Người cha có 2 con tốt nghiệp ĐH Harvard khuyên sinh viên: Đừng khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp

(VOH) - Ông Sami Kteily - người cha có 2 con trai tốt nghiệp Đại học Harvard đưa ra lời khuyên cho các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học rằng: “Đừng khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp”.

Ông Sami Kteily - nhà đồng sáng lập và Chủ tịch điều hành của PEB Steel, người đầu tiên nhận ra tiềm năng và đưa công nghệ về nhà thép tiền chế đến Việt Nam vào năm 1994 – đã đưa ra nhiều lời khuyên cho sinh viên trong lễ tốt nghiệp của trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) diễn ra sáng nay 26/11.

Ông Sami Kteily - nhà đồng sáng lập và chủ tịch điều hành của PEB steel
Ông Sami Kteily - nhà đồng sáng lập và Chủ tịch điều hành của PEB Steel chia sẻ với sinh viên về định hướng học tập sau khi tốt nghiệp.

Mở đầu bài chia sẻ trước sinh viên, ông Sami kể rằng mình có 2 người con trai là Nour và Khaled. Tiến sĩ Nour năm 26 tuổi đã tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học tại Đại học Harvard của Mỹ và hiện tại ở tuổi 33 đang làm Giảng viên chính thức tại North-Western University, Khoa Quản trị.

Con trai thứ hai của ông là Khaled cũng đã tốt nghiệp Đại học Harvard, hiện là nhà sáng lập và CEO của Legacy, một công ty khởi nghiệp 150 triệu đô la Mỹ đặt cơ sở tại New York chuyên hoạt động ở lĩnh vực sinh sản của nam giới.

Ông chia sẻ, những lời khuyên dành cho các em sinh viên dựa trên những lời khuyên ông đã nói với con của mình khi chúng vẫn còn đang theo học tại trường đại học.

Hãy học ngay chương trình Tiến sĩ nếu theo đuổi việc nghiên cứu

"Nếu các sinh viên theo đuổi nghiên cứu và làm việc trong môi trường học thuật, như con đầu của tôi là Nour đang làm, thì các em hãy học thẳng lên các chương trình Tiến sĩ càng sớm càng tốt" - ông Sami chia sẻ.

Rất nhiều trường đại học nước ngoài đều luôn sẵn sàng trao rất nhiều suất học bổng cho các chương trình học Thạc sĩ và Tiến sĩ nếu điểm số của sinh viên ở đại học đã đạt chuẩn của họ yêu cầu hoặc cao hơn.

Theo ông Sami, sinh viên có thể tìm thêm nhiều cơ hội thông qua các Đại sứ quán và Lãnh sự quán. Rất nhiều các quốc gia trên thế giới muốn có thêm sinh viên Việt Nam đến học tập và làm việc tại nước họ để tăng thêm sự đa dạng văn hoá và cả trí tuệ, đặc biệt là trong các ngành khoa học.

Xem thêm: Cô gái từng đặt chân đến 25 quốc gia và con đường “săn” học bổng Đại học Stanford

Đừng vội khởi nghiệp khi chưa từng đi làm

Lời khuyên thứ hai mà ông Sami từng dành cho con trai Khaled là: "Đừng học Thạc sĩ ngay sau khi con vừa tốt nghiệp cử nhân và cũng đừng lập công ty khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp".

Rất nhiều sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp (thậm chí là trước đó nữa) đã "hối hả" lập những công ty khởi nghiệp của riêng mình bởi vì họ vừa có vài ý tưởng (có thể là sản phẩm, có thể là dịch vụ) phù hợp với thị trường, và phần nữa là họ tin rằng ý tưởng của mình là độc nhất, lạ nhất và thành công cũng sẽ đến với họ sớm.

Ông Sami Kteily khuyên: "Các sinh viên nên đi làm trước ở vài công ty tốt, một hai công việc cũng không sao, làm việc trong vài năm để học hỏi kinh nghiệm vận hành công ty từ sơ đồ tổ chức tới mô tả công việc, tài chính, chuỗi cung ứng. Qua đó các em cũng sẽ học thêm những bí quyết kinh doanh đã và sẽ làm nên thành công của mọi doanh nghiệp trên đời".

Theo ông Sami, “công ty khởi nghiệp cần một tuyên bố giá trị cụ thể và rõ ràng”. Ông dẫn chứng về việc mình đến Việt Nam lần đầu năm 1994. Thời đó có rất nhiều cơ hội trước mắt. Đối tác Adib Kouteili và ông quyết định sẽ thành lập một công ty ở Việt Nam.

Trong những giao dịch đầu tiên, công ty đã đem đến cho khách hàng điều mà tại thời điểm đó đang vô cùng thiếu hụt và không ai dám làm, đó là “trả chậm”.

Chúng tôi tuyên bố: quý khách cứ mua và trả sau 2 năm! Ai cũng nghĩ chúng tôi mất trí khi đã đề nghị điều đó với khách hàng Việt Nam thông qua cơ sở tín dụng của ngân hàng họ sử dụng” – ông Sami chia sẻ.

Ngành ngân hàng lúc ấy đang rất sơ khai và tín dụng hầu như vô cùng yếu. Công ty đã trao cho khách hàng điều mà họ sẽ rất khó từ chối và đối thủ cũng phải bó tay.

Năm 1994, ông Sami 36 tuổi và có 15 năm kinh nghiệm làm việc với các công ty đa quốc gia như Arthur Anderson và Albert Abela trước khi thành lập PEB Steel.

Ông kể câu chuyện này để khẳng định với các sinh viên rằng, các em cần có trải nghiệm làm việc để học hỏi trước khi thành lập công ty của riêng mình.

Xem thêm: ‘Khởi nghiệp và những điều trường học không dạy’

Ông Sami khuyên sinh viên: "Hãy cố gắng có những mục tiêu ngắn hạn thay vì những những mơ to lớn và hãy nỗ lực cho những mục tiêu đó. Chỉ cần vừa đủ hoài bão, hãy cúi đầu xuống và làm mọi công việc trước mắt bằng tất cả sự tự tin của mình. Nếu các em chỉ chú trọng vào những ước mơ xa xôi, các em có thể sẽ vuột mất những điều tuyệt vời đang đến hoặc ở ngay bên cạnh mình không để ý"...

Trong hai ngày 26 và 27/11/2022, trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) tổ chức Lễ Tốt nghiệp Đại học và Sau đại học cho gần 1.160 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh thuộc 12 khoa, bộ môn của trường.

tốt nghiệp đại học
Niềm vui của các sinh viên trong ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Từ năm 2012 đến nay, hầu hết sinh viên của nhà trường có việc làm ngay khi vừa tốt nghiệp. Trung bình mỗi năm, tùy theo ngành, có khoảng 95% sinh viên trường Đại học Quốc tế tốt nghiệp, có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo trong vòng một năm sau khi ra trường.

Trong số sinh viên có việc làm, trung bình có 28% sinh viên tốt nghiệp đang làm việc tại các công ty, tập đoàn nước ngoài, 35% sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các tập đoàn, công ty có yếu tố nước ngoài hoặc liên kết với nước ngoài.

Theo đánh giá của các đơn vị sử dụng lao động, 94% doanh nghiệp hài lòng với chất lượng đào tạo từ nhà trường. Ngoài ra, nhiều cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp được nhận học bổng cao học hoặc nghiên cứu sinh từ các trường đại học nước ngoài, đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học. Trong số đó, không ít cựu sinh viên đã trở thành những giảng viên trẻ của nhà trường.