Tảng băng A-23A, hiện là tảng băng trôi lớn nhất thế giới vừa thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang di chuyển về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi dự báo sẽ tan vỡ hoàn toàn trong thời gian tới.
Hình ảnh vệ tinh từ NASA cho thấy tảng băng này hiện có diện tích khoảng 2.750 km², gấp đôi diện tích thành phố Los Angeles.
A-23A có lịch sử dài, lần đầu tách ra từ thềm băng Filchner-Ronne gần bán đảo Nam Cực vào năm 1986 và sau đó mắc cạn tại đáy biển Weddell suốt hơn 30 năm.
Đến năm 2020, tảng băng bắt đầu di chuyển về phía bắc dọc theo bán đảo Nam Cực, nhưng vào mùa hè 2024 nó bị mắc kẹt trong một dòng chảy xoáy, gọi là cột Taylor và thực hiện 15 vòng quay hoàn chỉnh trước khi thoát ra.
Hiện nay, sau khi thoát khỏi vòng xoáy, A-23A di chuyển khoảng 240 km về phía đông bắc. Nguyên nhân khiến tảng băng thoát khỏi dòng chảy vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà khoa học cho rằng sự thay đổi nhỏ trong hệ thống có thể là nguyên nhân tạo ra biến động ngẫu nhiên, giúp tảng băng thoát ra khỏi cột Taylor.
Chuyên gia Jan Lieser từ Cơ quan khí tượng Nam Cực nhận định đây là một hiện tượng hiếm gặp. Các nhà khoa học đang theo dõi sát sao hành trình tiếp theo của A-23A, liệu nó có di chuyển theo quỹ đạo giống như các tảng băng lớn khác đã tách ra từ Nam Cực hay không.