Trong cơ thể, vitamin D giúp hấp thụ canxi, duy trì xương chắc khỏe, ngăn ngừa bệnh còi xương, loãng xương, cũng như giúp điều hòa và tăng trưởng tế bào, điều chỉnh hệ miễn dịch.... Thế nhưng phần lớn chúng ta đều không cung cấp đủ loại vitamin này cho cơ thể, dẫn đến thiếu hụt vitamin D.
1. Thiếu vitamin D gây ra bệnh gì?
Do có vai trò quan trọng đối với cơ thể, việc thiếu hụt vitamin D có thể gây nhiều căn bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe như:
1.1 Hen phế quản
Vitamin D góp phần tăng cường hệ thống miễn dịch. Những người bị hen phế quản hoặc viêm phế quản mạn tính, vitamin D có thể giúp tăng sức miễn dịch của cơ thể. Ngược lại, nếu cơ thể thiếu hụt vitamin D cũng sẽ làm cho các hoạt động sinh lý của phổi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em.
1.2 Loãng xương
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi và chuyển hóa xương. Do đó, mật độ xương trong cơ thể có được đảm bảo hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào lượng Vitamin D được cung cấp hằng ngày. Nếu cơ thể thiếu vitamin D, xương sẽ trở nên suy yếu, khiến nguy cơ gãy xương, loãng xương tăng cao.
1.3 Viêm nhiễm
Thiếu vitamin D, hệ miễn dịch cũng sẽ suy yếu, từ đó cơ thể không được bảo vệ toàn diện, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm ngoài da như lupus, mẩn ngứa,…
1.4 Bệnh tim mạch
Vitamin D có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ tim và chống lại chứng viêm. Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, xơ vữa, tắc mạch, đột quỵ,…
1.5 Đau cơ, xương khớp
Hàm lượng vitamin D trong cơ thể thiếu hụt có thể tạo điều kiện hình thành ổ viêm bên trong như bệnh viêm ruột, viêm khớp dạng thấp,…
Xem thêm: Dù còn trẻ cũng đừng thờ ơ với bệnh viêm khớp dạng thấp, có thể bại liệt nếu bạn quá chủ quan
1.6 Mệt mỏi
Cơ thể không được cung cấp đủ vitamin D có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2019 đã phát hiện lượng vitamin D thấp có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
1.7 Bệnh tự miễn
Vitamin D là một chất điều biến miễn dịch tự nhiên và khi hàm lượng vitamin này thấp, chúng có thể có liên quan đến các bệnh tiểu đường type 1, bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn...
2. Nguyên nhân của sự thiếu hụt vitamin D
Không giống như thừa vitamin D, thiếu vitamin D có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau:
2.1 Không tiêu thụ lượng vitamin D theo đúng khuyến nghị
Những người có một chế độ ăn thuần chay sẽ rất khó để cơ thể nhận được đầy đủ vitamin D. Vì hầu hết các nguồn vitamin D tự nhiên đều có nguồn gốc từ động vật, bao gồm cá và dầu cá, lòng đỏ trứng, sữa tăng cường và gan bò .
2.2 Ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
Vì vitamin D sẽ được tạo ra khi da của bạn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, do đó, bạn ít hoặc không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ khiến tình trạng thiếu hụt vitamin D có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
2.3 Làn da tối màu
Sắc tố melanin làm giảm khả năng tạo vitamin D của da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Một số nghiên cứu cho thấy, những người lớn tuổi có làn da sẫm màu có nguy cơ thiếu vitamin D cao.
2.4 Thận yếu
Khi con người già đi, thận sẽ ít có khả năng chuyển đổi vitamin D sang dạng hoạt động, từ đó làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D.
2.5 Đường tiêu hóa không thể hấp thụ đầy đủ vitamin D
Những người mắc bệnh Crohn, xơ nang và bệnh celiac có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vitamin D của ruột từ thực phẩm.
2.6 Béo phì
Vitamin D được chiết xuất từ máu bởi các tế bào mỡ và làm thay đổi sự giải phóng nó vào hệ tuần hoàn. Do đó, người có chỉ số khối cơ thể từ 30 trở lên lượng vitamin D trong máu thường sẽ thấp.
Xem thêm: 7 căn bệnh có thể xuất phát từ bệnh béo phì, hầu hết là bệnh mãn tính nguy hiểm
3. Triệu chứng thiếu vitamin D
Nhiều người bị thiếu vitamin D không có xuất hiện triệu chứng. Một số khác có thể sẽ gặp phải một số dấu hiệu, triệu chứng bao gồm:
- Đau nhức cơ, xương và đau lưng dưới
- Dễ bị bệnh
- Chậm lành vết thương
- Rụng tóc
- Ra nhiều mồ hôi
- Răng mọc chậm, không đều, mọc lộn xộn... (thường gặp ở trẻ em)
- Người mệt mỏi, chán nản, suy nhược
4. Các xét nghiệm nhận biết thiếu vitamin D
Cách chính xác nhất để đo lượng vitamin D trong cơ thể của bạn là làm xét nghiệm máu 25-hydroxy vitamin D.
Thông thường, mức 20 ng/mL đến 50 ng/mL được coi là đủ cho người khỏe mạnh. Nếu mức dưới 12 ng/mL cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin D.
5. Điều trị thiếu vitamin D bằng cách nào?
Để điều trị tình trạng thiếu vitamin D bạn cần bổ sung thêm vitamin D cho cơ thể thông qua việc tắm nắng buổi sáng, chế độ ăn uống và thuốc uống bổ sung.
Mặc dù không có sự thống nhất về mức vitamin D cần thiết để có sức khỏe tối ưu và nó có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, tuy nhiên nếu mức vitamin D dưới 20 nanogam/mililit thường được coi là không đủ và cần phải bổ sung.
Người lớn bị thiếu vitamin D sẽ được khuyến nghị trong chế độ ăn uống (RDA) cần bổ sung 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Người cao tuổi sẽ nâng lên 800 IU để tối ưu hóa sức khỏe của xương.
Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung canxi và đưa ra các lời khuyên khác về chế độ ăn uống và lối sống để cơ thể được khỏe mạnh.
Một trong những lời khuyên quan trọng đó là bạn nên phơi nắng hợp lý. Nếu bạn không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc luôn phải che chắn da cẩn thận, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc bổ sung vitamin D, nhất là khi bạn có các yếu tố nguy cơ thiếu vitamin D.
Bên cạnh đó, bổ sung vitamin D thông qua chế độ ăn uống cũng khá hiệu quả. Có rất nhiều thực phẩm giàu vitamin D mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn uống của mình như cá hồi, nấm, sữa, dầu cá....
Nói chung, sự thiếu hụt vitamin D là vô cùng phổ biến và phần lớn mọi người đều không cung cấp đủ lượng vitamin D cơ thể cần mỗi ngày. Bởi triệu chứng thiếu vitamin D thường không cụ thể nên rất khó nhận biết. Do đó, nếu bạn nghi ngờ mình bị thiếu vitamin D hãy đến gặp bác sĩ được thăm khám và có hướng dẫn bổ sung hợp lý, an toàn.