Thủy Tiên hiện đang học ngành Kỹ thuật dệt - Công nghệ dệt may của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM).
Nữ sinh gây ấn tượng không chỉ vì thành tích học tập xuất sắc toàn diện nhiều năm liền, thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung, mà còn sở hữu một danh sách những bài báo khoa học được đăng trên nhiều tạp chí uy tín.
Cùng với đó, Tiên được trao ‘chuỗi dài’ học bổng từ các tổ chức như Sunflower Mission, Amcham - Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam, Pony Chung, Vallet…
Xem thêm: Nhu cầu tuyển dụng ngành Dệt may luôn cao hơn số kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp hàng năm
Nhiều năm ‘mơ ước’ Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam
Không muốn nhắc nhiều tới những thành tích học tập của mình, Thủy Tiên say sưa kể về “Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam” mà nhiều năm liền em đã hướng tới.
Tiên chia sẻ: “Giải thưởng này là mục tiêu mà em ấp ủ từ năm 2021, khi lần đầu tiên em biết tới và nộp hồ sơ. Hai lần nộp hồ sơ năm 2021 và 2022 không giúp em đạt giải thưởng vì hồ sơ ‘không đủ mạnh’. Em đã cố gắng nhiều hơn vào Giải thưởng năm 2023. May mắn đã mỉm cười với em, bản thân em vô cùng hạnh phúc và vinh dự khi được nhận giải thưởng này”.
Đối với Tiên, giải thưởng Nữ sinh Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2023 là một phần thưởng danh giá dành cho em cũng như các bạn nữ sinh đam mê nghiên cứu khoa học. Giải thưởng cũng là sự ghi nhận cho những nỗ lực và cố gắng của em trong hơn 3 năm qua.
"Giải thưởng cũng cho em thấy, mình đã phát triển đúng hướng bởi ngành học của em là Công nghệ May, nhưng em có đam mê rất lớn với vật liệu dệt may y tế và vật liệu dệt may thân thiện với môi trường. Em đã chọn theo 2 hướng đó để nghiên cứu dưới sự hướng dẫn từ thầy cô Bộ môn Kỹ thuật dệt may" - Tiên cho biết.
Xem thêm: Tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong đời sống sinh viên
Tiên chia sẻ thêm, cho đến nay, dự án nghiên cứu mà em tâm đắc nhất có lẽ là dự án đầu tiên mà em tham gia vào cuối năm 2020.
Thời điểm đó, em đã chủ động liên hệ với thầy cô ở Bộ môn Kỹ thuật Dệt may để được hỗ trợ nghiên cứu dự án phi lợi nhuận về Đệm chức năng kháng khuẩn dành cho người già, trẻ em và người khuyết tật. Dự án được tài trợ bởi quỹ Murata (Nhật Bản).
“Đây là dự án đầu tiên em tham gia. Em được trải nghiệm toàn bộ quy trình từ thu mua nguyên liệu, hoá chất, tiến hành thí nghiệm, xử lý vật liệu, thiết kế và cuối cùng là mang sản phẩm thử nghiệm thực tế tại Trung tâm xã hội.
Dưới vai trò là sinh viên hỗ trợ nghiên cứu, em đã học được rất nhiều từ dự án này, và chính tính thực tiễn của dự án đã mở ra cho em nhiều ý tưởng và hướng đi mới trong lĩnh vực vật liệu cho ngành dệt may” – Tiên cho biết.
Kể về những khó khăn khi nghiên cứu khoa học, Tiên cho biết, khó khăn lớn nhất trong quá trình tham gia các dự án nghiên cứu có lẽ là các vấn đề trong giai đoạn thực nghiệm bởi giai đoạn này sẽ phản ánh kết quả của quá trình tổng hợp và phân tích thông tin trước đó.
Việc tiến hành thực nghiệm đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự kiên trì và tỉ mỉ, mọi sai sót trong quá trình này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả và các lý thuyết đã đề ra, trong khi các yếu tố ngoại cảnh có thể ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả. Vì thế, việc tiến hành thí nghiệm và phân tích lại nhiều mẫu, nhiều lần là điều không thể tránh khỏi.
“Kiên trì vượt qua sự thất vọng, chán nản là thử thách khó khăn nhất với em trong quá trình tham gia các dự án. Để vượt qua áp lực tâm lý này, em đã nhận được rất nhiều sự an ủi và hỗ trợ đến từ thầy cô và các anh chị cùng nhóm nghiên cứu và bản thân liên tục nhìn lại những công sức mình đã bỏ ra trước đó, không thể nào từ bỏ ở giai đoạn này” – Tiên cho biết.
Trau dồi nhiều 'kỹ năng' để phát triển bản thân
Bên cạnh việc học tập, nghiên cứu, Thủy Tiên còn cố gắng sắp xếp thời gian cho các hoạt động ngoại khoá bởi bạn nhận ra rằng, việc học tập tốt thôi là chưa đủ, việc tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá không chỉ trau dồi kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ mà còn giúp bản thân trở nên tích cực và tự tin hơn.
Xem thêm: Cậu sinh viên nhận học bổng Mỹ nhờ viết… blog cá nhân
Các hoạt động ngoại khoá Tiên hướng đến thường là các chương trình trao đổi, học bổng ngắn hạn về leadership và các cuộc thi hướng đến môi trường. Những trải nghiệm này giúp Tiên phát triển kỹ năng mềm và hiểu thêm những kiến thức liên quan đến lĩnh vực vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành dệt may.
Tiên kể, dấu ấn đáng nhớ nhất trong suốt bốn năm theo học tại Đại học Bách Khoa chính là việc Tiên được chọn tham gia chương trình Trao đổi Temasek Foundation Specialist’s Community Action & Leadership Exchange 2022 (TF SCALE) tại Singapore trong vòng 2 tuần.
“Đây là lần đầu tiên em được đi nước ngoài và lần đầu tiên em được... đi máy bay” – Tiên cười vui và chia sẻ: “Đối với em, đó là những trải nghiệm vô cùng quý giá, không chỉ về kiến thức và kỹ năng mình đạt được mà còn là sự kết nối với các bạn tại trường Đại học Bách Khoa và trường Nanyang Polytechnic. Học bổng trao đổi này chính là tiền đề để em đạt được những thành tích về sau”.
Tiên cũng là người khá đam mê “học bổng”. Nữ sinh này cho biết: “Em apply khá nhiều học bổng và... rớt nhiều hơn đậu. Xét thầy có đủ điều kiện để apply thì em sẽ chỉnh sửa lại hồ sơ phù hợp với yêu cầu của từng loại học bổng, hướng đến mục tiêu riêng của mỗi học bổng”.
Thống kê cho tới nay, cô sinh viên năng động này đã nộp hồ sơ xin 44 loại học bổng khác nhau và đủ điều kiện đậu 17 học bổng, chưa kể tới học bổng khuyến khích học tập 6 kỳ của Trường Đại học Bách khoa (từ năm 1 đến năm 3).
Từ kinh nghiệm “xin học bổng” dày dạn này, Tiên cho rằng, để dễ đậu học bổng, các bạn sinh viên cần nâng cao các kỹ năng mềm như kỹ năng đặt câu hỏi 'không sợ sai, không sợ ngại', dạn dĩ hơn khi bày tỏ ý kiến của mình, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tiếng Anh.
Tiên cho biết: “Em khởi đầu với điểm Tiếng Anh không mấy “sáng lạn”, chỉ 6,5 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, 380/990 TOEIC. Sau đó, em đã 'cắm đầu' vào học để nâng dần khả năng tiếng Anh của mình bằng việc tham gia khóa học IELTS của BK English với đầu ra 5.5, sau đó dành 9 tháng dịch Covid-19 để để ôn thi IELTS ở nhà và rồi em đã đạt mức IELTS 7.5. Khi có chứng chỉ IELTS 7.5, em bắt đầu ‘dễ đậu’ các loại học bổng hơn”.
“Em muốn nhắn gửi đến các bạn nữ sinh khác có cùng đam mê học tập và nghiên cứu khoa học công nghệ rằng, các bạn hãy kiên trì và nỗ lực để theo đuổi khát khao của chính mình. Dẫu con đường phía trước còn nhiều khó khăn và cả sự mông lung nhưng hãy cố gắng tiến về phía trước không chỉ vì giải thưởng hay học bổng mà còn xa hơn nữa là kiến thức, trải nghiệm cho bản thân và đóng góp cho xã hội” - Tiên chia sẻ.
PGS. TS. Bùi Mai Hương, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Dệt May, Trường Đại học Bách khoa đánh giá: “Tư duy quốc tế và ý chí nỗ lực của Thủy Tiên là hai yếu tố quan trọng nhất giúp Tiên có được những thành tích ngày hôm nay. Nữ sinh này đã noi gương các tiền bối để học hỏi và xác định ngay từ đầu mục tiêu tham gia các chương trình trao đổi nước ngoài, từ đó có kế hoạch để từng bước thực hiện. Đây là điều rất đáng tự hào”.
Sau hơn 3 tháng phát động Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023, Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã nhận được 65 hồ sơ đăng ký trên 12 ngành xét trao giải thưởng từ 31 trường đại học, học viện trên cả nước.
Các nữ sinh đăng ký tham gia xét chọn giải thưởng năm nay có thành tích xếp loại học tập các năm học và điểm trung bình các môn chuyên ngành từ giỏi trở lên, có 28 người là sinh viên xuất sắc. Nhiều sinh viên có bài báo đăng trên tạp chí, hội thảo uy tín trong nước và quốc tế...