Khi bộ trưởng giúp giảm stress

(VOH) - Thưa bà con, Anh Ba thợ hồ hỏi: Kỳ họp lần thứ 10 Quốc Hội khóa 13 kết thúc có để lại cho các anh ấn tượng nào không?”.

Hai Sài Gòn trả lời liền: nhiều lắm, ấn tượng sâu sắc có, ấn tượng hụt hẫng có. Ấn tượng sâu sắc là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ngày càng chuyên nghiệp, đặt vấn đề sát sườn, nóng bỏng với cuộc sống của bà con cử tri như lãng phí đầu tư công, ngân sách không đủ nâng lương tối thiểu, hay đề nghị của Bộ Giáo dục Đào tạo bỏ dạy độc lập môn Lịch sử mà tích hợp với các môn khác…

Các đại biểu truy tới cùng và kết quả là cử tri tạm hài lòng, trong nghị quyết kỳ họp Quốc Hội đưa vào và giao cho Chính phủ thực hiện, rồi trong chất vấn cũng có nhiều điểm mới mà hầu hết Bộ trưởng và Trưởng ngành của TW phải trực tiếp trả lời.

Lần đầu tiên các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đều phải trả lời chất vấn không như các kỳ họp trước chỉ có một số được phân công, rồi cả Phó Thủ tướng phụ trách khối cũng trả lời bổ sung, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội cũng “được” chất vấn.

Tư hưu trí góp thêm những nội dung Thủ tướng trả lời cũng phải nói là công khai minh bạch, như việc quan hệ Việt Nam - Trung Quốc về vấn đề biển Đông, khách quan mà nói đây là nội dung nhạy cảm. Vài năm trước, đây là nội dung nội bộ, kỳ này Thủ tướng trả lời trước hàng triệu cử tri trực tiếp theo dõi, đáp ứng phần nào dư luận mong mỏi.  

Ba thợ hồ hỏi tiếp “còn điều làm mấy anh hụt hẫng là gì?”. Tư hưu trí trả lời liền: Là trách nhiệm của đại biểu trong biểu quyết các chỉ tiêu quan trọng, có tới 104 đại biểu Quốc hội vắng mặt trong cuộc họp sáng 14/11, không biểu quyết nghị quyết về ngân sách TW năm 2017, chỉ có 396 đại biểu tham gia biểu quyết chiếm 80,16% tức vắng gần 20% tổng số đại biểu. Có điều này tui không hiểu nổi là chỉ sau đó có 2 phút khi biểu quyết toàn văn nghị quyết phân bổ ngân sách TW năm 2016 chỉ còn 392 đại biểu tham gia biểu quyết, tức đã có thêm 4 đại biểu vắng mặt tức hơn 20% tổng số đại biểu. Tình trạng đại biểu họp Quốc hội vắng mặt không tham gia biểu quyết được lưu ý ngay trong phiên họp ngày 28/10. Không biết các đại biểu vắng mặt suy nghĩ gì khi từ bỏ trách nhiệm của mình trước cử tri ?

Ba thợ hồ quay sang hỏi Hai Sài Gòn “còn anh ?”.

Hai Sài Gòn cho rằng hầu hết Bộ trưởng, Trưởng ngành của TW đều thành tâm trả lời dù có một vài vấn đề chưa thỏa mãn cử tri. Tuy nhiên, Bộ trưởng Văn Hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh là người trả lời gây “sốc” nhứt khi một đại biểu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng vì sao du lịch Việt Nam chưa thực phát triển. Ông Tuấn Anh nói: “Phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có hỏi bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore, tôi bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này, tôi không dám trả lời, trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp”.

Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam chín tháng đầu năm 2015 ước đạt hơn 5,68 triệu lượt, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2014. Ảnh minh họa

Thời gian không còn nữa thì làm sao. Sau khi lý giải chất lượng du lịch phụ thuộc vào 7 yếu tố và liệt kê chi tiết cụ thể, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh không quên trả lời phần chất vấn về trách nhiệm người đứng đầu ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch: “Tôi, với tư cách là người đứng đầu ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch, những gì cố gắng rồi mà chưa đạt được, không đáp ứng nhu cầu của Quốc Hội thì tôi xin chịu trách nhiệm và trách nhiệm chúng tôi là truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp”.

Kiểu trả lời vòng vo của ông Hoàng Tuấn Anh khiến Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên “Bộ trưởng cho đại biểu đi du lịch mệt quá”.

Những phát ngôn "hài hước" của Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khiến dư luận dậy sóng. Thế nhưng, ông Hoàng Tuấn Anh lại cho rằng “Tôi trả lời chất vấn như vậy là để giảm stress cho các đại biểu Quốc hội”.

Ông là Bộ trưởng Bộ Văn Hóa-Thể thao-Du lịch, nói cách nào đó ông là “tư lệnh Văn hóa” ở đất nước mà việc thể hiện văn hóa trước cơ quan quyền lực cao nhứt nước, trước hàng triệu cử tri đang theo dõi mà ông cho là để đại biểu và cử tri “giảm stress” thì Hai Sài Gòn tui xin nghiêng mình bó tay chấm com.

Còn về những điều ông chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc Hội, ông nói sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp, chỗ nầy Hai Sài Gòn thấy thế nầy, hiện nay có một hiện tượng tạm gọi là vô can, tức là người nào sắp hết chức trách nói theo ngôn ngữ “nhà quan” là “sắp đáp an toàn” - là coi như không chịu trách nhiệm gì về cái mà mình để lại.

Điều đó nguy hiểm, nhất là dấu ấn cá nhân. Ở các quốc gia, mỗi một nhiệm kỳ của một cương vị nào đó, người giữ chức vụ có ý thức để lại một dấu ấn, đặc biệt là những dấu ấn tốt đẹp. Theo Hai Sài Gòn dấu ấn của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh để lại là buổi "tấu hài" giảm stress của ông tại phiên họp áp chót của Quốc Hội khóa 13.

Cả Ba thợ hồ và Tư hưu trí đều cho rằng đúng và chỉ mỗi một mình ông ấy mới làm được và làm hay như thế.