Thay vì những màn pháo hoa rực rỡ hay sự kiện countdown náo nhiệt, tiếng chuông cầu nguyện từ đình Bosingak ở Jongno, Seoul là điểm nhấn duy nhất của buổi lễ.
Sự khác biệt này xuất phát từ quốc tang tưởng niệm 179 nạn nhân trong thảm họa hàng không nghiêm trọng ngày 29/12/2024. Thảm kịch đã để lại nỗi đau lớn trong lòng người dân Hàn Quốc, khiến khoảnh khắc đón năm mới trở thành dịp để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất.
Tại đình chuông Bosingak, nơi vốn là trung tâm của lễ rung chuông đón năm mới suốt hơn 70 năm qua, không khí năm nay trầm lắng hơn hẳn. Khi con số trên màn hình đếm ngược về 0, thay vì những tiếng hò reo, người dân lặng lẽ ôm nhau vỗ về. Những tiếng chuông ngân vang mang theo lời cầu chúc bình an cho năm mới, trong khi sân khấu không có ánh đèn rực rỡ hay các màn trình diễn sôi động như thường lệ.
Bà Kim (50 tuổi) chia sẻ: “Hầu như năm nào tôi cũng đến đây cùng gia đình để dự lễ rung chuông đêm giao thừa. Nhưng năm nay khác hẳn. Tôi chỉ mong năm mới, gia đình tôi và mọi người vẫn mạnh khỏe, đất nước phát triển.”
Ông Park Young-ja (58 tuổi) sống tại Geumcheon-gu nói: “Cả đất nước đang chìm trong nỗi đau. Hy vọng năm 2025 sẽ là một khởi đầu khác, tích cực hơn.”
Theo ước tính của Cảnh sát Thủ đô Seoul, chỉ có khoảng 32.000 người tham gia sự kiện tại khu vực Bosingak, con số thấp hơn nhiều so với các năm trước. Khoảng 300 cảnh sát đã được huy động để đảm bảo trật tự, cùng với bốn trạm y tế và nơi trú ẩn chống rét.
Ban đầu, thành phố Seoul dự kiến tổ chức các buổi biểu diễn hoành tráng, bao gồm công nghệ Pixmob sử dụng vòng tay LED và Tháp ánh sáng, nhưng toàn bộ kế hoạch đã bị hủy bỏ để phù hợp với không khí quốc tang.
Nỗi đau từ thảm kịch hàng không đã bao trùm lên toàn quốc, biến thời khắc giao thừa thành dịp để người dân hướng lòng về những mất mát, thay vì niềm hân hoan đón chào năm mới. Tiếng chuông cầu nguyện từ Bosingak vang vọng trong đêm là biểu tượng của hy vọng, cầu mong một năm 2025 an lành và không còn những đau thương.