Một món tiền thách cưới (sính lễ) có thể biến đám cưới trở thành tình huống đố kỵ và so sánh, có thể chuyển hai nhà thông gia từ bàn ăn sang bàn mặc cả, khiến cả cô dâu và chú rể trở nên ngượng ngùng, khó xử và thậm chí tạo ra một quả “bom nổ chậm” vào cuộc hôn nhân…
Tục thách cưới ở Trung Quốc đã có từ lâu. Một thời gian sau năm 1949, tục lệ này đã được bãi bỏ, nhưng trong dân gian, đây vẫn là một tục lệ khó bỏ trong hôn nhân. Cho đến ngày nay, ít có chủ đề nào gây tranh cãi nhiều trong xã hội Trung Quốc như chuyện thách cưới cao ngất ngưởng ở một số vùng.
Hồi tháng 1, bài báo với tiêu đề “Cô gái Giang Tây đòi bạn trai Thượng Hải 18,88 triệu tệ (hơn 65 tỷ đồng) sính lễ” liên tục trở thành chủ đề nóng hỏi mạng xã hội Trung Quốc thời gian dài. Câu chuyện sau đó được xác minh là giả mạo, nhưng vấn đề này vẫn tiếp tục gây bão trên các phương tiện truyền thông.
Đầu tuần này, thông tin một gia đình ở Tứ Xuyên nhận 260.000 tệ (900 triệu đồng) tiền sính lễ trong khi con gái chưa đủ tuổi thành niên cũng đã bị phản ứng dữ dội. Thái độ của dư luận đối với nạn thách cưới (hét giá cô dâu) đều tiêu cực giống nhau. Nhiều người coi đây là một truyền thống lỗi thời cần phải sớm chấm dứt.
Chính quyền địa phương, đặc biệt là ở miền bắc Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn cản tập tục này và coi nó như một trở ngại cho việc ổn định đời sống xã hội nông thôn.
Nguồn gốc tục thách cưới ở Trung Quốc
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, giá cô dâu hay sinh lễ mang ý nghĩa điều chỉnh quan hệ hôn nhân. Ngày nay, nó còn như một cách báo đáp công nuôi dưỡng của cha mẹ cô dâu và hỗ trợ tài chính cho cặp vợ chồng mới.
Vế nào trong hai yếu tố quan trọng hơn phụ thuộc văn hóa vùng miền. Một số vùng nông thôn phía bắc Trung Quốc, như Hà Nam, Sơn Đông và phía bắc tỉnh An Huy, cha mẹ cô dâu thường không giữ tiền vì sợ mang tiếng bán con. Toàn bộ sính lễ nhà trai đưa sang sẽ được gửi lại hết cô dâu chú rể sử dụng trong cuộc sống hôn nhân sau này.
Các vùng thượng lưu sông Dương Tử, gồm Tứ Xuyên, Hồ Bắc và Trùng Khánh, cũng theo thông lệ này. Nhà gái thường sẽ chuyển hết sính lễ cho cô dâu và có thể kèm theo của hồi môn.
Ở phía nam, bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến, nhà gái thường sẽ giữ sính lễ như một hình thức công nhận công lao nuôi dạy. Các bậc cha mẹ sẽ chuyển cho con gái khoảng một nửa sính lễ để làm hồi môn, phần còn lại sẽ dùng cho đám cưới hoặc để làm sính lễ khi con trai họ kết hôn.
Xem thêm:
Sính lễ là gì? 8 mâm sính lễ đám cưới không thể thiếu
Nam và nữ đeo nhẫn cưới tay nào, ngón nào là đúng nhất?
Lễ rước dâu là gì? Hướng dẫn cách phát biểu trong lễ rước dâu
Lý do tiền thách cưới cao ngất ngưởng dù người hưởng là cô dâu
Nhiều người thắc mắc vì sao ở những vùng có tập quán sẽ trao lại sính lễ cho cô dâu nhưng tiền thách cưới vẫn ở mức cao ngất ngưởng? Câu trả lời là do quan niệm “cuối cùng tiền cũng về tay cặp vợ chồng mới nên cha mẹ cô dâu không bị buộc tội bán con”.
Ngoài ra, một lý do khác là vì lĩnh vực hôn nhân tương đối khép kín và kỳ vọng kết hôn với người địa phương đã khiến cho sự cạnh tranh và đẩy giá lên cao.
Một nghiên cứu tại Đại học Khai Nam (Trung Quốc) cho thấy, tiền thách cưới có xu hướng cao nhất ở vùng nông thôn Hà Nam, phía bắc An Huy, đặc biệt là ở bình nguyên Hoa Bắc. Những vùng này, tiền thách cưới ít nhất 10.000 tệ sính lễ cho mỗi con trai, chưa bao gồm nhẫn cưới, đồ trang sức hoặc chi phí tổ chức đám cưới.
Tiền thách cưới ở các tỉnh phía nam như Giang Tây, Quảng Đông và Phúc Kiến thấp hơn, đặc biệt ở những khu vực có kinh tế phát triển. Giá thấp nhất ở là phía tây nam và thường không có mức chung. Lý do được cho là một số gia đình nhà gái đòi sính lễ cao nhưng bị nhà trai từ chối.
Thách cưới – nỗi ám ảnh của nhiều cô dâu chú rể
Trên thực tế, đã có rất nhiều người dân cảm thấy phản cảm và bày tỏ ý kiến trước thực trạng giá lễ vật cao ngất ngưởng và các đám cưới được tổ chức với quy mô “khủng”.
Không ít gia đình bất lực khi không đủ kinh tế để cưới vợ cho con, khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn. Nhưng hơn ai hết, cô dâu chú rể mới chính là những người chịu áp lực nhiều nhất.
Điều khiến thách cưới trở thành cơn ác mộng của nhiều đôi nam nữ chính là những thông tin về đám cưới bị hủy bỏ khi rước dâu liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Một số chú rể nhà có điều kiện cho rằng, tiền thách cưới chỉ là cách để thử thách tình yêu, nhưng không ít người đành phải chia tay người mình yêu ngay trước lễ cưới bởi những yêu cầu vượt mức giới hạn.
Ở Trung Quốc, kết hôn không phải là chuyện của hai người, mà nó còn liên quan đến quyền lợi của hai gia đình và thách cưới là biểu hiện trần trụi nhất của việc này.
Chưa bàn đến kinh tế, theo quan niệm truyền thống, việc phụ nữ không nhận tiền sính lễ sẽ bị coi là một điều đáng hổ thẹn, thậm chí sau khi kết hôn, cô ấy sẽ bị coi là “cho không” và “vô giá trị” và sẽ không được gia đình chồng tôn trọng.
Tuy nhiên, tiền thách cưới cao không có nghĩa là vị thế của phụ nữ được nâng cao mà ngược lại, nó có thể “giết chết” tương lai của người phụ nữ: một số cô gái phải bỏ dở việc học ở trường chỉ vì tiền sính lễ cao và kết hôn sớm. Trong cuộc sống hôn nhân sau này, người vợ có thể phải chịu áp lực về tiền thách cưới cao. Chẳng hạn, người chồng sẽ dùng món tiền thách khổng lồ làm cái cớ để tước bỏ quyền tự chủ trong hôn nhân của vợ.
Từ góc độ hiện nay, tiền sính lễ dường như đã trở thành “bom nổ chậm” cho nhiều cuộc hôn nhân. Bởi dù màn dạo đầu của tự do yêu đương kéo dài bao lâu, thì một cuộc hôn nhân kiểu Trung Quốc cũng khó có thể vượt qua rào cản của thách cưới kiểu Trung Quốc. Và vấn đề tiền thách cưới cũng phức tạp hơn so với thoạt nhìn, nếu muốn loại bỏ nó hoặc cải thiện, điều quan trọng là phải nhìn xa hơn các tiêu đề "hét giá cô dâu" và những logic cơ bản.
Tổng hợp