Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thời điểm thích hợp để chữa suy thận bằng Đông y

(VOH) - Chữa suy thận bằng Đông y là mong muốn của nhiều bệnh nhân, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng điều trị bằng Đông y. Vậy thời điểm thích hợp để chữa suy thận bằng Đông y là khi nào?

Dấu hiệu nhận biết suy thận

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, suy thận thường có 2 dạng là suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận cấp có thể nhận biết bằng dấu hiệu: lượng nước tiểu trong ngày dưới 300ml hoặc không có nước tiểu (vô niệu). Nếu nước tiểu nhiều hơn 300ml và kèm theo nhiều triệu chứng khác thì được đánh giá là suy thận mạn. Suy thận mạn thường diễn tiến âm thầm, kéo dài, khởi đầu là những triệu chứng sau đây:

thoi-diem-thich-hop-de-chua-suy-than-bang-dong-y-voh-1

Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận (Nguồn: Internet)

  • Đi tiểu ít, có thể tiểu đêm.
  • Nước tiểu có bọt, sẫm màu (có thể hơi vàng như nước trà hoặc có màu hồng do có máu).
  • Mệt mỏi trong người, sáng không muốn dậy.
  • Mỏi ở thắt lưng.
  • Chân hơi phù, đặc biệt là mắt cá chân. 
  • Phù mí mắt, mắt sưng húp.
  • Chán ăn do chất độc ứ đọng trong cơ thể, không còn cảm giác ngon miệng.
  • Buồn nôn.
  • Chuột rút bắp chân, cơ tay.
  • Những trường hợp nặng có thể bị ngứa ngoài da, thiếu máu.

Khi có những triệu chứng này bạn nên đi khám để được chỉ định xét nghiệm nước tiểu, thử máu,…nhằm chẩn đoán chính xác bệnh lý và đánh giá mức độ mắc bệnh. 

Suy thận có thể điều trị bằng Đông y hoặc Tây y tùy vào giai đoạn của bệnh. Vậy khi nào có thể chữa suy thận bằng phương pháp Đông y?

Thời điểm có thể chữa suy thận bằng Đông y

Bác sĩ Bay cho biết, suy thận độ 1 và suy thận độ 2 có thể chữa trị bằng phương pháp Đông y. Nguyên tắc điều trị suy thận của Đông y cũng dựa vào nguyên tắc chữa suy thận của Tây y, tức là sử dụng thuốc hoặc các phương pháp không dùng thuốc để hỗ trợ chức năng lọc của thận được tốt hơn. 

Đối với suy thận độ 3 và suy thận độ 4, người bệnh tuyệt đối không áp dụng phương pháp Đông y, đó là lời cảnh báo của bác sĩ Bay. Nguyên nhân là do, trong các thuốc Đông y vẫn còn hàm lượng các chất vi lượng, điện giải, các thảo dược khi bào chế người thầy thuốc thường phải tẩm muối, gừng, rượu,…nên nó vẫn còn chứa kim loại nặng. Những kim loại nặng khi vào cơ thể, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc, điều này sẽ khiến chức năng của thận ngày càng suy giảm và tình trạng suy thận ngày càng nặng hơn.

Cách chữa suy thận theo Đông y

Như đã nói, Đông y có thể hỗ trợ chữa suy thận độ 1 và độ 2 với nguyên tắc là dùng các thuốc lợi tiểu để hỗ trợ chức năng lọc của thận. Theo đó, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp sau đây:

  1. Dùng thuốc lợi tiểu của Đông y

  • Các thuốc lợi tiểu của Đông y thường là các loại thảo dược tự nhiên như: mã đề, rễ cỏ tranh, râu bắp, mía lau,…những thảo dược này giúp tăng bài xuất nước tiểu, trao đổi ion để đưa nước tiểu ra ngoài nhiều hơn. 
  • Ngoài ra, còn một dược liệu ít người biết, đó là vỏ của trái cau, thuốc Đông y gọi nó là phúc bì. Vỏ của trái cau có tác dụng lợi tiểu rất tốt, hỗ trợ chức năng của thận tốt hơn. 

Lưu ý: Mặc dù các thảo dược trên có thể tự sử dụng tại nhà, nhưng người bệnh không nên tự ý dùng mà chưa thăm khám và tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Tốt nhất, khi bị suy thận, người bệnh nên đến gặp thầy thuốc để thăm khám, họ sẽ cấu tạo bài thuốc lợi tiểu phù hợp với cơ địa của từng bệnh nhân. 

  1. Phương pháp không dùng thuốc

Người bệnh suy thận có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để hỗ trợ chức năng thận, điều tiết vấn đề tiểu đêm, tiểu són, tiểu nhiều lần mà lượng nước tiểu ít:

  • Uống đủ lượng nước phù hợp với tình trạng suy thận của mình. 
  • Ăn các loại hạt như đậu phộng, mè, đậu đen, đậu nành hay mầm đậu nành,…những thực phẩm này giúp sản xuất nội tiết tố trong cơ thể, ổn định huyết áp nên có thể hỗ trợ chức năng của thận.
  • Tập thể dục bằng cách đi bộ, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày.
  • Buổi sáng sau khi thức dậy, dùng 2 bàn tay áp vào 2 tai, xoa và day ấn nhẹ nhàng vành tai hoặc dùng bàn tay day ấn chính giữa lòng bàn chân (huyệt dũng tuyền). Những vị trí này có các huyệt vị hỗ trợ chức năng thận được tốt hơn. 

Cách tính lượng nước cần uống cho người bị suy thận

thoi-diem-thich-hop-de-chua-suy-than-bang-dong-y-voh-2

Người bệnh suy thận cần uống lượng nước mỗi ngày phù hợp với mức độ bệnh (Nguồn: Internet)

Mặc dù chúng ta vẫn thường được khuyến cáo là uống nhiều nước sẽ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đối với người bị suy thận, lượng nước uống vào cần cân đong, đo đếm cẩn thận. 

Bác sĩ Bay cho biết, để biết cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày, người bệnh có thể thực hiện phương pháp sau đây:

Trong một ngày, mỗi lần đi tiểu hãy lưu lại lượng nước tiểu trong một cái lọ hoặc chai. Cuối ngày, xem lượng nước tiểu đạt được bao nhiêu. Ngày hôm sau, lấy số lượng nước tiểu ngày hôm qua cộng (+) thêm 500ml sẽ ra lượng nước cần uống trong ngày.

Lưu ý: Lượng nước tiểu có thể khác nhau mỗi ngày, tuy nhiên hãy lấy số lượng trung bình và cộng thêm 500ml sẽ ra số lượng nước cần uống.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

Suy thận cấp nguy hiểm như thế nào?: Suy thận cấp có đặc điểm là thiểu niệu hoặc vô niệu kéo dài khoảng vài tuần. Suy thận cấp có tỉ lệ tử vong cao nên cần nhận biết sớm và điều trị kịp thời.
Những điều cần biết về bệnh suy thận: Thận thanh lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa, cân bằng muối và chất điện giải trong máu, giúp điều chỉnh huyết áp. Nếu bị suy thận thì liệu những chức năng này còn hoạt động?
Bình luận