Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tác hại của hạt điều là gì? 1 ngày nên ăn bao nhiêu thì tốt?

(VOH) – Để có thể tận dụng hiệu quả những lợi ích sức khỏe cũng như chủ động phòng tránh các tác hại của hạt điều, có lẽ bạn cần phải nắm rõ một ngày ăn bao nhiêu hạt điều là hợp lý nhất?

Nhắc tới các loại hạt giàu dinh dưỡng và thường được khuyến khích bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày thì có lẽ không thể thiếu hạt điều. Loại hạt giòn giòn, bùi ngậy này là nguồn cung cấp đa dạng các chất chống oxy hóa như polyphenol và carotenoid, cùng nhiều vi khoáng chất quan trọng. Tuy nhiên, nếu muốn hấp thu trọn vẹn các dưỡng chất quý giá đó, bạn cần nắm rõ cách sử dụng khoa học, đúng liều lượng.

1. Một ngày ăn bao nhiêu hạt điều?

Dù hạt điều được đánh giá là thực phẩm bổ dưỡng, song không nên vì thế mà bạn lạm dụng quá mức và cho rằng “ăn nhiều, bổ nhiều”. Theo đó, các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến cáo chỉ nên dùng hạt điều với lượng vừa đủ, tối đa 1 ngày ăn 16 – 18 hạt điều (khoảng 30g), chia thành nhiều lần trong ngày.

Bên cạnh đó, không nên ăn hạt điều thô chưa chín ngay sau khi vừa thu hái từ trên cây, tốt nhất phải rang sấy, tách lớp vỏ cứng bên ngoài trước khi sử dụng.

tac-hai-cua-hat-dieu-la-gi-1-ngay-nen-an-bao-nhieu-thi-tot-voh-0
Mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 16 - 18 hạt điều là hợp lý nhất (Nguồn: Internet)

2. Tác hại của hạt điều khi ăn quá nhiều

Có thể nói rằng phần lớn tỉ lệ mắc phải các tác hại của hạt điều sẽ tăng cao khi chúng ta ăn quá nhiều và vượt liều lượng an toàn. Việc duy trì thói quen ăn đủ chính là phương pháp giúp bạn chủ động phòng ngừa những tác dụng phụ tiềm ẩn từ hạt điều dưới đây:

2.1 Gây tăng cân

Ăn nhiều hạt điều có béo không hay có làm tăng cân không là những thắc mắc khá phổ biến của chúng ta khi tiêu thụ loại hạt này. Thực tế câu trả lời là CÓ, đặc biệt nếu sử dụng thường xuyên hạt điều có tẩm ướp gia vị. Bởi theo phân tích dinh dưỡng, trung bình trong 28g hạt điều tươi có chứa tới 157 calo và sẽ càng tăng cao sau khi trải qua quá trình rang sấy, tẩm ướp.

Xem thêm: Quan niệm 'ăn đậu phộng bị mập' và sự thật khiến bạn ngỡ ngàng

2.2 Đầy bụng khó tiêu

Không chỉ cung cấp lượng calo tương đối lớn mà hạt điều còn đem tới hàm lượng dồi dào chất xơ. Dưỡng chất này đảm nhiệm khá nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể nhưng nếu chúng ta liên tục hấp thu một lượng lớn thì sẽ để lại ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa, sản sinh nhiều khí carbon dioxide, gây ợ hơi, ậm ạch và đầy bụng khó tiêu.

2.3 Ảnh hưởng chức năng của thận

Như đã chia sẻ, hạt điều thuộc nhóm các loại hạt rất giàu khoáng chất, điển hình phải kể đến magie hay mangan (hàm lượng được tìm thấy trong 28 hạt điều tương đương với 20% giá trị hàng ngày mà cơ thể cần). Chính vì lý do đó, tiếp nạp hàm lượng lớn các hoạt chất này có thể tạo ra những tác động tiêu cực tới hoạt động bài tiết của thận, nhất là với nhóm người đang điều trị bệnh suy thận.

Xem thêm: Mách bạn 4 cách giúp duy trì sức khỏe thận lâu dài

2.4 Tương tác với thuốc

Ngoài ảnh hưởng làm suy giảm chức năng của thận, hấp thụ nhiều khoáng chất magie cũng làm tăng nguy cơ bị tương tác với một số loại thuốc đặc trị như thuốc tiểu đường, thuốc huyết áp hay thuốc lợi tiểu.

Vì thế, nếu đang điều trị các bệnh lý và có sử dụng thuốc, bạn hãy chú ý kiểm soát dùng hạt điều đúng liều lượng, đồng thời khẩn trương liên hệ với bác sĩ chuyên khoa khi xuất hiện dấu hiệu bất thường.

tac-hai-cua-hat-dieu-la-gi-1-ngay-nen-an-bao-nhieu-thi-tot-voh-1
Trong quá trình dùng thuốc đặc trị, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng hạt điều (Nguồn: Internet)

2.5 Tăng nguy cơ bị cao huyết áp

Thực tế thì hạt điều tươi là thực phẩm khá lành mạnh dành cho đối tượng bị cao huyết áp. Theo đó, tình trạng huyết áp tăng cao chủ yếu xảy ra do thói quen sử dụng nhiều loại hạt điều có tẩm ướp nhiều muối hoặc các phụ gia thực phẩm khác.

Xem thêm: Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp

2.6 Gây sốc phản vệ cho trẻ dưới 3 tuổi

Hạt điều không phải được xếp vào danh sách thực phẩm phù hợp với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi vì lúc này, khả năng nhai của các bé chưa hoàn thiện, dễ bị hóc hoặc bị nghẹn khi ăn. Đặc biệt, đây cũng là giai đoạn cơ thể trẻ rất nhạy cảm với các hoạt chất trong hạt điều, có thể bị dị ứng phát ban và sốc phản vệ nghiêm trọng.

3. Ăn hạt điều có nóng không?

Sau khi ăn hạt điều có thể bạn sẽ cảm thấy nóng cổ, khô cổ hoặc có phần hơi rát nên lo ngại rằng ăn hạt điều sẽ gây nóng trong người. Thế nhưng sự thật là ăn hạt điều không nóng, bạn cảm nhận được những hiện tượng trên đây bởi lớp nhựa ở phần vỏ lụa của hạt điều có chứa nhóm chất phenolic urushiol.

Do vậy, để tránh gặp phải các cảm giác nóng rát khó chịu, thậm chí là gây ho, khi ăn hạt điều, đừng quên tách bỏ lớp vỏ lụa đi nhé.

Giống như bất cứ thực phẩm nào, ăn vừa đủ và hợp lý vẫn luôn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nhất, và với hạt điều cũng vậy. Vì lẽ đó, hy vọng rằng bạn sẽ chú ý thực hiện đúng các lưu ý an toàn trên đây khi sử dụng hạt điều, nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các tác dụng phụ nguy hại nhé.

Bình luận