TPHCM – Cần một cuộc "cách mạng" cho giáo dục nghề nghiệp

(VOH) - Sáng nay, 9/9, Sở Lao động - Thương binh – Xã hội chủ trì Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2010, thực trạng và giải pháp”, với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp có đào tạo nghề, cùng đại diện các cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Tại hội thảo, các tham luận đã chỉ ra nhiều vướng mắc và bất cập trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay dẫn đến những hệ lụy cho thị trường lao động như: chưa định hình rõ mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nguồn lao động có kỹ năng còn ít, cơ cấu lao động bất hợp lý trái với quy luật của thị trường lao động, lao động trực tiếp ít hơn lao động gián tiếp…

Các báo cáo cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ 82/109 trong bảng đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu. Trong khi đó, thống kê quý II/2016 của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy có đến 191.300 sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TP HCM đặt ra yêu cầu hội thảo cần tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề: thay đổi nhận thức về dạy nghề, học nghề, đẩy nhanh quy hoạch phát triển dạy nghề, nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề… nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và sự chuyển dịch lao động trong khối ASEAN.

Các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn của các trường nghề hiện nay, trong có việc hỗ trợ về chính sách, áp dụng hình thức đào tạo “kép” vừa học lý thuyết vừa làm tại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giáo viên… để thật sự có cuộc “cách mạng” cho giáo dục nghề nghiệp hiện nay.  

Hiện nay, thành phố có 435 cơ sở dạy nghề (19 trường cao đẳng nghề, 27 trường trung cấp nghề, 65 trung tâm dạy nghề, 324 cơ sở dạy nghề doanh nghiệp,…).

Giai đoạn 2011-2015, thành phố đào tạo được 1.733.682 lượt học viên sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng.