Đăng nhập

Tùy bút: 'Thú' chơi Tết

(VOH) - Xuân mang niềm tin tới, ai cũng mong năm mới sẽ đem đến nguồn vui mới, những điều tốt lành cho mình. Niềm mơ ước đó của mỗi người sẽ là hành trang cho mỗi người trong năm mới.

Tết là dịp nghỉ ngơi sau một năm dài làm việc vất vả, Tết cũng là dịp để sum vầy tụ họp gia đình, người thân, bạn bè. Mà khi đã sum họp đầy đủ thì niềm vui được nhân lên gấp khi có những "thú" chơi Tết để cùng cảm nhận, hòa mình với mùa xuân ấm áp đang đến.

Tết chẳng phải của riêng ai, cứ đi rồi cứ đến, đón năm mới ai cũng nhớ đến những cái Tết từng qua trong đời.

Thú chơi Tết 1Xem toàn màn hình
Cái thú đón Tết mãi mãi sẽ là cảm xúc khó quên trong ký ức của rất nhiều người chứ không phải riêng ai.

Đi cùng với cảm xúc khi xuân về đó chính là những thú chơi Tết.

Những thú chơi Tết thì có nhiều và tùy thuộc tập quán từng vùng miền, dân tộc và mỗi gia đình nhưng tất cả nhằm đáp ứng cho nhu cầu của con người về vật chất và tinh thần, nhằm nghỉ “xả hơi” sau một năm “cày” mệt nhọc.

Đứng đầu trong các thú của ngày tết đó vẫn là ẩm thực.

Ông bà xưa cũng đã đúc kết ăn, uống vẫn là cái sướng nhất trong “tứ khoái” của đời người và nó nhân lên gấp bội vào dịp Tết đến. Câu cửa miệng mọi người vẫn nói là lo…ăn Tết.

1. Phải nói ăn uống là cả một nghệ thuật cầu kỳ trong đời sống của con người.

Nó không chỉ đơn giản là ăn để no như thời con người còn hoang sơ mà ăn uống càng ngày càng phát triển thành một nghệ thuật trong đời sống hiện đại. Nhiều món ăn, thức uống rất cầu kỳ được con người nghĩ ra để phục vụ cho xứng danh “đệ nhất khoái”.

Ăn uống dịp Tết thì xuất hiện và biến tấu từ ngàn năm nay vì đó là truyền thống của dân tộc ta. Tết thì nhà nào cũng thịt thà, cá mú, rau, củ, quả đầy ắp. Các loại bánh, mứt, trái cây, hết tươi đến các loại thực phẩm khô, các loại thức ăn đặc sản vùng miền cứ đến Tết lại tái hiện sau một năm vắng bóng trong bữa cơm hàng ngày.

Tết miền Bắc thì không thể thiếu bánh chưng, thịt đông, dưa hành, miền Nam thì bánh tét, thịt kho trứng, tôm khô, củ kiệu,… Cái khoái khẩu đúng nghĩa là cũng những món ăn đó nhưng ăn vào dịp Tết thì hình như ngon hơn so với ngày thường hay vì ăn trong cảm xúc của mùa xuân nên ngon hơn?

Thuở nhỏ, tôi và các bạn cùng lứa trong xóm nghèo vẫn thèm đón Tết lắm vì Tết là ngày mà chúng tôi được ăn ngon, được ăn những món mà quanh năm không có mà ăn do đời sống còn rất thiếu thốn vào những năm đó.

Tôi nhớ có năm đón Tết, ông anh chở về nhà nguyên một cái đầu heo, đó là “chiến lợi phẩm” có được do bốc thăm trúng trong phân phối nhu yếu phẩm Tết cho công nhân viên trong cơ quan. Nhìn thấy cái đầu heo còn sống nguyên mà thèm! Vì lúc đó cái thích nhất của tuổi thơ chính là những bữa “cơm có thịt”, thỏa mãn cơn “khát” của dạ dày.

Niềm vui lúc đó nó nhỏ nhoi đến vậy! Nay, trẻ em đa phần đều không còn thiếu thốn trong cái ăn, thậm chí tình trạng béo phì ở trẻ ngày càng gia tăng. Giờ cũng là cái khổ, mà không cái khổ nào giống cái khổ nào. Nhìn đám trẻ ngày nay, đâu đó tôi nhớ lại tên một bộ phim truyền hình xưa nổi tiếng với câu “người giàu cũng khóc”.

Ăn nhậu dịp Tết thả dàn nên thường để lại hậu quả cho mọi người, nhẹ thì đầy bụng, khó tiêu, nặng hơn thì bị “tào tháo” rượt, nặng hơn nữa thì rối loạn tiêu hóa có khi phải nhập viện truyền dịch.

Nhưng ngán nhất vẫn là cái hậu của việc lạm dụng rượu bia.

Ngộ độc rượu do uống quá nhiều hay uống nhằm rượu giả…đã có nhiều đệ tử “thần lưu linh” đi chầu ông bà vào dịp Tết vì quá chén. Ngày nay, nhiều căn bệnh tim mạch, nội tiết được trẻ hóa, rượu bia càng gây tác hại nhưng uống vẫn cứ uống!

Có năm, mùng một Tếtm tôi vào khoa cấp cứu bệnh viện làm tin tai nạn dịp tết. Nhìn số bệnh nhân nằm la liệt, giãy giụa chờ vào phòng mổ do chấn thương sọ não mới thấy thiệt hại do rượu bia gây ra là quá khủng khiếp, tiếc là khi cầm ly “vô 100%” thì đâu ai biết đến những cảnh tượng đó.

Món ăn dịp Tết thì có rất nhiều nhưng Tết ở Sài Gòn mà tôi nhớ nhiều nhất trong đời thơ ấu đó là tiếng rao ở chợ Sài Gòn vào những ngày cuối tháng chạp: “Ai khô nai, khô cá thiều không?” Tiếng rao của người bán hàng nó thân thương, dung dị mà nghe là biết… lại một mùa xuân sắp đến và cứ thế, cứ mỗi mùa xuân đến đã bắt tôi phải giã từ ấu thơ!.

Gọi là ăn Tết mà không có uống thì còn gì là thú vị nữa! Người ta gọi hình thức vừa ăn, vừa uống vừa nhâm nhi từ từ bằng một chữ… “nhậu” là trọn nghĩa.

Tết mà không nhậu thì còn gì là Tết. Bia hay rượu phải uống một chút dù không biết uống, nhà nào cũng phải có bia rượu để đãi nhau và tối thiểu cũng phải có vài lon nước ngọt để mời khách uống ngày Tết. Tết mấy ai mà lại mời khách ly nước lọc trắng, nếu trắng thì cũng phải là ly 7 up hay soda uống để cho tiêu bớt cái bụng đong đầy thức ăn!

Bởi thế, Tết là phải có màu đỏ, màu tượng trưng cho may mắn. Màu đỏ của Tết thì nhiều lắm như đỏ từ phong pháo, câu đối đến miếng dưa hấu và nó thường hiện diện trong các bao lì xì may mắn…mà ai được nhận cũng 'mê'!

Thú chơi Tết 2
Tết cứ đến dù vui hay buồn tuân theo qui luật của thời gian xoay tròn trong tạo hóa mà con người là một thực thể nhỏ bé đón nhận.

2. Cái tục phong bao lì xì du nhập vào Việt Nam. Không chỉ là tục mà tiền lì xì cũng trở thành một thú vui ngày Tết.

Vào những năm cuối 70, đầu 80 thế kỷ trước, đời sống người dân TP lúc đó còn nhiều khó khăn. Tôi cũng như các bạn cùng lứa với mình rất mong được đến Tết, để chi? Để được ăn ngon và nhất là được người lớn lì xì.

Các thú của các em nhỏ luôn là những phong bao màu đỏ trong đó có tờ tiền “mới cáu cạnh” để có thể đêm nằm lấy ra vuốt vuốt, đếm đếm rồi sau Tết gom lại mua sách vở, quần áo, đồ chơi…

Nhưng thật ra không chỉ là các em nhỏ. Ngay cả khi trưởng thành, bạn bè thân thiết thì gặp nhau cũng đòi lì xì, nó như một cái thú khi được nhận tiền của bạn bè nhất là từ những bạn khác giới. Không ít cô gái gặp mấy anh cứ nằng nặc đòi lì xì, nhận tiền của bạn nam có niềm vui hơn là nhận tiền từ người lớn, nhất là người bạn nam đó cũng chính là người mình để mắt đến!

Cha mẹ đã lớn tuổi cũng muốn ngày Tết các con mình về thăm, có phong bao mừng tuổi cha mẹ. Thật ra với bậc cha mẹ thì không phải vì cái ruột của phong bao mà đó chính là niềm vui của tuổi già được con cái về chơi, chăm sóc qua món quà tặng dịp Tết. Đó mới là cái “lì xì” lớn nhất được nhận vào dịp Tết.

Tặng lì xì cũng có cái lợi đó là thay vì tặng quà hiện vật thì tiện lợi cho cả người tặng và người nhận. Nếu tặng bằng đồ vật có khi không đúng ý người nhận nhưng lì xì thì chắc chắn sẽ đúng ý vì người được tặng sẽ dùng tiền trong bao lì xì để mua  thứ mình thích.

Dĩ nhiên là tặng tiền lì xì đầu năm thì chỉ có tính tượng trưng, mức độ vừa phải chứ nếu tặng quá nhiều thì có khi lại mất ý nghĩa của nó, dù người được tặng cũng…rất thích.

Vì lì xì với ý nghĩa người được tặng sẽ nhận cái hên trong năm mới như những đồng tiền mới trong phong bao. Xuân cứ đi rồi lại đến và Xuân gieo lộc khắp chốn, khắp mọi nhà, mọi người là thế!

Thời xưa hay nay cũng vậy, cũng có những phong bì làm mất đi ý nghĩa “lì xì” vì số tiền tranh thủ bỏ trong phong bao quá “hớp” nhằm trao đổi, tranh thủ cho danh lợi, chức quyền thì chưa chắc đã là hên, nếu để lại hậu quả sau đó?

Cuộc đời  đâu ai biết được ngày sau sẽ ra sao?

Có người coi chuyện tương lai xảy ra chỉ là hên xui mà thôi. Nhưng thật ra hên hay xui là do cách suy nghĩ của mỗi người vì mọi sự đều có lý do. Mọi việc xảy ra đều do con người tạo ra và đó là kết quả của cả quá trình phát triển theo qui luật trong cuộc sống.

Tết cứ đến dù vui hay buồn tuân theo qui luật của thời gian xoay tròn trong tạo hóa mà con người là một thực thể nhỏ bé đón nhận.

Thú chơi Tết 2
Đời đang vui thì lại buồn rồi lại cho là gặp ông thầy cao tay đoán trúng phóc!

3. Hên-xui là điều đầu năm ai cũng muốn để thử vận may của mình trong năm mới như thế nào?

Đi đình, chùa, lăng, miếu để kiếm thầy coi bói hay xin quẻ đầu năm cũng là một cái thú. Nhưng chỉ là cái thú khi mà nhận được những “lời phán” may mắn, còn nếu như nhận được những tiên đoán không tốt thì chắc chắn không ai vui thú chút nào, thậm chí còn mang lại lo âu phiền não cho mình.

Người đời có câu “Thầy bói nói dựa”, nói quá khứ thì chung chung, muốn đúng cũng được mà muốn sai cũng xong! Nói tương lai thì lấy gì kiểm chứng khi việc chưa xảy đến? Có kiểm chứng được thì thầy cũng đã lấy tiền bỏ túi, biết đâu mà đòi nếu thầy đoán… trật lất?

Biết là vậy, nhưng do tâm lý, nhất là những người nhiều cảm  xúc, duy cảm thì lại coi lời thầy bói như là một…khẳng định tuyệt đối chính xác. Thế là nhiều người, (thường nhất là nữ giới) hay đi xem bói quẻ đầu năm. Rồi cứ cho là mọi việc đều do hên-xui.

Có cô vì tin lời thầy mà làm cho sự việc lẽ ra đang hên lại hóa xui...đang thành lại hóa bại! Đời đang vui thì lại buồn rồi lại cho là gặp ông thầy cao tay đoán trúng phóc!

Cũng vì chuyện hên-xui đầu năm mà mấy ông nhảy vào thử vận đỏ đen trong “sòng” kiếm tiền bỏ túi đầu năm.

Trong khu xóm lao động ở gần nhà, tôi vẫn nhớ như in cứ Tết đến thì xuất hiện mấy bàn bầu cua cá cọp và binh xập xám được mở ra công khai ở góc hẻm. Ai có tiền cứ nhảy vào kiếm ăn! Kiếm được mấy đồng bỏ đi ngay thì còn “may”, chứ ngồi lâu thì chỉ có nước sạch túi.

Mấy khi mà tay con ăn được nhà cái bởi nếu tay con mà ăn được nhà cái thì làm gì có sòng bạc mở suốt mấy ngày tết thậm chí hết mùng đến “màn” vẫn tồn tại, chỉ khi có công an xuống thì mấy cái sòng bạc này mới biến mất…

Rồi cảnh cãi cọ, cắn đắng nhau của những vợ chồng trong xóm lao động nghèo lại đến tai mấy đứa con nít như tôi. Hên đâu không thấy, tôi chỉ thấy ồn ào cả xóm vì cãi nhau từ nhà ra phố, cãi cả trong sòng bạc, rồi có năm mấy “thần đổ bác” đánh nhau vỡ cả đầu vì cờ gian, bạc lận…

Thú chơi Tết 4
Tiếng rao của người bán hàng nó thân thương, dung dị nghe là biết… lại một mùa xuân sắp đến và cứ thế, cứ mỗi mùa xuân đến đã bắt tôi phải giã từ ấu thơ!

4. Tao nhã nhất thú chơi dịp tết đó chính là chơi cây cảnh. Mùa xuân là mùa cây cỏ đơm hoa nẩy lộc, ai thích chơi hoa là đúng thời điểm.

Các loại hoa đào, mai được nhiều nhà ưa chuộng nhất từ Nam chí Bắc như một truyền thống của dân tộc Kinh. Nhưng đó là chuyện xưa, chứ giờ thì không chỉ có đào, mai mà cả lan, cúc, cẩm chướng, hướng dương, tulip, lay ơn, cho cả đến hoa dừa, hoa cau và cả hoa…màu nữa.

Nhìn hoa ngày nay giới trẻ mua về chưng người lớn cũng phải giật mình như: hoa khoai lang, hoa cải bắp, su hào, củ cải… cũng thành “hoa cảnh” chưng ngày Tết! Mỗi nhà, mỗi người đều kiếm cho mình loại hoa yêu thích, độc lạ, không được nguyên cây thì một cành, miễn là sắc hoa tươi thắm, đang nở rực rỡ… có cả củ to, tròn trịa, dính theo để đem lại cái may trong ngày đầu xuân.

Năm nào, giáp tết nhân đi tảo mộ tôi cũng làm luôn một chuyến du xuân ngoại thành, đúng là “cưỡi ngựa xem hoa” chưng Tết. Thôi thì đủ loại hoa Tết…như bức tranh thủy mặc… Mai Lan, Cúc, Trúc.

Một lần có người em mới ra ở riêng, cũng ra ngoại thành kiếm mai chưng tết. Không hiểu sao nghe người bán “tán” bùi tai quá bèn vác về cây táo bonsai chưng Tết cho lạ, độc. Đến mùng 7, tôi ghé nhà chơi thì hỡi ôi cây táo bonsai lại nở ra hoa trông giống y hoa …dâm bụt. Bẽn lẽn, đỏ cả mặt, em thú thật là bị lừa. Mua lầm chứ bán có bao giờ lầm!

Ngay bà chị họ tôi có năm cũng mua được cây lan đầy bông rất đẹp nhưng về nhà vài bữa thì “Thế là chị ơi!... Rụng bông hoa gạo”! Dù có chơi tới keo dán sắt thì cũng có lúc phải rụng thôi! Vì hoa cũng tuân theo qui luật của cuộc sống - đồ giả sao bằng đồ thật! Chơi hoa còn phải biết cách chăm hoa thì mới “ăn chắc mặc bền”!

Hoa chưng Tết ở cửa nhà thì có hướng dương, vạn thọ, cúc các loại (mâm xôi đến đại đóa) rồi cả các cây chưng có trái như quất (tắc), ổi, ớt kiểng… Miễn cây gì trồng được, bán được là đem ra đường bày bán để thu hồi vốn cuối năm.

Người mua cũng thế: đẹp, rẻ là mua. Có người đợi đến sát 30 tết mới đi mua hoa cho… rẻ vì người bán phải bán tháo để dọn hàng về quê ăn Tết. Vẫn biết thuận mua vừa bán nhưng cái thú chơi hoa “ép người” kiểu đó sao thấy không vui chút nào.

Tôi nhớ có năm, nhà hàng xóm trồng mai cứ đến gần Tết thì nhặt lá để cho cây ra hoa. Không biết xui khiến thế nào, ông ba có việc về quê trước tết, người con “trẻ trâu” hứng chí nhặt lá sớm, lại tưới phân, nước không đúng cách, mới 28 tết đã nở bung toét cả chậu, báo hại đến sáng mùng 1 thì chả còn bông nào nở.

Chỉ còn mấy cành trơ xương còn dưới đất thì vàng rực!

Ông già ở quê lên mắng, ông sợ mai rụng đầu năm như thế thì gia đình gặp hạn cả năm! Đúng là thú chơi mai cũng lắm buồn, vui!

Thú chơi Tết 3
Xúc cảm đó làm dâng lên trong mỗi người một tình cảm thiêng liêng trong cuộc sống được tạo hóa ban tặng.

5. Thú chơi Tết còn rất nhiều, ăn Tết, chơi Tết, đi chợ Tết, mua sắm Tết, săn hàng Tết, thưởng Tết, tiêu Tết, pháo Tết, hái lộc Tết, câu đối Tết, xin chữ Tết, tàu xe Tết… nếu nhớ hết mà kể thì chắc đến Tết cũng chưa hết!

Chỉ nhớ mãi cái thú nhất thuở nhỏ là “đón Tết”, hồi hộp đón từng giây phút giao mùa giữa năm cũ và năm mới, nó còn mãi trong tâm trí của những đứa trẻ mong ước Tết đến.

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là giờ phút chuyển giao, đất trời như giao hòa, vào những thời khắc khởi đầu năm mới, mỗi người có cảm giác rộn ràng khó tả trong tâm trí.

Năm nào cũng thế, ngay từ khi còn nhỏ thì trước bàn thờ để cúng được đặt ngay trước cửa nhà. Cái hồi hộp chờ đợi, cái rộn ràng khi giờ phút giao thừa đến. Lúc đó, con người và đất trời như cùng hòa quyện với nhau sau tiếng pháo (pháo nổ và sau này là tiếng đì đùng của pháo bông) để đánh dấu một năm mới đang đến.

Xúc cảm đó làm dâng lên trong mỗi người một tình cảm thiêng liêng trong cuộc sống được tạo hóa ban tặng. Con người và vạn vật như nở hoa, tươi vui hơn sau những phút đón giao thừa đầu năm mới. Quên những buồn phiền, âu lo hay vất vả trong năm cũ. Xuân mang niềm tin tới, ai cũng hy vọng năm mới sẽ đến với những nguồn vui mới, những điều tốt lành hơn cho mình, cho gia đình cho mình.

Niềm mơ ước đó của mỗi người sẽ là hành trang cho mỗi người trong năm mới. Cái thú đó mãi mãi sẽ là  cảm xúc khó quên trong ký ức của rất nhiều người chứ không phải riêng ai.

“Nghề chơi cũng lắm công phu” - đã thành nghề thì phải rành rọt, còn  thú chơi thì vui là chính.

Vài chục lần Tết đến trong đời người là mỗi lần đón cái thú chơi Tết. Nó vẫn cứ lôi cuốn mọi người vì không có Tết năm nào giống năm nào, cách chơi cũng đổi thay từng năm, mỗi người cứ đón Tết theo cách của mình thích, hay - dở, vui - buồn, xấu - tốt và hên hay xui thì cũng do mình tạo ra dựa trên những qui luật của cuộc sống, miễn là cứ mỗi lần đón Tết đến với một tình cảm tràn đầy vui sướng như đã từng đón những cái Tết đầu đời khi còn trẻ thơ.

Đó sẽ là “nghệ thuật” của mỗi người qua các thú chơi Tết. Chỉ mong cái thú chơi Tết giúp mọi người quên hết bao chuyện buồn của năm đã qua.

Bình luận