Điều cần biết để quyết định có nên kết hôn hay không

(VOH) – Với nhiều người, hôn nhân là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng không phải ai cũng cảm thấy thích thú với việc đó.

Phong tục hôn nhân – cưới hỏi là dấu mốc quan trọng của đời người, đồng thời cũng thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy vậy, hôn nhân cũng trải qua nhiều thay đổi theo thời gian.

Trong quá khứ, hôn nhân là trách nhiệm, được coi là cần thiết để thiết lập một gia đình, duy trì gia thống. Ở một số nền văn hóa, hôn nhân còn là cách để đạt địa vị xã hội, thực hiện các nghĩa vụ tôn giáo hoặc văn hóa.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ kết hôn đã giảm ở nhiều quốc gia trên thế giới, bởi nhiều lý do như thay đổi trong thái độ xã hội, tăng khả năng tiếp cận giáo dục và cơ hội cho phụ nữ, các yếu tố kinh tế khác…

Ví dụ, tỷ lệ người chưa kết hôn trong độ tuổi 25 - 34 ở Mỹ hiện cao hơn nhóm đã kết hôn. Trong một cuộc khảo sát tại Hàn Quốc, có đến 53,2% phụ nữ cho rằng kết hôn và sinh con không quan trọng. Tương tự, ở Nhật Bản hay Thái Lan tỷ lệ kết hôn và sinh con cũng đang giảm mạnh trong những năm gần đây.

Điều cần biết để quyết định có nên kết hôn hay không 1
Ảnh minh họa: Franciscanmedia

Ngày nay, dù hôn nhân vẫn là một phần quan trọng của nhiều nền văn hóa và tôn giáo, nhưng nó không còn được coi là cách duy nhất để hình thành mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa nam và nữ. Nhiều cặp đôi trẻ chọn sống chung, thậm chí là có con nhưng không kết hôn. Có thể thấy, vai trò và kỳ vọng truyền thống liên quan đến hôn nhân đã thay đổi.

Theo các nhà xã hội học Mỹ, rất khó để trả lời câu hỏi “kết hôn vì điều gì” hay “có nên kết hôn không” bởi điều này phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh và suy nghĩ mỗi cá nhân. Tuy nhiên, một người có thể lựa chọn quyết định cho chính mình sau khi cân nhắc những “được – mất” của việc kết hôn sau đây:

Tại sao chọn kết hôn?

Có nhiều lý do “đưa” mọi người đến quyết định kết hôn. Một số lý do phổ biến là:

  • Tình yêu: Với nhiều người, lý do lớn nhất để tiến đến hôn nhân chính là tình yêu. Họ yêu một ai đó và muốn dành hết thời gian còn lại của cuộc đời mình cho người đó.
  • Sự an toàn: Khi hai người kết hôn, họ trở thành những người đồng đội và cùng nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc sống. Vì vậy, hôn nhân giúp mang lại cho họ cảm giác an toàn về cả tình cảm lẫn tài chính, mang đến sự ổn định và cảm giác thân thuộc.
  • Chuẩn mực xã hội: Trong nhiều nền văn hóa, hôn nhân là một chuẩn mực xã hội, là cách để khẳng định một cá nhân đã trưởng thành. Do đó, nhiều người khi đến tuổi sẽ quyết định kết hôn, dù cho cuộc hôn nhân đó không hề có tình yêu.
  • Con cái: Nhiều người chọn kết hôn vì họ muốn có con cái và nuôi nấng gia đình. Hôn nhân có thể mang đến một môi trường ổn định để nuôi dạy con cái.
  • Tôn giáo: Với một số người, hôn nhân là một nghi thức tôn giáo và kết hôn là cách thể hiện niềm tin tâm linh.

Xem thêm: Thêm một lý do tuyệt vời để bạn quyết định kết hôn

Tại sao không kết hôn?

Một số người khác lại cho rằng hôn nhân không phải là ý tưởng tốt cho tương lai. Một số lý do được đưa ra gồm:

  • Tự do cá nhân: Hôn nhân đòi hỏi sự cam kết về mặt thời gian, năng lượng và nguồn lực. Điều đó đồng nghĩa với việc phải chấp nhận từ bỏ một số quyền tự do và quyền tự chủ cá nhân. Với một số người, những  hy sinh này có thể lớn hơn lợi ích nhận được.
  • Khả năng hòa hợp: Một cuộc hôn nhân bền vững cần có sự hòa hợp của hai người. Nếu hai người có những giá trị, mục tiêu hoặc sở thích khác nhau sẽ rất khó để xây dựng một mối quan hệ bền chặt và dài lâu.
  • Các mối quan hệ: Tất cả các mối quan hệ đều có những thách thức và hôn nhân cũng không ngoại lệ. Nếu cặp đôi đang có những vấn đề giao tiếp hoặc không còn lòng tin thì việc kết hôn sẽ không thể giải quyết được vấn đề đó, thậm chí khiến chúng trở nên tồi tệ hơn.
  • Kỳ vọng của xã hội: Một số người sẽ cảm thấy bị áp lực kết hôn từ gia đình, bạn bè và xã hội nói chung. Nếu họ chưa sẵn sàng kết hôn hoặc không muốn kết hôn, điều này có thể gây ra những căng thẳng trong cuộc sống.
  • Vấn đề tài chính: Hôn nhân có thể gây tốn kém, đặc biệt nếu cặp đôi quyết định tổ chức một đám cưới trọng đại hoặc mua nhà mới sau khi kết hôn. Do đó, một số cá nhân cho rằng chi phí kết hôn là lãng phí, nhất là khi họ đang rất hài lòng với tình hình tài chính hiện tại của mình.

Nhìn chung, mỗi người có một cách yêu và cách sống khác nhau, bạn không cần phải giống một ai đó và bắt chước làm những thứ y hệt họ. Hãy cứ làm những điều mình thích, cũng như chỉ nên quyết định kết hôn khi bạn thật sự mong muốn chứ không phải bởi suy nghĩ bồng bột nhất thời hay bởi một áp lực vô hình nào đó.