“Vẽ” công việc tương lai trước khi chọn ngành

(VOH) -  Hai năm học qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn ngành nghề của học sinh trung học phổ thông.

Phác hoạ về mình là ai, làm công việc gì trong tương lai, từ đó quay trở lại với việc xác định chọn ngành học tương ứng; một ngành học trong trường đại học chỉ cung cấp những kiến thức nền hết sức cơ bản, phần còn lại là sự tiếp thu, trau dồi kỹ năng, tư duy linh hoạt trong thị trường lao động biến động….

“Vẽ” công việc tương lai trước khi chọn ngành 1
“Vẽ” công việc tương lai trước khi chọn ngành

Mình sẽ là ai trong tương lai, mình sẽ đạt được những gì sau một khoảng thời gian phấn đấu trong công việc, mình mong muốn làm việc trong môi trường như thế nào? – trả lời những câu hỏi trên, thí sinh sẽ phần nào nhìn nhận được bản thân mình phù hợp với nghề gì.

Từ đó, đối chiếu với năng lực hiện tại của bản thân: kết quả học tập, tính cách, hoàn cảnh gia đình có phù hợp với công việc tương lai hay không. Đó là lời khuyên mà Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dành cho các thí sinh, trước khi có quyết định chọn ngành hay chọn trường.

Thạc sĩ Trường An cũng lưu ý, trong bối cảnh số, mỗi ngành học chỉ cung cấp kiến thức nền cơ bản, thí sinh cần linh hoạt trong tư duy và không nên suy nghĩ, học ngành nào sẽ ra trường làm đúng công việc ngành đó.

“Một ngành học có thể làm được nhiều nghề liên quan trong cùng lĩnh vực với nhau. Một nghề cũng có thể đến từ nhiều ngành học khác nhau. Ví dụ, hiện có nhiều thí sinh thích logicstic và chuỗi cung ứng.

Các bạn lưu ý rằng, không chỉ có học ngành về logicstic và chuỗi cung ứng thì ra trường mới làm việc về mảng này mà các bạn học về những ngành như kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh…cũng được học kiến thức và làm việc được ở mảng này.”, Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An dẫn chứng.

Định vị được ngành nghề, những khoảng lặng phía sau một nghề nghiệp mà mình mơ ước cũng là điều quan trọng để thí sinh tìm hiểu. Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mỗi ngành nghề sẽ đòi hỏi yêu cầu, tố chất cần thiết tương ứng với ngành nghề đó : “Nếu yêu thích ngành kế toán, các bạn phải là người yêu thích con số, tính toán, cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác, trung thực, có khả năng phân tích và đánh giá. Các bạn chọn nhóm ngành về luật, các bạn phải là người có tư duy logic, khả năng phản biện, hùng biện, trí nhớ tốt, bản lĩnh chính trị….Mỗi ngành nghề sẽ có những tố chất cần thiết, các bạn nên tìm hiểu trước. Các bạn càng tìm hiểu kỹ về ngành nghề bao nhiêu thì khả năng các bạn lựa chọn ngành nghề phù hợp càng cao bấy nhiêu”  

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường Đại học Tài chính – Marketing, phác hoạ những yếu tố cơ bản của một công việc lý tưởng, giúp thí sinh có thêm những sự cân nhắc đúng thời điểm. Đúc kết từ kinh nghiệm bản thân và gắn bó với thí sinh trong công tác tuyển sinh hướng nghiệp nhiều năm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, một công việc lý tưởng mà các bạn hướng đến, cần ba yếu tố : “Đầu tiên là một công việc ổn định, theo cô, người ta chọn một ngành nào đó để theo học và mục đích cuối cùng là tìm kiếm được một công việc ổn định.

Từ ổn định đó, sẽ cho ta một yếu tố thứ hai đó là Mức lương. Một mức lương tốt, là một mức lương vừa đủ để đáp ứng nhu cầu cá nhân. Cuối cùng, một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là đúng sở trường.

Từ kiến thức chuyên môn đã được gọt giũa ở trường, khi các bạn ra trường vào vị trí việc làm thực tế tại doanh nghiệp đúng theo đam mê thì các bạn sẽ phát huy được sở trường của mình”

Khi người học ra trường làm một công việc đúng sở trường, đúng đam mê, họ sẽ có nhiều động lực để phát triển công việc nói chung và bản thân mình nói riêng.

Đúng sở trường sẽ giúp phát huy được thế mạnh của bản thân và từ đó tạo tiền đề để thăng tiến, nâng cao giá trị bản thân đối với môi trường làm việc và xã hội. Có được như vậy, xuất phát điểm, chính là sự lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh ngay từ bây giờ.