Chờ...

Tác dụng của ba kích: bổ thận, tráng dương và những lợi ích khác

(VOH) - Ba kích là thảo dược quý mọc hoang ở ven rừng, được các quý ông sử dụng phổ biến. Bởi tác dụng của ba kích thường giúp tráng dương, bổ thận, kiện gân cốt, tăng cường sinh lý nam giới,...

Từ xưa, các quý ông thường “săn lùng” ba kích như một vị cứu tinh để chữa yếu sinh lý. Tuy nhiên, ngoài công dụng này ba kích còn có rất nhiều tác dụng chữa bệnh khác nữa.

1. Cây ba kích là gì?

Ba kích (hay còn gọi là ba kích thiên, nhàu thuốc, ruột gà...) có tên khoa học là Morinda officinalis, là loài thực vật thuộc chi Nhàu, họ Cà phê.

Cây ba kích là cây dây leo sống nhiều năm, thân mảnh, có lông mịn. Lá đơn nguyên mọc đối. Hoa ba kích có kích thước nhỏ, lúc đầu có màu trắng sau chuyển vàng. Quả hình cầu, kép phủ lông, có màu đỏ khi chín. Rễ cây (củ) phình to, thường được phơi hoặc sấy khô, cắt thành đoạn ngắn dùng làm thuốc Đông y.

tac-dung-cua-ba-kich-voh-0
Ba kích là một vị thuốc trong Đông y (Nguồn: Internet)

Hiện nay, cây ba kích có 2 loại là: ba kích trắng và ba kích tím. Loại cây này thường mọc hoang ven rừng ở các vùng trung du, đồi núi thấp phía Bắc, đặc biệt tập trung nhiều tại các tỉnh như Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Lạng Sơn, Hà Giang, Hà Nội.

Một số bộ phận của cây ba kích được sử dụng để làm dược liệu chữa bệnh, điển hình là rễ cây ba kích. Có thể đào rễ của cây ba kích quanh năm, rễ sau khi đem về rửa sạch đất cát, loại bỏ rễ con, phơi khô tới khi không dính tay thì đập nhẹ, phơi đến khô hoặc sấy nhẹ đến khô. Ngoài ra, lá và hoa của cây ba kích cũng có thể được sử dụng để chế biến thành thuốc.

2. Tác dụng của ba kích tốt cho sức khỏe như thế nào?

Các nghiên cứu y học hiện đại ghi nhận, trong ba kích có chứa anthraglycosid, các iridoid glycosid, các sterol, lacton, một số chất vô cơ; đường, nhựa, acid hữu cơ, tinh dầu... Nhờ chứa những hợp chất này mà cây ba kích có thể có tác dụng:

Ngoài ra, trong y học cổ truyền ba kích là dược liệu có vị cay, ngọt, tính ấm. Tác dụng của ba kích là giúp bổ thận, tráng dương, cường gân cốt, khử phong thấp, cải thiện chứng suy nhược cơ thể, mệt mỏi, ăn ngủ kém...

Đặc biệt, ba kích còn là vị thuốc nam trị yếu sinh lý rất hiệu quả. Dân gian thường thường sử dụng rượu ba kích để điều trị bệnh yếu sinh lý ở nam giới, chữa di tinh, lưng gối mỏi đau, gân cốt yếu mềm...

Xem thêm: Mách bạn cách khắc phục tình trạng yếu sinh lý, sớm lấy lại sự tự tin trong đời sống vợ chồng

3. Một số bài thuốc từ cây ba kích

Trong Đông y, ba kích thường được phối hợp với các vị thuốc khác để ngâm rượu hoặc sắc uống. Dưới đây là một số bài thuốc từ cây ba kích mà bạn có thể tham khảo. 

3.1 Trị thận hư, di tinh, liệt dương

Sử dụng ba kích, thục địa, mỗi vị 12g, sơn thù du, kim anh, mỗi vị 10g, sắc uống, ngày một thang.

3.2 Trị thận hư, đái dầm

tac-dung-cua-ba-kich-voh-1
Ba kích thường kết hợp vị thuốc khác để nâng cao tác dụng chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Dùng ba kích, thỏ ty tử, sơn thù du, tang phiêu tiêu, mỗi vị 12g sắc uống ngày một thang.

3.3 Trị đau lưng mỏi gối

Dùng ba kích, tục đoạn, cẩu tích, cốt toái bổ, đỗ trọng, mỗi vị 12g, sắc uống ngày một thang.

Hoặc có thể ngâm rượu ba kích, như sau: Ba kích chế 1000g, trần bì (sao vàng) 50g, tiểu hồi 20g, rượu trắng 350 3 lít, ngâm 1 tháng. Độ vài ngày lại lắc hoặc quấy một lần, gạn lấy dịch rượu ngâm, bảo quản trong một lọ riêng, nút kín. Tiếp tục lặp lại lần 2, lần 3 gộp dịch các lần ngâm.

Có thể uống ngày 2 lần, mỗi lần 20ml trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.

Xem thêm: Chuyên gia hướng dẫn thời gian và cách uống thuốc Đông y mang lại hiệu quả tối ưu

4. Rượu ba kích có tác dụng gì?

Trong y học cổ truyền, ba kích được xếp vào nhóm thuốc bổ dương, có vị cay ngọt, tính ấm, có công năng chủ trị bổ thận dương, mạnh gân cốt, thận dương suy nhược dẫn đến di tinh, liệt dương, xuất tinh sớm…Vì thế, nhiều người sử dụng ba kích ngâm rượu để cải thiện “bản lĩnh đàn ông”.

Thực tế, trong thành phần của ba kích có chứa hoạt chất anthraglycosid, sắt, kẽm cùng nhiều khoáng chất tốt cho nam giới, vì thể sử dụng rượu ba kích có thể giúp:

  • Bổ thận, tráng dương
  • Tăng cường sinh lực
  • Tăng độ dẻo dai, kiện gân cốt
  • Hỗ trợ điều trị xuất tinh sớm, yếu sinh lý, suy giảm ham muốn và di mộng tinh ở nam giới
tac-dung-cua-ba-kich-voh-2
Dân gian cho rằng rượu ba kích rất tốt cho sinh lý phái mạnh (Nguồn: Internet)

Để ngâm rượu ba kích, bạn có thể sử dụng ba kích tươi hoặc ba kích tươi. Cách ngâm rượu ba kích như sau:

4.1 Ngâm rượu ba kích tươi

  • Chuẩn bị 1kg củ tươi, 5 lít rượu trắng. Lưu ý lựa chọn củ ba kích tươi có nhiều nước để làm loãng và giảm nồng độ rượu tốt nhất.
  • Ba kích sau khi rút lõi, rửa sạch cho vào bình thủy tinh.
  • Đổ toàn bộ rượu đã chuẩn bị vào bình, đậy kín nắp và để ở nơi khô ráo thoáng mát, trong khoảng 2 đến 3 tháng là có thể sử dụng.
  • Mỗi bữa, bạn có thể uống khoảng 20-30ml, ngày uống 2 bữa. Bạn chỉ nên sử dụng tối đa là 60ml/ngày để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa đảm bảo hỗ trợ điều trị bệnh.

4.2 Ngâm rượu ba kích khô

  • Chuẩn bị 1kg củ ba kích khô, 8 lít rượu trắng.
  • Ba kích khô đem sao trên lửa nhỏ trong khoảng 15 phút để tạo mùi thơm cho rượu sau khi ngâm.
  • Đổ rượu và tráng qua bình. Sau đó cho ba kích đã sao vào bình đã tráng rượu. Đổ rượu đã chuẩn bị lên trên, đậy kín nắp bình, để ở nơi khô ráo trong khoảng 2 đến 3 tháng là có thể sử dụng.
  • Để đảm bảo rượu không bay hơi, bạn có thể sử dụng một miếng lót bằng ni lông đặt ở nắp bình trước khi đậy nắp.
  • Mỗi ngày uống khoảng 2 lần, mỗi lần uống từ 20-30ml.

Ngoài hai cách ngâm rượu ba kích trên, bạn có thể kết hợp ba kích với các loại thảo dược khác để nâng cao hiệu quả.

Xem thêm: Rượu thuốc và những điều lưu ý trước khi sử dụng

5. Ai không nên uống ba kích

Có thể thấy, những tác dụng của ba kích là rất tốt cho nam giới cũng như sức khỏe của con người nói chung. Tuy nhiên, một số đối tượng được cho là không phù hợp khi sử dụng ba kích, đó là:

  • Nam giới mắc chứng khó xuất tinh, tinh trùng kém
  • Trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp thấp
  • Người bị xơ gan, viêm gan, viêm dạ dày, viêm thận, lao phổi hay viêm ruột kết..
  • Người mắc các bệnh về mắt như cận thị, viễn thị...
  • Người bị tiểu buốt, khó tiểu
  • Người có vấn đề về hệ tiêu hóa
  • Người chuẩn bị phẫu thuật

6. Những lưu ý khi sử dụng cây ba kích

Ba kích vốn là vị thuốc quý, dược liệu khá an toàn, tuy nhiên do đây được xem là vị thuốc và có dược tính, vì thế bạn không nên tùy tiện sử dụng ba kích khi chưa hỏi ý kiến thầy thuốc.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và nhận được đầy đủ những công dụng của ba kích bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Ba kích cần được bỏ vỏ và bỏ lõi trước khi sử dụng, đặc biệt là ngâm rượu
  • Không lạm dụng hoặc tự ý kết hợp ba kích với các dược liệu khác vì có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn

Như vậy, ba kích là dược liệu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cần biết cách sử dụng đúng liều lượng để đạt được hiệu quả cao nhất. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng ba kích hoặc bất cứ một loại dược liệu nào.