Muốn đường phố thông thoáng, lãnh đạo phải quyết liệt

(VOH) - Vừa vào quán cà phê, chưa kịp kéo ghế ngồi Tư hưu trí “mở máy” liền: “Nghe TP Đà Nẵng quản lý điều hành trật tự giao thông hiệu quả bằng camera mà khoái quá, từ đó suy ra thực trạng TP mình, tự ái nổi lên đùng đùng luôn”.

Ba thợ hồ chọc: “Thì anh cứ dẹp cái tự ái qua một bên là xong chứ gì”.

Để ngăn chặn “xung khẩu” của 2 anh bạn, Hai Sài Gòn lên tiếng “Có gì đâu mà tự ái, sách thánh hiền đã dạy “học thầy khồng tày học bạn” mà. TP mình cũng đã, đang và tiếp tục quản lý giao thông bằng camera đó chứ, chẳng qua là mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nếu cần đặt vấn đề với TP về trật tự lòng lề đường thì tui cho rằng các cấp chính quyền coi lại quan điểm xem những người lấn chiếm lòng lề đường là những người nghèo khó, bán hàng rong sống qua ngày phải thông cảm giúp họ, coi như góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo.

Chính vì quan niệm như thế đã góp phần làm rối loạn trật tự giao thông, làm vô hiệu hóa quản lý nhà nước”.

Hàng rong lấn chiếm lề đường trước cổng bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - Ảnh: NLĐO

Tư hưu trí vỗ đùi khoái chí “chí phải, tui hỏi mấy anh chứ Nhà nước mình có đầy đủ luật pháp, đầy đủ thậm chí là dư thừa lực lượng thực thi pháp luật, vậy hà cớ gì không ngăn chặn được tệ nạn lấn chiếm lòng lề đường làm tắc nghẽn giao thông chứ ? Tui nhớ cách đây không đầy tháng khi góp ý xây dựng TP mình, các chuyên gia đến từ Singapore cho rằng, một TP thông minh là phải giảm được vấn nạn lấn chiếm lòng lề đường gây ùn tắc giao thông...

Mấy anh nên nhớ giai đoạn 2005-2014, dân số Singapore tăng lên 28%, số ô tô tăng 29%, đường không thể mở rộng thêm vì diện tích đất nước nhỏ nhưng ùn tắc giao thông đã được giải quyết. Tốc độ trung bình của các phương tiện vẫn đạt 60km/h trong giờ cao điểm. Tại sao họ làm được như thế vì họ thực hiện nghiêm túc luật pháp. Ai vi phạm thì a lê hấp ! căn cứ luật pháp trị ngay.

Còn mình, tui thấy 40 năm qua chính quyền chưa hề cách chức chủ tịch phường xã nào để dân lấn chiếm lòng lề đường hết. Không biết tui có méo mó hay không nhưng tui thấy thế này, trong số các tham nhũng vặt thì “tham nhũng lề đường” là dễ dàng nhứt, điển hình nhứt ở các đô thị hiện nay ! Hãy nhìn các vỉa hè bị lấn chiếm, thì sẽ đoán được cán bộ quản lý vỉa hè ở đó có tham nhũng hay không. Nếu cán bộ quản lý không “xơ múi” gì được thì đừng hòng có chuyện người dân tự tung tự tác buôn bán, lấn chiếm vỉa hè.

Hai Sài Gòn đã du lịch mấy nước châu Á, như Singapore, Nhật, Đài Loan thấy giao thông họ rất thông thoáng. Ngay như Đài Loan, mình cứ nghĩ họ là người Hoa chuyên buôn bán vỉa hè như ở Trung Quốc hay ở Chợ lớn của mình, nhưng tới nơi rồi mới thấy, từ Đài Bắc, Đài Trung hay Cao Hùng... cầu vượt, đường trên cao chằng chịt búa xua hết, nhưng đường phố của ít có tình trạng ùn tắc. Hỏi lý do thì được người hướng dẫn du lịch cho hay chính quyền các thành phố đó quản lý đô thị bằng camera, hầu hết người dân vừa có ý tự giác lại vừa có ý  tuân thủ nghiêm pháp luật, chứ không như ở Việt Nam, cứ vắng bóng cảnh sát là cố tình vi phạm.

Thành phố Cao Hùng (Đài Loan) nhìn từ trên cao - Ảnh: DHĐL

Ba thợ hồ cho rằng dù gì thì đời sống người dân mấy nước đó cao, dân trí cao nên việc chấp hành luật pháp tốt, chứ suy cho cùng bà con lao động mình nghèo mới bán hàng rong, bây giờ nghiêm cấm họ sống bằng gì, phải thông cảm cho họ chứ !

Tư hưu trí phản bác “không phải chúng ta cấm mà cần quy hoạch nơi bán buôn cho bà con đàng hoàng. Ở Singapore hay Đài Loan có rất nhiều đường nhỏ ít ảnh hưởng đến giao thông, họ tổ chức cho tiểu thương bán hàng, kể cả hàng rong, tui đã đi chợ kiểu đó rồi, người mua kẻ bán rất là tấp nập, từ quà lưu niệm, hàng công nghệ bán giảm giá, tới mấy món ăn vặt, tất tần tật có hết !

Đặc biệt là các khu chợ này về đêm luôn là một trong những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch. Người hướng dẫn du lịch cho biết là nguồn thu thuế từ các chợ này chỉ thua các trung tâm thương mại lớn thôi. Mấy anh cứ so sánh chi phí mở rộng đường xá để chống ùn tắc giao thông, với quy hoạch nơi bán buôn cho bà con bán hàng rong cái nào tốn kém nhiều hơn? dùng khoảng tiền chênh lệch đó chúng ta sẽ thực hiện chánh sách cho người nghèo hiệu quả hơn, thiết thực hơn.

Hai Sài Gòn nói cảm nhận đầu tiên ở Đài Loan là hầu hết các nhà mặt tiền đều dành gian đầu thông thoáng với vỉa hè, gian sau mới là cửa hàng, cửa hiệu hay cửa cơ quan, công ty. Vì vậy người đi bộ dù trời mưa hay nắng đều có mái che, không có chuyện lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Nhìn tổng thể về quy định đường nét kiến trúc như vậy, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền trong “văn minh đô thị”, được cả xã hội và người dân chấp hành. Chính quyền đô thị thành phố họ quản lý bằng camera, nên hầu hết người dân vừa có ý tự giác lại vừa có ý  tuân thủ nghiêm pháp luật, chứ không như ở Việt Nam, cứ vắng bóng cảnh sát là cố tình vi phạm.

Ba thợ hồ thắc mắc tại sao các nước người ta quản lý  đô thị “bảnh tỏn” thế còn mình sao lúc nào cũng rối.

Hai Sài Gòn cho là tại chúng ta chưa làm quyết liệt đúng nghĩa, tức là nói thì phải làm, đã quyết thì thực hiện cho tới. Chỉ cần UBND TP chỉ thị các quận huyện bố trí nơi, chỗ cho tiểu thương, người bán hàng rong đàng hoàng. Sau đó quận huyện nào, phường nào, xã nào để vi phạm lấn chiếm lòng lề đường thì phải rờ tới ghế ngồi của các vị chủ tịch, trưởng công an ở đó liền, thì chỉ vài ba tuần đường phố sẽ thông thoáng ngay. Nếu lãnh đạo TP không quyết liệt đúng nghĩa thì đến đời cháu, đời chắt của tụi mình không chừng trật tự giao thông TP thật khó hình dung.