Thịt cóc có tác dụng gì? Ăn thế nào để nhận được lợi ích và không bị ngộ độc?

(VOH) – Không phổ biến như thịt ếch hay thịt nhái nhưng thịt cóc vẫn được nhiều người sử dụng. Vậy ăn thịt cóc có tác dụng gì và đâu là những bộ phận chứa độc tố trong thịt cóc?

Từ lâu, người dân đã dùng thịt cóc để chế biến nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên trong một số bộ phận của cóc có chứa độc tố, nếu không cẩn thận khi chế biến có thể bị ngộ độc thịt cóc khi ăn.

1. Tìm hiểu về loài cóc

Nhiều người nghĩ rằng Cóc là tên là một một loài động vật cụ thể, nhưng thực tế Cóc được dùng để chỉ một nhóm động vật thuộc bộ Ếch, gồm các động vật có lớp da sần sùi, thường sống trên cạn. Cóc chưa có sự phân loại khoa học chính xác do chúng có thể là tên của các loài trong họ khác, ví dụ như họ Cóc (Có rừng), họ Cóc tía, họ Cóc lưỡi tròn, Cóc đào,...

Ở Việt Nam loại cóc phổ biến là Thiềm tô, tên khoa học là Bufo melanostictus Schneider, thuộc họ Cóc. Chúng thường sống ở môi trường ẩm thấp, đặc biệt ưa thích những nơi gần sông ngòi, ruộng mương, khe tường.

thit-coc-co-tac-dung-gi-voh-0
Cóc là loài động vật khá phổ biến ở Việt Nam (Nguồn: Internet)

Cóc là loài thân ngắn, đầu có 2 mắt to, lồi, mõm ngắn tù, miệng rộng, bụng phình to. Da khô, sần sùi, có những mụn to nhỏ xen kẽ 2 tuyến lớn ở trên mắt, bên trong đó có chứa nhựa độc, thường tiết ra khi chúng gặp tình huống nguy hiểm.

Cóc thường sử dụng để làm thực phẩm và làm thuốc. Bộ phận dùng chính là thịt cóc và nhựa cóc.

2. Ăn thịt cóc có tác dụng gì?

Theo DS  Lê Kim Phụng (Giảng viên Trường Đại học Y dược TPHCM) cho biết, trong 100g thịt cóc có chứa rất nhiều thành phần dưỡng chất, bao gồm các loại đạm như Asparagine, Histidine, Tyrosine, Methionine, Leucine, Isoleucine, Phenylalanine, Tryptophan…., nhiều khoáng tố vi lượng đặc biệt là mangan, kém... Đồng thời, hàm lượng lipit tương đối thấp và cũng chứa rất ít gluxit.

Chính vì thịt cóc có giá trị dinh dưỡng tương đối cao nên thường được sử dụng cho những trẻ em bị suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương,… Ngoài ra, một số nghiên cứu y học hiện đại còn cho rằng, thịt cóc có thể có những tác dụng như:

  • Giảm đau, kháng viêm
  • Tăng huyết áp
  • Gây tê cục bộ
  • Nâng cao tế bào miễn dịch
  • Lợi tiểu, hóa đàm, giảm ho và các triệu chứng bệnh hen suyễn

Trong y học cổ truyền, theo sách của danh y Tuệ Tĩnh có ghi, thịt cóc có tính bình, mát. Tác dụng của thịt cóc là giúp:

  • Bổ dương, thanh nhiệt
  • Chống co giật
  • Dùng thuốc chữa bệnh cam còm (gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm lớn, kém ăn), lở ngứa ngoài da
  • Bồi bổ cơ thể, tăng cường dinh dưỡng sau ốm

3. Thịt cóc nấu món gì ngon?

Cóc vốn là động vật được nhiều người lựa chọn trong chế biến món ăn do có hàm lượng protein lớn cùng nhiều vitaminkhoáng chất khác. Một số món ngon từ cóc có thể kể đến như:

3.1 Cháo thịt cóc

thit-coc-co-tac-dung-gi-voh-1
Cháo thịt cóc (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Thịt cóc: 100g
  • Gạo tẻ
  • Gạo nếp
  • Hành ngò
  • Gia vị thông dụng

Cách nấu cháo thịt cóc

  • Thịt cóc đã được sơ chế sau khi mua về mang đi rửa sạch, sau đó băm nhỏ rồi ướp với hành, tiêu, nước mắm theo khẩu vị.
  • Rang gạo tẻ và nếp cho vào chảo và rang trên lửa, lưu ý rang làm sao không để gạo bị biến màu.
  • Gạo rang xong đem vo sạch rồi thì mang đi nấu cháo. Nấu đến khi cháo chín thì cho thêm phần thịt cóc băm đã ướp gia vị vào cháo. Nêm nếm lại gia vị vừa ăn, đợi cháo sôi lại thì tắt bếp.
  • Cho cháo ra tô, thêm hành ngò, tiêu và thưởng thức ngay khi cháo còn ấm.

3.2 Thịt cóc rang lá chanh

Nguyên liệu

  • Thịt cóc: 500g
  • Lá chanh
  • Dâu ăn
  • Gia vị thông dụng

Cách làm món thịt cóc rang lá chanh

  • Thịt cóc cần phải được lột bỏ da, toàn bộ phủ tạng, chỉ giữ lại phần đùi của thịt cóc, rửa sạch với nước, chặt miếng vừa ăn.
  • Lá chanh rửa sạch, cắt sợi.
  • Cho thịt cóc được làm sạch vào tô cùng với dầu ăn, ớt tươi thái lát, lá chanh, nước mắm, gia vị ướp theo khẩu vị và để yên trong khoảng 10 phút cho ngấm đều gia vị.
  • Bắc chảo lên bếp cho thêm chút dầu ăn, khi dầu nóng thì cho thịt cóc đã ướp vào đảo đều trên lửa lớn. Khi thấy thịt cóc đã chín, thơm mùi thì cho lá chanh vào là có thể bỏ ra thưởng thức.

Xem thêm: Chanh ta: Loại cây cho ra quả 'nhỏ xinh' nhưng lại mang đến những công dụng 'to đùng'

3.3 Cóc xào dọc mùng

Nguyên liệu

  • Thịt cóc: 500g
  • Dọc mùng
  • Rau thơm
  • Ớt tươi, tỏi
  • Dầu ăn
  • Gia vị thông dụng

Cách làm món cóc xào dọc mùng

  • Thịt cóc mua về lột bỏ da, bỏ toàn bộ phủ tạng, giữ lại phần đùi của thịt cóc, rửa sạch với nước, băm nhuyễn.
  • Dọc mùng tước bỏ phần bên ngoài, ướp với một chút muối cho bớt ngứa, sau đó rửa sạch với nước, vắt ráo nước.
  • Rau thơm thái nhỏ, ớt tươi băm nhuyễn.
  • Bắc chảo lên bếp cho thêm dầu ăn vào đun nóng, khi dầu nóng cho tỏi vào phi thơm. Sau đó cho phần thịt cóc đã băm nhuyễn vào đảo trên lửa lớn, thêm gia vị theo khẩu vị rồi xào tiếp tục.
  • Khi thấy thịt cóc chín tái, bạn cho dọc mùng vào đảo đều, xào chín thì cho thêm rau thơm thái nhỏ, ớt băm nhuyễn vào đảo cùng là có thể bắc ra và thưởng thức.

3.4 Ruốc cóc

thit-coc-co-tac-dung-gi-voh-2
Món ruốc cóc ngon miệng dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Thịt cóc: 1kg
  • Muối
  • Dấm

Cách chế biến ruốc cóc

  • Thịt cóc đã được sơ chế sạch lột bỏ da, bỏ toàn bộ phủ tạng, giữ lại phần đùi của thịt cóc, rửa sạch với nước.
  • Cho thịt cóc đã làm sạch vào ướp cùng một ít nước mắm ngon.
  • Bắc chảo lên bếp, chảo nóng cho tiếp phần thịt cóc đã ướp vào xào đến khi chín. Khi thịt cóc đã khô hết nước. Múc thịt cóc khỏi chảo, để nguội bớt, sau đó lọc bỏ phần xương, giữ lại phần thịt cóc.
  • Cho phần thịt cóc vào cối nhỏ giã 1 lượt rồi đổ vào chảo, rang to lửa và thật đều tay. Sau khi rang khô thịt cóc bắt đầu xe lại hãy cho vào máy xay sinh tố xay nhỏ rồi lại rang tiếp với lửa nhỏ.
  • Khi thấy thịt cóc đã khô bạn cho vào rây để lọc lấy phần bột mịn. Để nguội cho vào lọ thủy tinh đậy nắp kín, để nơi khô ráo và dùng dần.

4. Bộ phận nào của cóc có chứa độc tố?

Thịt cóc được dùng làm nguyên liệu có khác nhiều các món ăn khác nhau, tuy nhiên khi chế biến thịt cóc bạn cần loại bỏ những bộ phận sau đây vì chúng có chứa độc tố gây hại cho sức khỏe:

  • Gan và trứng cóc có chứa độc tố Bufotoxin. Độc tố này có tác động đến tim mạch, gây ảo giác, gây hạ huyết áp,…
  • Nhựa cóc ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc có chứa độc tố mà khi bị ngộ độc sẽ gây ngừng tim rất nhanh. 
  • Ở bụng cóc cũng có tuyến tiết ra chất độc có thể gây tê liệt cơ thể, tê liệt hô hấp và tê liệt tuần hoàn.

Do đó, nếu trong quá trình làm thịt cóc, nếu không loại bỏ những bộ phận này hoặc không cẩn thận để các chất độc tiết ra và nhiễm vào thịt cóc thì khi ăn sẽ bị ngộ độc ngay. 

5. Dấu hiệu ngộ độc thịt cóc

Tùy vào lượng chất độc được đưa vào cơ thể nhiều hay ít mà mức độ ngộ độc cũng như thời gian xuất hiện triệu chứng ngộ độc có sự khác nhau ở từng trường hợp. Theo dược sĩ Kim Phụng, thông thường, sau khi bị ngộ độc thịt cóc, người bệnh thường có những biểu hiện sau đây:

  • Chóng mặt
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Đau đầu
  • Tê liệt cơ thể
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Rối loạn tim mạch
  • Khó thở do các cơ hô hấp bị co thắt
  • Liệt vận động
  • Hệ hô hấp, hệ tuần hoàn bị liệt và nguy cơ dẫn đến tử vong

Sau khi ăn thịt cóc tự làm và có dấu hiệu ngộ độc thịt cóc thì người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. 

Xem thêm: 7 dấu hiệu chứng tỏ bạn đã bị ngộ độc thực phẩm, nhận biết sớm để tự xử lý an toàn tại nhà

6. Một số lưu ý khi ăn thịt cóc

Để dự phòng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành.
  • Nếu tự làm thịt cóc cần cắt bỏ đầu dưới 2 tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước, chỉ lấy thịt, xương để chế biến món ăn.
  • Không ăn Cóc tía (cóc có phần bụng với màu đỏ hay màu vàng sặc sỡ)

Nhìn chung, thịt cóc rất giàu dinh dưỡng, tuy nhiên chỉ một số bộ phận nhất định trên cóc mang lại lợi ích cho sức khỏe. Do đó, trước khi ăn thịt cóc bạn cần phải biết những bộ phận nào ăn được và bộ phận nào chứa độc tố để kịp thời loại bỏ khi chế biến.  

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của dược sĩ Lê Kim Phụng tại audio bên dưới:

 

Bình luận