Chờ...

Thiếu protein không chỉ mất cơ bắp mà còn gây phù nề

(VOH) - Protein không chỉ là nguyên liệu chính tạo nên cơ bắp, các cơ quan và tuyến nội tiết của con người, mà còn liên quan đến hoạt động của các chức năng sinh lý khác nhau của cơ thể con người.

Một khi protein bị thiếu hoặc không đủ không chỉ dễ gây mất cơ bắp mà còn có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như phù nề, mất ngủ, có hại cho sức khỏe.

Thiếu protein không chỉ mất cơ bắp mà còn gây phù nề 1
 Protein có vai trò rất quan trọng trong việc giúp tăng cường sức khỏe thể chất, cơ bắp và cải thiện tâm trạng - Ảnh: TVBS

Tại sao protein (chất đạm) lại quan trọng như vậy?

Yu Yawen, một bác sĩ đông y người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, nhìn nhận dưới góc độ dinh dưỡng, protein là một trong sáu chất dinh dưỡng chính cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể con người.

Nó được xem là “một trong ba chất dinh dưỡng năng lượng chính cho cơ thể con người” cùng với chất bột đường (glucid hay carbohydrat) và chất béo.

Tuy nhiên, chức năng chính của protein không phải là cung cấp năng lượng mà là cấu tạo nên các loại hormone và enzym tiêu hóa trong tóc, da, cơ bắp, móng tay móng chân và các cơ quan nội tạng.

Bởi vì sự hình thành cấu trúc cơ thể con người có liên quan chặt chẽ với protein. Bác sĩ Yu Yawen cho biết, một khi thiếu protein sẽ gây ra một loạt phản ứng khó chịu trong cơ thể con người, chẳng hạn mọi người sẽ gặp 4 triệu chứng sau đây một khi thiếu protein:

Phù nề

Phù nề là hiện tượng do quá nhiều nước giữa các tế bào (còn gọi là dịch kẽ) gây ra, dịch kẽ tăng lên là do không đủ “albumin”. Dịch kẽ là dịch nằm ngoài tế bào và các mô, nằm trong khoảng kẽ giữa các tế bào.

Trên thực tế, albumin là protein quan trọng trong cơ thể, được tổng hợp nhiều tại gan.

Nó chiếm hơn 60% protein trong máu và có chức năng vận chuyển các chất axit béo, hormone steroid, vitamin, bilirubin và thuốc đi đến mọi cơ quan trong cơ thể.

Nói chung, albumin sẽ duy trì nồng độ nhất định trong máu, nếu lượng protein nạp vào không đủ, kéo theo nồng độ albumin cũng sẽ giảm xuống.

Để duy trì cân bằng nồng độ albumin trong máu, cơ thể con người sẽ trục xuất nước trong máu ra khỏi mạch máu, khiến dịch kẽ tăng lên và xuất hiện hiện tượng “phù nề”.

Tay chân lạnh

Nhiệt độ cơ thể chủ yếu được tạo ra từ các cơ bắp co thắt và năng lượng nhiệt cũng được tạo ra mà không cần hoạt động.

Khi nhiệt độ cơ thể hạ xuống, các cơ bắp sẽ tăng hoạt động để sinh ra nhiệt. Cơ bắp trong các mạch máu cũng co lại để duy trì thân nhiệt.

Vì vậy, muốn tránh tay chân bị lạnh thì việc duy trì khối lượng cơ thích hợp là vô cùng quan trọng, và nguyên liệu để tạo thành cơ bắp trong cơ thể con người đó chính là protein.

Trầm cảm, mất ngủ

Bác sĩ Yu Yawen cho biết thêm, việc thiếu protein cũng có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe “tinh thần”.

Các chất dẫn truyền thần kinh kiểm soát cảm xúc trong não cũng được tạo ra bởi protein và các chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến cảm xúc bao gồm: serotonin, dopamine, adrenaline, axit γ-aminobutyric, axit amin ……

Nếu cơ thể hấp thụ protein không đủ, không thể cung cấp đủ axit amin cho cơ thể, đồng thời thiếu serotonin, một chất có lợi cho việc thay đổi tâm trạng và ổn định cảm xúc, rất dễ dẫn đến chúng ta bị trầm cảm, lo âu, bồn chồn, u sầu và các triệu chứng khác.

Ngoài ra, hormone “melatonin” gây buồn ngủ trong cơ thể con người cũng được sản xuất bởi serotonin, vì vậy thiếu hụt protein cũng có thể dẫn đến mất ngủ.

Suy giảm khả năng miễn dịch

Protein là thành phần chính của tế bào bạch cầu và kháng thể, một khi thiếu nó, số lượng tế bào lympho trong tế bào miễn dịch sẽ giảm đi rất nhiều, dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch của con người.

Tế bào lympho là một loại tế bào bạch cầu chính trong hệ miễn dịch của cơ thể, có chức năng chống nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm.

Thiếu protein không chỉ mất cơ bắp mà còn gây phù nề 2
Khi nạp đầy đủ protein, mọi người sẽ thấy cơ thể khỏe mạnh hơn, sung sức hơn. Ngược lại, cơ thể sẽ mệt mỏi, uể oải nếu thiếu đi dưỡng chất này - Ảnh: TVBS

Thực phẩm nhóm protein gồm những loại nào?

Nguồn nạp protein trực tiếp nhất đối với hầu hết mọi người là từ trứng, nhưng thực ra còn có những loại thực phẩm cung cấp protein chất lượng cao khác cơ thể có thể hấp thụ mà không phải từ trứng!

Bác sĩ Yu Yawen cho biết, có thể tìm thấy protein trong rất nhiều các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật hay thực vật. Protein được chia thành 2 loại gồm: protein thực vật và protein động vật:

Thực phẩm cung cấp protein từ thực vật: chủ yếu là đậu nành hoặc các sản phẩm liên quan đến các loại đậu, chẳng hạn như sữa đậu nành, đậu hủ, tàu hủ ky……loại thực phẩm protein này cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt không không làm tăng mức cholesterol cho người dùng.

Đối với những người có nguy cơ “tam cao” (tam cao là chỉ 3 nhóm bệnh gồm huyết áp cao, mỡ máu cao và đường huyết cao) thì nên dùng 1/3 lượng protein từ thực vật là tốt nhất.

Thực phẩm cung cấp protein từ động vật: chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa, cá, hải sản, thịt nạc gà, heo, bò……

Mọi người nên thay thịt đỏ (heo, bò, cừu 4 chân) bằng thịt trắng (gà, vịt 2 chân), chủ yếu là do thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa, dễ ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong máu, sẽ không tốt cho sức khỏe tim mạch.

Bác sĩ Lin Licen cũng nhắc nhở rằng, thực phẩm protein nên ăn ít nhất một phần bằng lòng bàn tay trong mỗi bữa, nếu người ăn chay không ăn trứng thì nên chú ý bổ sung, thay thế bằng phức hợp vitamin nhóm B và các khoáng chất (chất dinh dưỡng) cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là nên bổ sung B12 và sắt.