạn chế những tổn thương tế bào và phòng chống các bệnh ung thư nguy hiểm. 

Xem thêm: Chất chống oxy hóa trong thực phẩm cùng tác dụng chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa mà ít ai biết đến 

2.6 Tốt cho tim mạch

Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, hợp chất niacin từ trái vải tươi có vai trò gia tăng lượng lipoprotein tỷ trọng cao (hay còn được biết đến là HDL cholesterol) cho cơ thể. Loại lipoprotein này sẽ “thu gom” cholesterol dư thừa trong máu, vận chuyển tới gan để phân hủy và đào thải ra bên ngoài.  

2.7 Củng cố hệ xương khớp

Nhờ sự có mặt của các khoáng chất thiết yếu như canxi, kali, đồng hay kẽm mà vải còn có công dụng củng cố hệ xương khớp dẻo dai, chắc khỏe. Những nhóm chất trên sẽ gia tăng mật độ khoáng xương, duy trì tái tạo xương và giảm nguy cơ loãng xương. 

Xem thêm: Giảm đau nhức xương khớp bằng các món ăn đơn giản hàng ngày

3. Bà bầu ăn vải được không?

Vốn có vị ngọt, lại có hương thơm dịu nhẹ, nên có khá nhiều mẹ bầu chọn “nhâm nhi” trái vải trong thời kì dưỡng thai.

qua-vai-tac-dung-mon-an-doc-dao-va-can-trong-tac-hai-voh-2
Trong thai kì, để đa dạng trái cây và nguồn dinh dưỡng, mẹ có thể bổ sung một lượng hợp lý trái vải vào khẩu phần ăn (Nguồn: Internet) 

Với nguồn dưỡng chất dồi dào, bổ sung vải vào khẩu phần ăn sẽ giúp các mẹ cải thiện một số vấn đề sức khỏe sau: 

  • Kiểm soát huyết áp ở mức an toàn
  • Phòng chất dị tật bẩm sinh ở thai nhi 
  • Kích thích tiêu hóa 
  • Ngăn ngừa tổn thương tế bào do gốc tự do gây ra

Xem thêm: Bà bầu ‘mê tít’ vị ngọt của trái vải nhưng nên ăn thế nào để có thai kì khỏe mạnh?

4. Các công thức chế biến quả vải hấp dẫn

Hầu hết chúng ta đều ăn trực tiếp trái vải tươi hoặc đem làm nước ép vải. Thế nhưng có thể bạn chưa biết, những trái vải chín mọng đã trở thành nguồn cảm hứng cho ra đời các món ăn độc đáo hấp dẫn. Chỉ cần chuẩn bị thêm vài nguyên liệu đơn giản, kết hợp với trái vải ngọt thơm bạn có thể tự mình chế biến một số món sau đây ngay tại nhà: 

  • Chè vải hạt sen
  • Vải nhồi tôm 
  • Sinh tố vải 
  • Canh vải mướp đắng
  • Salad vải
  • Gà hấp vải 

Xem thêm: Học ngay 6 cách làm món ăn vừa ngon, vừa giàu dinh dưỡng từ trái vải khiến ai cũng 'ngả mũ' khen

5. Một số lưu ý chọn và bảo quản quả vải ngon ngọt

Chọn mua quả vải ngon ngọt chuẩn bị thực tế không khó, thế nhưng đòi hỏi bà nội trợ phải tỉ mỉ quan sát các điểm đặc biệt. Giống như khi lựa các loại quả khác, bạn cần chú ý tới lớp vỏ của trái vải. Phần lớn các trái chín mọng sẽ có vỏ màu hồng đỏ, lớp gai ít và cuống lá còn tươi xanh. 

Bên cạnh đó, hương thơm của trái vải đạt tiêu chuẩn thường dịu nhẹ, không có mùi lên men hoặc chua. Nếu có thể bóc phần vỏ và nếm thử, thì hãy chọn quả mà vỏ dễ lột, giòn và hơi khô, đây là dấu hiệu của trái vừa chín tới, không bị mềm nhũn. 

qua-vai-tac-dung-mon-an-doc-dao-va-can-trong-tac-hai-voh-3
Khi mua vải, hãy chú ý chọn trái vải có vỏ màu hồng đỏ, gai mềm mịn, phần cuống còn nguyên lá tươi xanh (Nguồn: Internet) 

Trong quá trình bảo quản, tốt nhất hãy để ở nơi thông thoáng, khô ráo. Nếu muốn sử dụng trong thời gian dài, có thể bóc vỏ, lọc hạt, ngâm cùi vải trong nước muối rồi đem cất ở ngăn đông của tủ lạnh. 

6. Tác dụng phụ khi ăn vải nhiều

Không thể phủ nhận rất nhiều chất dinh dưỡng “hội tụ” trong trái vải, tuy nhiên đây lại là loại trái cây có tính đại nhiệt và chứa lượng đường tương đối cao, nên các chuyên gia khuyến cáo rằng tránh lạm dụng ăn quá nhiều. 

Lời khuyên là mỗi tuần chỉ ăn từ 1 – 2 bữa và từ 7 – 10 quả một lần để không mắc phải các tác dụng phụ sau: 

  • Bệnh viêm nhiệt như mụn nhọt, ngứa ngáy
  • Say vải, hoa mắt chóng mặt 
  • Làm giảm tiểu cầu, gây xuất huyết 

Xem thêm: Muốn ăn vải đúng cách, an toàn cho sức khỏe, nhất định phải biết 4 lời khuyên này

7. Thành phần dinh dưỡng của quả vải 

  • Nước: 7.8 g
  • Năng lượng: 45 Kcal
  • Chất đạm: 0.7g
  • Chất béo: 0.4g
  • Chất đường bột: 9.6g
  • Chất xơ: 1.1g
  • Canxi: 6mg
  • Sắt: 0.50mg
  • Magie: 10mg
  • Mangan: 0.060mg
  • Photpho: 34mg
  • Kali: 171mg
  • Natri: 1mg
  • Kẽm: 0.07mg
  • Đồng: 148μg
  • Selen: 0.6μg
  • Vitamin C: 36mg
  • Vitamin B1: 0.02mg
  • Vitamin B2: 0.04mg
  • Vitamin PP: 0.7mg
  • Vitamin B6: 0.1mg
  • Folat: 14μg
  • Vitamin E: 0.07mg

Mỗi loại trái cây đều có công dụng cải thiện sức khỏe hữu hiệu, song nếu không được dùng đúng cách và đúng liều lượng thì có thể gây ra các tác dụng phụ, với quả vải cũng vậy. Vì thế, mong rằng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đã “nằm lòng” các lưu ý sử dụng trái vải thật an toàn, khoa học để tận dụng tối đa lợi ích. 

Bình luận