Chờ...

Trẻ mọc răng hàm: Dấu hiệu nhận biết và cách giúp trẻ giảm đau

(VOH) – Trẻ mọc răng hàm thường diễn ra khi bé được khoảng 2 tuổi. Trong quá trình mọc răng, bé có thể bị sốt và quấy khóc, vì thế mẹ cần biết cách chăm sóc để bé có thể vượt qua giai đoạn này êm ái.

Trẻ mọc răng hàm là chuyện rất bình thường mà bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ trải qua, đây cũng giai đoạn cuối cùng trong hành trình phát triển răng sữa của bé. Tuy nhiên, quá trình mọc răng hàm ở trẻ em không hề dễ chịu bởi lúc này, bé phải đối diện với cảm giác đau nhức, mệt mỏi do sốt, không thể nhai, nuốt như bình thường, thậm chí là bị sụt cân.

1. Trình tự mọc răng hàm ở trẻ

Thông thường, trẻ bước sang tháng thứ 6 sẽ bắt đầu nhú chiếc răng đầu tiên và trong 12 tháng đầu đời, trẻ sẽ có khoảng 6 chiếc. Đến 2 tuổi bé sẽ có đủ 20 chiếc răng chia đều cho hàm trên và hàm dưới. Dĩ nhiên, thứ tự mọc răng này không phải đúng với tất cả những đứa trẻ, có bé mọc sớm, có bé mọc muộn tùy vào việc bổ sung canxi cho trẻ trong quá trình mang thai có đủ hay không.

Trong quy trình mọc răng của trẻ, chiếc răng hàm đầu tiên thường sẽ mọc trong khoảng thời gian từ 13 tháng đến 19 tháng đối với hàm trên và trong khoảng 14 tháng đến 18 tháng đối với răng hàm dưới.

Trẻ mọc răng hàm thứ 2 nằm trong khoảng từ 25 đến 33 tháng tuổi đối với hàm trên và 23 đến 31 tháng tuổi đối với răng hàm dưới.

Răng hàm của bé lúc này được gọi là răng hàm sữa và chúng sẽ tồn tại cùng với quá trình lớn lên của bé đến năm 6 tuổi. Sau 6 tuổi, những chiếc răng sữa này sẽ bắt đầu rụng dần và chuyển sang giai đoạn thay răng vĩnh viễn.

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ mọc răng hàm

Mọc răng hàm sẽ gây ra sự khó chịu đáng kể cho bé. Tuy nhiên, ở giai đoạn này bé sẽ không thể diễn đạt được cảm giác đau nhức và khó chịu của mình, vì thế cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu trẻ mọc răng hàm như:

  • Sốt nhẹ: Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt khi mọc răng hàm là do thời điểm mọc răng của trẻ trùng với giai đoạn trẻ đã hết thời gian có được khả năng miễn dịch nhận được từ người mẹ.
  • Chảy nước dãi: Dấu hiệu này rất dễ nhận biết ở trẻ nhỏ và trẻ lớn khi mọc răng hàm.
  • Ho: Khi trẻ bắt đầu mọc răng hàm có thể kèm theo ho, bởi việc có nhiều nước dãi trong miệng sẽ làm bé khó chịu, dẫn đến ho sặc. Tuy nhiên, nếu bé gặp những cơn ho kèm sốt, sổ mũi, dị ứng thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ bị ốm.
  • Hay nhai đồ: Áp lực khi những mầm răng đâm xuyên qua nướu sẽ khiến bé rất khó chịu. Vì thế, bé sẽ có xu hướng muốn gặm bất cứ thứ gì đang cầm trong tay.
  • Chán ăn: Sự đau nhức, khó chịu khi những chiếc răng hàm nhú lên khiến bé có hiện tượng chán ăn và lười ăn hơn.
  • Khó ngủ: Trẻ mọc răng hàm thường rất khó ngủ cả ban ngày lẫn ban đêm.

tre-moc-rang-ham-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-giup-tre-giam-dau-voh

Trẻ mọc răng hàm thường cảm thấy rất khó chịu ở nướu răng (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Khi bé mọc răng hàm, bé sẽ không sốt quá cao hoặc khó chịu dạ dày, tuy nhiên, đôi lúc trẻ có thể sẽ bị cảm lạnh hoặc mắc bệnh liên quan đến dạ dày. Một số trẻ khác sẽ không có dấu hiệu khó chịu khi răng hàm mọc, nhưng cũng có bé lại vô cùng mệt mỏi, thậm chí là bị đau đầu.

3. Có thể giảm đau cho bé mọc răng hàm bằng cách nào?

Khi bé mọc răng hàm, mẹ có thể giúp con giảm bớt cơn đau và sự khó chịu bằng cách kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Thuốc giảm đau vẫn có thể được sử dụng như phương pháp cuối cùng, tuy nhiên để đảm bảo an toàn, mẹ cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng.

3.1 Biện pháp giúp khắc phục tình trạng bé bị đau răng hàm tại nhà

Để giảm cơn đau, khó chịu cho bé trong giai đoạn mọc răng hàm, mẹ có thể thử một trong những cách sau đây:

  • Đặt một miếng băng gạc mát đã thấm ướt lên nướu của trẻ.
  • Đặt một cái muỗng lạnh giữa hai hàm răng, nhưng đừng để con cắn muỗng.
  • Dùng tăm bông sạch chấm nước vào môi của bé để bé không bị khô môi, nứt môi.

Ngoài ra, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp giúp phân tán sự chú ý của trẻ như: cho bé tô màu, hát và nhảy múa cũng có thể giúp bé ít nghĩ tới các cơn đau.

3.2 Dinh dưỡng cho trẻ mọc răng hàm

tre-moc-rang-ham-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-giup-tre-giam-dau-1-voh

Bánh quy là một món ăn lý tưởng cho các bé trong độ tuổi mọc răng (Nguồn: Internet)

Trong giai đoạn trẻ mọc răng hàm, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò khá quan trọng bởi lúc này bé ăn uống rất khó khăn, thường bỏ ăn do bị đau và sưng nướu.

Vì thế, mẹ nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm xay nhuyễn, mềm để tránh tác động mạnh đến chỗ nướu đang bị sưng đau. Mẹ có thể luộc chín cà rốt, khoai tây, súp lơ cho trẻ gặm để kích thích mọc răng tốt và nướu răng của bé bớt khó chịu.

Trong thực đơn trẻ cũng cần bổ sung thêm các loại nước trái cây để giúp cung cấp vitamin cho cơ thể. Mẹ có thể cho bé uống nước hơi lạnh để xoa dịu cơn đau răng. Ngoài ra, bánh quy cũng là một món ăn lý tưởng cho các bé trong độ tuổi mọc răng.

3.3 Đồ vật cần tránh sử dụng khi trẻ mọc răng

Vòng ngậm cho bé mọc răng có thể sẽ không hữu ích khi bé đang mọc răng hàm, bởi chúng được thiết kế chủ yếu cho trẻ mới bắt đầu mọc răng cửa.

Cha mẹ cũng không nên cho con đeo bất kỳ đồ vật nào quanh cổ, chẳng hạn như vòng hổ phách mọc răng, vì chúng tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ bị ngạt nếu chẳng may nuốt phải.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không để trẻ nhai đồ chơi bằng nhựa cứng vì những loại đồ chơi này có thể làm tổn thương răng của trẻ và tăng nguy cơ trẻ nhiễm phải chất nhựa có hại. Thay vào đó, mẹ hãy chọn các loại sản phẩm làm từ mủ cao su hoặc silicon để đảm bảo an toàn sức khỏe tốt hơn.

4. Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng hàm

Bé mọc răng hàm không nhất thiết phải đưa đến nha sĩ, nhưng mẹ hãy đưa con đi khám răng lần đầu trong vòng 6 tháng khi bé mọc chiếc răng đầu tiên nhưng không được muộn hơn 1 tuổi.

Ngoài ra, mẹ nên dạy trẻ cách chăm sóc răng miệng ngay từ nhỏ để tránh tình trạng bị sâu răng sữa, bằng cách: khi răng hàm vừa mọc lên, mẹ hãy nhẹ nhàng chải răng của con cũng như các khu vực xung quanh bằng các loại kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé.

Nhìn chung trong hầu hết các trường hợp, tình trạng khó chịu là một phần bình thường của quá trình trẻ mọc răng hàm. Tuy nhiên, mẹ không nên bỏ qua bất kỳ những triệu chứng nghiêm trọng nào của bé, đồng thời cân nhắc đến việc đưa con đến bác sĩ nha khoa nếu bé tỏ ra vô cùng cáu kỉnh, khó chịu, mệt mỏi hay sốt cao nhiều ngày (1 – 3 ngày).