Chờ...

5 thành phố ô nhiễm nhất thế giới

VOH - Thủ đô Delhi của Ấn Độ là thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo báo cáo chất lượng không khí thế giới của IQAir.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần như toàn bộ dân số thế giới (99%) đang hít thở bầu không khí ô nhiễm. Một trong những chỉ số chuẩn được WHO dùng để xác định chất lượng không khí là nồng độ bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2,5 micron, còn gọi là PM2.5. 

Đây là một trong những chất gây ô nhiễm nguy hại nhất tới sức khỏe con người vì có thể làm tổn thương các nội tạng lớn của cơ thể khi hít phải.

Dữ liệu về nồng độ bụi mịn PM2.5 được cập nhật theo thời gian thực ngày 7/11/2023 của IQAir đưa ra danh sách 5 thành phố ô nhiễm nhất thế giới như sau.

Delhi, Ấn Độ

Delhi - nơi sinh sống của khoảng 33 triệu người, thường xuyên được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Delhi đứng đầu danh sách khi chỉ số PM2.5 chạm ngưỡng nguy hiểm 422 μg/m3, cao gấp 42 lần so với mức tiêu chuẩn và an toàn. 

Tình trạng ô nhiễm thường nghiêm trọng hơn vào đầu mùa đông khi không khí chuyển lạnh, di chuyển chậm hơn sẽ giữ lại các hạt gây ô nhiễm như bụi xây dựng, khi thải xe cộ và khói từ việc đốt rơm rạ ở các bang lân cận.

Nông dân ở các bang miền bắc Punjab, Haryana và Uttar Pradesh thường đốt rơm rạ sau khi thu hoạch vào tháng 10 để dọn sạch cánh đồng trước khi gieo vụ đông vài tuần sau đó. Điều này đã khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn.

Delhi
Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Delhi, Ấn Độ - Ảnh: IQAir

Xem thêm: Ấn Độ: Nhiều trường học ở thủ đô New Delhi đóng cửa do ô nhiễm không khí

Giới chức thủ đô New Delhi cho rằng, nhiều khả năng chất lượng không khí sẽ còn tệ hơn sau lễ hội ánh sáng Diwali vào ngày 12/11 tới. Vào dịp này, người dân Ấn Độ thường đốt pháo hoa khiến không khí càng ô nhiễm.

Cho đến nay, các quan chức chính phủ đã đóng cửa trường học, hạn chế sử dụng các phương tiện gây ô nhiễm và tạm dừng hoạt động xây dựng. Chính quyền kêu gọi người dân ở trong nhà và hủy bỏ các cuộc tụ họp đông người.

Lahore, Pakistan 

Lahore, thành phố lớn đông đúc với hơn 11 triệu dân - gần biên giới với Ấn Độ, bị xếp thứ 2 vào nhóm những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới với chỉ số PM2.5 được ghi nhận là 336 μg/m3.

Lahore, Pakistan 
Người dân Lahore, Pakistan di chuyển lưu thông trong bầu không khí ô nhiễm - Ảnh: Reuters

Ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ tại Lahore trong những năm gần đây, khi hỗn hợp khói dầu diesel chất lượng thấp, khói rơm rạ bị đốt và nhiệt độ mùa Đông lạnh giá kết hợp lại thành những đám khói mù tù đọng.

Ngoài ra, Lahore còn phải chịu sự đảo ngược nhiệt độ, một hiện tượng thời tiết khiến không khí ấm bị giữ lại bên dưới một lớp không khí lạnh hơn. Các chất gây ô nhiễm cũng bị giữ lại với lớp không khí ấm và không dễ bị phân tán và pha loãng bởi gió.

Một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Chicago (Mỹ) tiết lộ, trẻ em ra khỏi nhà và sinh hoạt ăn uống trong bầu không khí ô nhiễm hiện tại của Lahore có hại tương đương với hút 30 điếu thuốc mỗi ngày. Theo đó, độ tuổi trung bình của người dân Lahore cũng đã đang bắt đầu giảm do ảnh hưởng của ô nhiễm.

Kolkata, Ấn Độ 

Là trung tâm thương mại của khu vực Đông Ấn Độ và sở hữu sân bay quốc tế duy nhất trong khu vực, thành phố Kolkata đối mặt với tình trạng không khí độc hại đáng báo động.

Nồng độ PM2.5 tại Kolkata (203 μg/m3) hiện cao gấp 32,6 lần giá trị tiêu chuẩn của WHO và được khuyến khích chạy máy lọc không khí, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn và đeo mặt nạ khi ra ngoài.  

Kolkata, Ấn Độ 
Mức độ ô nhiễm đáng báo động tại Kolkata, Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Các nhà kinh doanh máy lọc không khí tại đây liên tục chứng kiến tình trạng thiếu hàng do nhu cầu tăng vọt. Chính quyền thành phố phải tạm dừng tất cả các hoạt động xây dựng không thiết yếu, áp dụng hình phạt với các phương tiện xả nhiều khí thải, sử dụng vòi phun nước để giảm bớt tình trạng sương mù và khói bụi. 

Các chuyên gia môi trường tại Kolkata cảnh báo, mức độ ô nhiễm không khí và tiếng ồn trong mùa lễ hội Diwali từ ngày 12/11 trở đi. Chuyên gia ủng hộ việc thực hiện nghiêm ngặt quy định chỉ cho phép đốt pháo trong những ngày lễ hội và tuân thủ thời hạn hai giờ theo quy định của Tòa án Tối cao Ấn Độ đối với pháo nổ, đặc biệt là pháo xanh.

Karachi, Pakistan

Các tác nhân khiến nồng độ PM2.5 của thành phố Karachi, Pakistan lên đến 188 μg/m3 là khí thải từ phương tiện giao thông, công nghiệp, đốt rác, khí thải từ tủ lạnh, máy phát điện và bếp lò được sử dụng trong nhà và khách sạn. 

Chủ tịch Diễn đàn Quốc gia về Môi trường và Sức khỏe, Naeem Qureshi cho rằng ô nhiễm không khí liên tục gia tăng ở Karachi, trong đó 70% do khí thải giao thông vận tải.

Karachi, Pakistan
70% tình trạng ô nhiễm tại Karachi, Pakistan bắt nguồn từ khí thải giao thông vận tải - Ảnh: AFP

Ngoài ra, diện tích các loại rừng, bao gồm rừng ngập mặn dọc theo bờ biển Sindh, nơi từng giúp hấp thụ carbon dioxide và không khí sạch ở Karachi, đã bị ‘tấn công’ đến mức báo động.

Độ che phủ rừng ngập mặn hiện tại của Karachi là 50.000 ha. Trong 50 năm qua, Karachi đã mất 10.000 ha rừng ngập mặn do lấn chiếm, thương mại hóa và phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến “màng lọc” không khí của thành phố này. 

Dhaka, Bangladesh 

Bầu trời ô nhiễm kinh niên của Dhaka là một mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng với chỉ số PM2.5 169 μg/m3.

WHO ước tính, ô nhiễm không khí giết chết khoảng 108.000 cư dân Bangladesh mỗi năm. Phần lớn lượng phát thải PM2.5 của thành phố có liên quan đến các lò gạch và bụi từ các công trường xây dựng, phương tiện cơ giới. 

Dhaka, Bangladesh 
Thủ đô Dhaka của Bangladesh đối diện với bầu trời ô nhiễm cực điểm - Ảnh: AFP

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) 2023 cho biết, hiện nay Bangladesh đã thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý chất lượng không khí, tuy nhiên công tác này đòi hỏi thời gian lâu dài và sự hợp tác xuyên biên giới vững chắc.

Báo cáo cũng đề xuất lộ trình ba giai đoạn để cải thiện chất lượng không khí ở Bangladesh: Thiết lập các thông số, xác định khu vực địa lý cản trở sự phân tán của luồng khí ô nhiễm; Áp dụng các biện pháp ít được phổ biến như giảm thiểu lò gạch, bếp nấu ăn, quản lý chất rắn... để hạn chế lượng khí thải; Tinh chỉnh các ưu đãi kinh tế phù hợp để khuyến khích các giải pháp phát triển từ cụm tư nhân, đảm bảo xây dựng và điều phối chính sách biến đổi kí hậu với sức mạnh tổng hợp tối đa.