Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vì sao có tên gọi “Tết Nguyên Đán”?

VOH - Tết Nguyên Đán là lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam và của nhiều quốc gia ở Đông Á. Tên gọi quen thuộc nhưng ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa về văn hóa, tâm linh.

Diễn ra vào đầu năm theo lịch âm, Tết Nguyên Đán không chỉ đơn thuần là dịp mừng năm mới mà còn là một nghi lễ văn hóa sâu sắc, mang đậm ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng và sự gắn kết với thiên nhiên.

Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm Lịch hay Tết Cổ Truyền là dịp lễ hội quan trọng, một kho tàng văn hóa mang trong mình những giá trị tinh thần sâu sắc gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc. Tên gọi "Tết Nguyên Đán" xuất phát từ hai chữ Hán: "Nguyên" (元) có nghĩa là sự khởi đầu, sự mở đầu của một chu kỳ mới, nó cũng liên quan đến khái niệm "nguyên khí" là nguồn năng lượng, sinh khí trong vũ trụ và "Đán" (旦) nghĩa là buổi sáng sớm, thời khắc đầu tiên trong ngày. "Nguyên Đán" mang ý nghĩa là "khởi đầu của buổi sáng mới" khoảnh khắc mà ánh sáng mặt trời chiếu rọi, mang đến một khởi đầu tươi mới, hứa hẹn sự sinh sôi và phát triển. Ở một số quốc gia, Tết Nguyên Đán được gọi với cái tên khác nhau như "Tết" ở Việt Nam, "Chunjie" (春节) ở Trung Quốc, "Seollal" (설날) ở Hàn Quốc.

Từ thuở "khai thiên lập địa", Tết đã gắn liền với niềm tin vào mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ. Trong suốt bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, mỗi mùa mang một sắc thái riêng. Mùa xuân với sự sinh sôi nảy nở của cây cối và vạn vật luôn được coi là mùa của sự khởi đầu và hy vọng.

Quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" của người nông dân không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với đất trời mà còn là sự nhận thức về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên trong việc sinh sống và tồn tại. Đối với họ, mỗi mùa mưa, mùa nắng đều có ý nghĩa quan trọng trong việc nuôi dưỡng mùa màng, tạo ra sự sống, họ biết ơn các vị thần linh đã phù hộ cho một năm cũ đầy đủ và chuẩn bị cho một năm mới tràn đầy hy vọng.

Tết Nguyên Đán là dịp để gia đình, bạn bè quây quần bên nhau, thắt chặt tình thân và chia sẻ những khoảnh khắc ấm cúng.

Ngoài những nghi lễ truyền thống, điều kiện tự nhiên vào ngày Tết cũng tạo nên một không khí đặc biệt mang lại cảm giác tươi mới và phấn khởi. Khi Tết đến, mùa xuân chính thức bắt đầu và thiên nhiên như bừng tỉnh sau một mùa đông dài. Cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa nở khoe sắc, chim hót líu lo, không khí trở nên ấm áp, dễ chịu khiến không gian như rộng mở và đầy hy vọng. Đây là thời điểm mà mọi người cảm nhận rõ rệt sự đổi mới và sức sống mạnh mẽ của vạn vật.

Những nghi thức truyền thống như cúng tổ tiên, đón lộc đầu năm, lì xì hay những món ăn đặc trưng như bánh chưng, bánh tét đều mang trong mình những thông điệp ý nghĩa sâu sắc. Cúng tổ tiên là dịp để con cháu tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục, tỏ lòng hiếu thảo. Bánh chưng, bánh tét với hình dáng vuông vức, tròn trịa không chỉ là món ăn ngon mà còn biểu trưng cho đất và trời thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Cùng với lì xì, một tục lệ mang đến niềm vui và may mắn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, Tết là lúc mọi người gửi gắm những lời chúc tốt đẹp mong muốn một năm mới an lành, thịnh vượng.

Vào ngày Tết, mọi người thường dành thời gian sum vầy trong gia đình, không ra khỏi nhà mà chỉ bày cỗ cúng Tân Niên, ăn uống và chúc tụng nhau trong không gian ấm cúng và thân mật. Đây là thời điểm để gia đình quây quần, trao gửi những tình cảm yêu thương và hy vọng cho một năm mới tràn đầy may mắn. Một nét đặc sắc trong ngày đầu năm là nghi lễ xông đất. Những người có số mệnh tốt, hợp tuổi sẽ được mời đến xông đất mang theo sự may mắn, thịnh vượng cho gia chủ. Nghi lễ này thường diễn ra vào sáng sớm ngày Tết, khi mà không khí vẫn còn đầy tươi mới và tinh khiết thể hiện niềm tin vào một khởi đầu suôn sẻ và tốt đẹp.

Trong không khí tươi mới của năm mới, mọi người vui vẻ và cởi mở hơn với phong cách lịch sự và vẻ ngoài rực rỡ, tỏa sáng. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Tất cả tạo nên một không gian rộng mở, tươi mới như tiếp thêm năng lượng cho mọi người sau một năm vất vả. Con người trong ngày này cũng trở nên thư thái, vui vẻ và cởi mở hơn thể hiện qua phong cách lịch sự và rực rỡ hơn về dung nhan. Tất cả những điều này khiến buổi sáng đầu năm trở nên đặc biệt, thiêng liêng và đầy hy vọng.

Trong không khí đó, một tục lệ vào ngày đầu năm cũng mang ý nghĩa đặc biệt thể hiện lòng hiếu thảo và sự tôn trọng đối với các bậc sinh thành, thầy cô. Mùng Một Tết là ngày con cái dành để chúc Tết cha bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với người cha, người đã gánh vác trọng trách nuôi dưỡng và bảo vệ gia đình. Sang đến Mùng Hai Tết, con cái đến chúc Tết mẹ thể hiện lòng kính yêu và tri ân đối với người mẹ, người đã hy sinh cả cuộc đời để chăm sóc, nuôi dưỡng con cái và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Vào Mùng Ba Tết, học trò dành ngày này để đến chúc Tết thầy cô, tôn vinh công lao dạy dỗ và truyền thụ kiến thức giúp định hướng tương lai của mình.

Tết Nguyên Đán không chỉ đơn thuần là dịp nghỉ ngơi mà là thời điểm để mọi người nhìn lại những giá trị cốt lõi của văn hóa để cảm nhận sự kết nối giữa con người, thiên nhiên và vũ trụ. Là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt, Tết Nguyên Đán là minh chứng cho sự trường tồn của một nền văn hóa, một niềm tin vào sự đổi mới, sự phát triển và sự khởi đầu mới mẻ, tươi sáng.

Bình luận