Cây dâu tằm thường có tuổi thọ khoảng 10 - 15 năm, mỗi năm sẽ cho ra quả vào khoảng cuối tháng 3 – đầu tháng 4. Theo đó, khi cây đã thưa lá hoặc có dấu hiệu giảm năng suất sau 10 - 15 năm, người làm vườn sẽ tiến hành đốn phần thân già, đào lấy phần rễ. Phần rễ sẽ được tận dụng làm dược liệu của các bài thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.
1. Đặc điểm của rễ dâu tằm
Rễ dâu tằm còn được gọi là tang bạch bì bởi đằng sau lớp vỏ màu nâu sần sùi có một lớp “lụa” trắng, vị ngọt mát, đây cũng là bộ phận quyết định phần lớn công dụng của rễ. Đặc biệt nên bóc vỏ rễ ngay sau khi vừa đào gốc lên, vì nếu để trong thời gian dài, rễ sẽ khô lại và rất khó thực hiện.
2. Rễ dâu tằm có tác dụng gì?
Có thể nói rễ dâu tằm là phần “tinh túy” của cây - cung cấp các chất dinh dưỡng để “nuôi lớn” những quả dâu tằm đỏ mọng. Chính vì vậy, rễ dâu tằm vẫn thường được sử dụng để cải thiện một số vấn đề sức khỏe dưới đây:
2.1 Điều hòa huyết áp
Cao huyết áp được xem như một bệnh lý mãn tính, xảy ra khi áp lực của máu lên thành động mạch tăng cao, nếu không có sự can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Để duy trì huyết áp ổn định, có thể ủ rễ dâu tằm với mật ong và dùng bổ sung bên cạnh việc sử dụng các thuốc điều trị.
Xem thêm: Những lưu ý phải 'nằm lòng' khi thực hiện hạ huyết áp cho người mắc cao huyết áp
2.2 Hỗ trợ điều trị ho ra máu
Ho ra máu là một trong những triệu chứng của một số bệnh lý khá nghiêm trọng như lao phổi, giãn phế quản, nhiễm khuẩn huyết,…và thường phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Trong Đông y cũng có bài thuốc từ rễ dâu tằm nhằm cải thiện tình trạng này, bạn có thể tán mịn rễ dâu tằm, rồi pha với nước cơm và uống trong khoảng từ 1-2 tuần.
2.3 Cải thiện chứng phù nề khi suy thận
Hiện tượng phù nề xảy ra khá phổ biến ở người mắc bệnh suy thận, tay chân và mí mắt lúc này thường sưng phù. Bài thuốc rễ dâu tằm kết hợp với hạt đậu đỏ được gợi ý để khắc phục chứng bệnh này, người bệnh sẽ thấy cơ thể dễ chịu hơn, đi lại nhẹ nhàng và giảm cảm giác chán ăn.
Xem thêm: Cách tính lượng nước cần uống trong ngày cho người bệnh suy thận
2.4 Ngăn ngừa rụng tóc
Có rất nhiều phương pháp tự nhiên giúp bạn nuôi dưỡng một mái tóc chắc khỏe, trong đó sử dụng rễ dâu tằm cũng là một gợi ý. Tuy hơi mất công một chút nhưng bạn hãy thử dùng nước lá dâu tằm nấu cùng rễ dâu tằm để gội, mái tóc sẽ mềm mượt và ít gãy rụng hơn đấy.
2.5 Giảm đau nhức xương khớp
Thời tiết thay đổi sẽ khiến các khớp xương đau nhức, nếu tình trạng kéo dài dai dẳng và gây đau mỏi khi vận động, nên sắc nước rễ dâu tằm cùng kim ngân hoa để giảm đau.
Xem thêm: Giảm đau nhức xương khớp bằng các món ăn đơn giản hàng ngày
2.6 Kiểm soát nồng độ cholesterol
Nồng độ cholesterol xấu tăng cao dẫn tới lắng đọng mỡ ở thành mạch, gây cản trợ sự lưu thông của máu và làm ảnh hưởng tới sức khỏe của tim mạch. Sắc nước rễ dâu tằm phơi khô, đều đặn uống từ 1-2 lần một ngày, giúp cân bằng tỉ lệ cholesterol xấu và tốt trong cơ thể.
3. Những lưu ý cần biết khi dùng rễ dâu tằm
Dù rễ dâu tằm tương đối lành tính song khi sử dụng cần thực hiện một lưu ý sau:
- Tìm mua rễ dâu tằm ở địa chỉ tin cậy, ngâm rửa sạch trước khi sắc thuốc hoặc đun nước uống.
- Các bài thuốc từ rễ dâu tằm chỉ mang tính hỗ trợ, hoàn toàn không thể thay thế liều thuốc đặc trị bệnh.
- Nếu có bất kì triệu chứng dị ứng nào thì nên tạm ngưng sử dụng.
Có thể thấy với những công dụng được chia sẻ trong bài viết, rễ dâu tằm xứng đáng là một dược liệu quý nhận được nhiều sự tin tưởng, tuy nhiên đừng quên các lưu ý an toàn để tận dụng vị thuốc này một cách hợp lý nhé.