Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trí Tuệ Nhân Tạo: Chìa khoá cá nhân hoá giáo dục trong thời đại mới

VOH - Ngày 22/11, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: từ thách thức đến đột phá”.

Hội thảo đã thu hút hơn 350 đại biểu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TPHCM, các sở giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ, cùng nhiều chuyên gia chuyển đổi số. Đây là một trong những hoạt động thúc đẩy việc triển khai Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Hội thảo cũng giới thiệu các mô hình, giải pháp công nghệ nổi bật, đột phá từ các chuyên gia, doanh nghiệp và sở giáo dục trong vùng. Những sáng kiến này sẽ được áp dụng trong giai đoạn tiếp theo nhằm đưa giáo dục tại TPHCM và Đông Nam Bộ lên một tầm cao mới. Tại đây, hai giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã được giới thiệu nhằm cải tiến chất lượng giáo dục.

voh-thumb
Toàn cảnh hội thảo khoa học sáng 22/11 - Ảnh: TCGD TPHCM

Hai giải pháp về AI

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết thành phố đang thử nghiệm hai giải pháp chính trong việc đưa AI vào giáo dục:

1. Hỗ trợ học sinh tự điều chỉnh lộ trình học tập:

  • AI giúp học sinh kiểm soát hành trình giáo dục bằng cách phân tích tương tác của học sinh trên các hệ thống quản lý học tập (LMS).
  • Hệ thống sẽ đưa ra các khuyến nghị cá nhân hóa, bao gồm các lĩnh vực cần cải thiện, tài liệu bổ sung, điều chỉnh lịch trình học và chiến lược học tập phù hợp.
IMG_0136
Ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ về việc ứng dụng AI trong định danh đơn vị kiến thức Chương trình GDPT 2018 -Ảnh: TCGD TPHCM

Theo ông Minh, mỗi học sinh có nhu cầu, tốc độ học tập và khả năng tiếp thu khác nhau. Do đó, việc cá nhân hóa lộ trình học tập là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả học tập.

2. Phát hiện lỗ hổng kiến thức:

  • AI sẽ phân tích dữ liệu từ các cuộc khảo sát năng lực và ngân hàng câu hỏi để phát hiện những nội dung học sinh còn yếu.
  • Dựa trên đó, AI đề xuất các nội dung cần bồi dưỡng để học sinh cải thiện hiệu quả học tập.

Ông Hồ Tấn Minh nhận định rằng, trong bối cảnh cần xây dựng một hệ thống học liệu số chuẩn hóa cho giáo dục hiện đại, việc nghiên cứu và áp dụng các mô hình giáo dục hàng đầu thế giới như Common Core (Mỹ), Cambridge International (Anh) và ACARA (Úc) đã chứng minh hiệu quả trong việc thiết lập các chuẩn mực cao cho giáo dục toàn cầu.

Việc áp dụng các mô hình mã định danh này không chỉ nâng cao chất lượng mà còn đẩy nhanh quá trình số hóa, xây dựng kho học liệu số đảm bảo cả về chất lượng lẫn số lượng, phù hợp với yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều này mang lại cơ hội tiếp cận giáo dục linh hoạt, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa cho mọi đối tượng học sinh, bất kể địa vị xã hội, vị trí địa lý hay độ tuổi.

“Để thực hiện thành công xây dựng kho học liệu, cần xem xét đến các yếu tố khách quan, chủ quan; đảm bảo về các nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực và các điều kiện để duy trì hệ thống vận hành. Một kho học liệu số được định danh và phong phú về nội dung sẽ là nền tảng căn bản để tiếp tục hoàn thiện một khung đánh giá năng lực tổng thể, toàn diện, đáp ứng yêu cầu đáp ứng các mục tiêu chung của Chương trình GDPT 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam” – ông Minh khẳng định.

Những thách thức khi triển khai AI

Theo ông Minh, việc ứng dụng AI trong giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề cơ sở hạ tầng:

1. Hạn chế về hạ tầng máy chủ:

  • Thiếu máy chủ được trang bị GPU (bộ xử lý đồ họa) khiến việc đào tạo mô hình AI chậm và kém hiệu quả.
  • Việc mở rộng các giải pháp AI trên quy mô lớn trở nên không khả thi nếu chỉ sử dụng CPU tiêu chuẩn.

2. Chi phí triển khai:

  • Ngân sách hạn chế gây khó khăn trong việc mua GPU do chính sách xuất khẩu từ các nước sản xuất chip.
  • Sử dụng nền tảng đám mây AI hoặc API từ các nhà cung cấp như OpenAI phát sinh chi phí đáng kể. Điều này đặc biệt thách thức khi cần phục vụ số lượng lớn người dùng.

Việc triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục mang lại nhiều tiềm năng, nhưng cũng đi kèm với các thách thức lớn. Để vượt qua các thách thức trên, cần: Đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng công nghệ và nhân lực; Chuẩn hóa dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin cá nhân; Tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh; Xây dựng chính sách hỗ trợ triển khai AI một cách toàn diện và công bằng. Việc triển khai AI trong giáo dục, dù khó khăn, vẫn là hướng đi tất yếu để cải thiện chất lượng dạy và học trong thời đại số.

Bình luận