Đa số học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đều “đói” thông tin về hướng đi và định hướng nghề nghiệp, trong khi các tài liệu giáo dục hướng nghiệp hiện nay chỉ đề cập đến một số nghề phổ biến trong rất nhiều nghề hiện nay. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn tổ hợp môn học và định hướng hàn lâm sau này của học sinh. Chia sẻ trên được nêu bật tại hội thảo “Giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay” diễn ra sáng nay, 26/12. Sự kiện do Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Học viên Thanh niên Việt Nam tổ chức.
Theo Thạc sĩ Hàng Quốc Tuấn, Trường Trung học phổ thông Phong Phú, huyện Cầu Kè, Trà Vinh, nhìn chung đa số học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đều “đói” thông tin về hướng đi và định hướng nghề nghiệp, trong khi các tài liệu giáo dục hướng nghiệp hiện nay chỉ đề cập đến một số nghề phổ biến trong rất nhiều nghề hiện nay. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn tổ hợp môn học và định hướng hàn lâm sau này của học sinh. Thêm nữa, ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông hiện nay hầu như không có giáo viên được đào tạo bài bản về hướng nghiệp hay tư vấn hướng nghiệp: “Ở đơn vị tôi công tác, có 2 giáo viên phụ trách về công tác hướng nghiệp nhưng hầu như kiêm nhiệm. Ngoài hoạt động giảng dạy về chuyên môn thì kiêm nhiệm công tác này, chưa được đào tạo bài bản, kiến thức trong lĩnh vực này cũng chưa được nhiều. Do đó, để truyền đạt lại thông tin về hướng nghiệp cho học sinh, cách lựa chọn hướng đi cho học sinh chưa đầy đủ cho học sinh”.
Ông Lê Tấn Thời, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đăng Sơn, Chợ Mới - An Giang đề xuất nên có chương trình hướng nghiệp riêng cho đối tượng học sinh trung học cơ sở: “Đối với trường, mỗi năm đều tổ chức những buổi tư vấn phân luồng cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Bằng cách, trường mời những đại diện của doanh nghiệp địa phương, trường nghề địa phương kết hợp cùng phòng giáo dục. Mình sẽ tổ chức tư vấn cho những học sinh, trong đó mình hướng đến đối tượng cho học sinh có học lực trung bình mà mình nghĩ rằng không thể nào tiếp tục học trung học phổ thông được, nhằm để các em có được một cái nhìn tổng thể”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp ở các trường hiện nay. Chia sẻ về thực trạng công tác hướng nghiệp cho học sinh sau Trung học cơ sở, Tiến sĩ Nguyễn Đặng An Long, đại diện nhóm nghiên cứu của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho hay, công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung hiện được định hướng vào 4 con đường chính là: học tiếp lên trung học phổ thông công lập hoặc ngoài công lập; học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp tham gia lao động sản xuất và du học. Thực tế cho thấy, mặc dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông công lập hàng năm đều tăng nhưng không thể đáp ứng yêu cầu thực tế khi số học sinh trên địa bàn tăng nhanh theo tốc độ tăng dân số cơ học. Tiến sĩ Nguyễn Đặng An Long, đại diện nhóm nghiên cứu nói: “Trong công tác phân luồng học sinh, chúng ta cũng có gặp một số khó khăn, có một số quan điểm của phụ huynh là học sinh phải tốt nghiệp trung học phổ thông; và phải tốt nghiệp đại học, vì vậy đương nhiên các trường đại học sẽ nhiều lên và thiếu đi các trường dạy nghề chính quy. Cơ cấu nhân lực nước ta có bất cập là thừa thầy thiếu thợ, từ đó dẫn đến xu hướng bất cập về nguồn nhân lực hiện nay”.
Thống kê trong năm học vừa qua, thành phố có khoảng 10.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không nộp đơn thi tuyển vào lớp 10 công lập mà lựa chọn theo học nghề, trung cấp. Tín hiệu đáng mừng này cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp đã từng bước được nâng lên.
Dù tiếp cận vấn đề từ những góc độ khác nhau, các đại biểu đều khẳng định công tác giáo dục hướng nghiệp và khởi nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công trong con đường học vấn và sự nghiệp của học sinh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực và góp phần tăng hiệu quả đầu tư cho giáo dục.