028.38225933 (Hotline) - 028 3822 1188 (FM 95.6) - 028 38291 357
icon-radio-fm-999-mhz
logo-voh-radio-online
Điện thoại: 028.38225933 - 028.38225934
Đường dây nóng bạn nghe đài: 028.3891 357 - 0948747571
Sự kiện:  Giáo dục

Lê Quý Đôn - Ngôi trường trung học đầu tiên của Sài Gòn

(VOH) - Lịch sử hình thành cùng với lối kiến trúc mang đậm chất Châu Âu, trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn được xem như một bảo tàng kiến trúc, một chứng nhân văn hóa lâu đời.

TPHCM có hơn 2.000 trường học các cấp với những nét đặc trưng, cũng như quá trình hình thành phát triển riêng trong lịch sử phát triển chung của thành phố. Trong đó, trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3 được xem như ngôi trường có bề dày lịch sử lâu đời với gần 150 tuổi.

Lê Quý Đôn - Ngôi trường trung học đầu tiên của Sài Gòn 1
Collège Chasseloup-Laubat trên bưu thiếp thời Pháp thuộc - Ảnh: Nhactrinh

Đây là ngôi trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, được thành lập vào năm 1874, với tên gọi ban đầu Collège Chasseloup-Laubat. Từ 1970, trường được trả về cho người Việt và chính thức mang tên nhà bác học Việt Nam - Lê Quý Đôn, dạy học từ lớp 1 đến lớp 12.

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 29/8/1977, UBND Thành phố ký Quyết định thành lập trường phổ thông trung học Lê Quý Đôn, thuộc hệ thống công lập của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.

Với bề dầy lịch sử cùng với lối kiến trúc đậm chất châu Âu, trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn được xem như một bảo tàng kiến trúc, một chứng nhân văn hóa lâu đời. Trường đã được công nhận là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật của TPHCM.

Học sinh Trương Ngọc Lan, lớp 10A2, chia sẻ: "Em cảm thấy rất tự hào và thú vị khi trường dù được xem là lớn tuổi nhất miền Nam nhưng lại có cơ sở vật chất hiện đại. Cùng với đó là bề dày truyền thống và những thành tích đáng nể."

Lịch sử truyền thống của ngôi trường được khắc hoạ đậm nét bởi danh sách các cựu học sinh vô cùng ấn tượng.

Đó là Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, nhạc sĩ Trinh Công Sơn, nhà văn hoá Vương Hồng Sển, Giáo sư sử học Trần Văn Giàu, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng,...

Lê Quý Đôn - Ngôi trường trung học đầu tiên của Sài Gòn 2
Những cựu học sinh góp phần tạo nên lịch sử của nhà trường - Ảnh: VienkylucVN

Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn còn là một trong những đơn vị đi đầu trong đổi mới giáo dục.

Từ năm học 2006-2007, trường đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM chọn thực hiện mô hình giáo dục tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế bằng các phương pháp dạy học tiên tiến.

Phương pháp này phát huy được năng khiếu và khả năng tư duy của học sinh, rèn luyện cho các em sự năng động, tự tin, bản lĩnh hơn trong mọi hoạt động, đủ năng lực hội nhập trong các môi trường giáo dục quốc tế.

Nhà trường định hướng đổi mới giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khoá, dự án, nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ kỹ năng sống... đồng thời luôn thực hiện phương châm "học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình".

Em Đoàn Tống Hồng Minh, học sinh lớp 11A2, chia sẻ: "Môi trường học tập nơi đây, khá hiệu quả, phù hợp với khả năng của em. Em rất thích những buổi ngoại khóa. Em mong muốn các tiết học đều chuyển sang hướng vừa học vừa làm chứ không chỉ học lý thuyết và làm bài tập".  

Kế thừa truyền thống, phát huy những thế mạnh, trường Lê Quý Đôn hiện thuộc top 10 trường trung học phổ thông tốt nhất TPHCM.

Lê Quý Đôn - Ngôi trường trung học đầu tiên của Sài Gòn 3
Cổng trường THPT Lê Quý Đôn xưa và nay - Ảnh: Chuyenxua

Theo ông Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa, Phó hiệu trưởng nhà trường, các năm qua, kết quả thi các môn tốt nghiệp của học sinh nhà trường đều rất cao, đứng ở tốp đầu của thành phố. Trường THPT Lê Quý Đôn cũng nằm trong nhóm các trường có điểm chuẩn đầu vào cao.

Đặc biệt, Trường vừa được nhận 2 cờ thi đua của Thành phố và Chính phủ. Cùng với các Huân chương Lao động Hạng Hai, Hạng Ba, các danh hiệu thi đua góp phần làm dày thêm bảng thành tích và dấu ấn lịch sử của nhà trường.

Thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa cho rằng: "Vinh dự nhận 2 lá cờ thi đua, tập thể trường Lê Quý Đôn tự ý thức về trọng trách lớn lao trong năm học mới.

Với tập thể cán bộ giáo viên nhân viên đầy kinh nghiệm, một đội ngũ học sinh được tuyển chọn có chất lượng, có hoài bão tốt đẹp, và lực lượng hậu thuẫn là cha mẹ học sinh luôn tin tưởng và hỗ trợ kịp thời, nhà trường sẽ ra sức phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".  

Đổi mới, phát triển theo xu thế hội nhập, nhưng ngôi trường trung học gần 150 năm tuổi này vẫn gìn giữ các giá trị văn hoá, kiến trúc truyền thống qua từng dãy phòng học, từng mảng sân vườn, từng khung cửa lớp.

Trong công tác đổi mới dạy học, nhà trường không chỉ tâm huyết, trí tuệ, nắm bắt công nghệ, mà còn hướng học sinh đến việc tiếp cận, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống. Xây dựng các thế hệ học sinh năng động, bản lĩnh, đủ năng lực hội nhập môi trường giáo dục quốc tế.