Từ nữ sinh “mù” Toán tới thủ khoa Toán ứng dụng

(VOH) - Từ một học sinh mù mờ môn toán, Nguyễn Ngọc Phụng đã nỗ lực rất nhiều để theo đuổi môn học này và trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường Đại học Quốc tế năm 2022.

Tân kỹ sư Nguyễn Ngọc Phụng trở thành gương mặt gây chú ý khi trở thành thủ khoa tốt nghiệp của khối ngành Kỹ thuật với 92.6/100 điểm của Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) năm 2022.

Cô gái cựu học sinh trường THPT Phú Nhuận (TPHCM) chia sẻ: “Em không giỏi toán học từ đầu, thậm chí không thể phân biệt được sự khác nhau giữa dấu "suy ra" và "tương đương". Bất cứ khi nào giáo viên nói với em điều gì đó liên quan đến toán học (định lý, thuật toán…), đầu óc em muốn trống rỗng”.

Cũng bởi đến với môn Toán không hề suôn sẻ và không biết nên học bắt đầu từ đâu nên vào thời điểm đó, Phụng đã đưa ra một quyết định mà giờ nghĩ lại cô nữ sinh cho rằng mình “khá ngốc”.

Phụng bắt đầu tự giải khoảng 1.000 bài toán tích phân nhỏ lẻ trong sách Giải tích để hiểu về Lý thuyết tổng Riemann. Theo Phụng, đó chính là những viên gạch đầu tiên cho thành công hiện tại của mình.

Nguyễn Ngọc Phụng
Nguyễn Ngọc Phụng trong Lễ tốt nghiệp (Ảnh: HL)

Năm 2020, Phụng cùng nhóm đã đạt giải Nhất cuộc thi Olympic kinh tế lượng Toàn quốc với việc tạo ra model để tối ưu hóa danh mục đầu tư của các nhà đầu tư.

Nói về những khó khăn trong quá trình học ngành Toán ứng dụng (Kỹ thuật tài chính và Quản trị rủi ro) ở bậc đại học, Phụng chia sẻ, bản chất ngành học này là về kỹ thuật nên có rất nhiều định lý và khô khan, kiến thức quá nhiều và phải kiên trì lắm nữ sinh mới có thể vượt qua được.

Môn học khó nhất với Phụng là Real Analysis (một môn học về độ đo) bởi đây là môn học quá trừu tượng. Nếu các bài toán thông thường có biến và có số để giải một cách dễ dàng, thì Real Analysis là môn chỉ hoàn toàn là biến và người giải cần có khả năng tưởng tượng và khả năng logic tốt mới làm được.

Phụng chia sẻ về lý do đạt thành tích học tập xuất sắc: "Em nghĩ rằng, tất cả các nỗ lực đều xuất phát từ hai chữ "mục tiêu", do đó em tin rằng đặt câu hỏi "tại sao" (Tại sao bạn làm nó? Tại sao nó lại quan trọng với bạn như vậy? Tại sao lại vào lúc này?) nên là câu hỏi quan trọng đầu tiên chúng ta nên tự hỏi mình, chứ không phải là câu "làm thế nào".

Với việc đặt ra câu hỏi “tại sao” cho chính mình, Phụng đã nỗ lực hướng tới “mục tiêu” bằng cách học ngày, học đêm, học tới 8 - 10 tiếng mỗi ngày - để rồi cô nữ sinh trong số nữ sinh ít ỏi của ngành học này đã vượt qua 4 năm đại học với thành tích xuất sắc và đầy tự hào.

“Ngành học của em là một ngành học nhỏ, ít sinh viên, mỗi năm chỉ có 1 người được nhận học bổng khuyến khích. Bởi vậy, điều mà em cảm thấy tự hào nhất đó là, mình đã nhận được học bổng này trong suốt 7 kỳ học” – Phụng vui vẻ chia sẻ.

Theo Phụng, nếu học mà không thực hành thì chỉ là kiến thức suông, vì vậy đi làm sẽ giúp cho em hiểu công việc đang cần gì, doanh nghiệp yêu cầu như thế nào để mình có mục tiêu học và nên học gì cần thiết.

Quá trình đi làm, Phụng cũng nhận ra rằng, tư duy của các doanh nghiệp hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước và việc tuyển dụng cũng không còn phụ thuộc quá nhiều vào bằng cấp, thay vào đó họ xem trọng năng lực, thực lực của một ứng viên. 

Do đó, trong quá trình học, các sinh viên hoàn toàn có thể sắp xếp thời gian, kế hoạch để vừa học trên lớp, vừa đi làm và học ngay tại nơi mình làm việc.

Nhiều người có định kiến rằng phái nữ không nên học ngành kỹ thuật, tuy nhiên theo Phụng, đây là lĩnh vực tiềm năng với nữ giới vì họ có suy nghĩ cầu toàn, luôn nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan và toàn diện hơn. Phụng có niềm tin, trong tương lai sẽ có nhiều bạn nữ chuyển dịch sang học và làm việc trong các ngành kỹ thuật.

Vừa đi làm, vừa học hỏi từ chính môi trường làm việc để chuẩn bị cho những kế hoạch mới trong tương lai, Phụng cho biết, sẽ xin học bổng, để tiếp tục học lên nữa để thỏa niềm yêu của mình với môn Toán.

Xem thêm: Con gái học điều khiển tàu biển, làm việc trên tàu viễn dương: Áp lực hay thú vị?

Trong gần 60 nghiên cứu sinh, học viên tốt nghiệp năm 2022 tại trường Đại học Quốc tế, Nguyễn Lập Phương Uyên (ngành Kỹ thuật Điện Điện tử) tốt nghiệp đạt danh hiệu thủ khoa sau đại học với thành tích xuất sắc GPA (điểm trung bình tốt nghiệp) đạt 94.2.

Phương Uyên ban đầu khá phân vân khi chọn ngành học, cũng có chút sợ học ngành này sẽ bất lợi. Tuy nhiên do có lợi thế trong việc học các môn Toán – Lý – Hóa và có một người anh trai đã học ngành này nên Uyên đã mạnh dạn chọn ngành Kỹ thuật Điện Điện tử.

Ngay từ giai đoạn học đại học, kết quả học tập Phương Uyên luôn nằm trong top đầu và tốt nghiệp loại giỏi. Sau 2 năm làm việc cho một tập đoàn của Ý, Uyên quyết định học thạc sĩ và hướng theo con đường giảng dạy và nghiên cứu.

Nguyễn Lập Phương Uyên
Nguyễn Lập Phương Uyên trong Lễ tốt nghiệp được tổ chức vào cuối tháng 11/2022

Theo Uyên, nữ hay nam đều có những ưu thế nhất định khi chọn học ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, để học tốt được thì nhất định giới nào cũng phải cố gắng và kiên trì, ngày qua ngày. Uyên cho biết, mình đang tìm kiếm học bổng để học tiếp lên bậc Tiến sĩ trong thời gian tới.

Hiên nay, Phương Uyên và anh trai đều đang công tác tại Khoa Điện tử Viễn thông của trường Đại học Quốc tế. 

Tiến sĩ Nguyễn Lập Luận – Giảng viên Khoa điện tử viễn thông, anh trai của Uyên chia sẻ: Vì cả hai anh em đều đam mê kỹ thuật nên TS. Luận đã hướng em gái mình theo con đường này.

“Đối với nữ, nếu có niềm đam mê kỹ thuật thì việc học không hề khó khăn, nhất là đối với ngành điện tử viễn thông. Hiện ngành học này chỉ có khoảng 10% sinh viên là nữ, nên lợi thế cho các bạn nữ rất nhiều. Đó là, nữ giới học nhanh hiểu, khi đi học hoặc đi làm đều được ưu tiên hơn các bạn nam một chút, nhất là đối với các vị trí đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần cù” - TS Luận chia sẻ.