Nước đến đầu gối

(VOH) - 5, 7 năm gần đây, bà con mình thường nghe nói tới biến đổi khí hậu, nhà nước cũng có chương trình quốc gia phòng chống biến đổi khí hậu. Trên lĩnh vực nông nghiệp, các nhà nông học cũng đau đầu nhức trán tìm con gì, cây gì để bà con mình sống chung với biến đổi khí hậu.

Triều cường ngập nặng tại đường Thảo Điền, Q.2- Ảnh: TTO

Nói chung là bà con mình chỉ mới nghe nói thôi, chưa thấy. Thậm chí có không ít người coi chuyện biến đổi khí hậu là chuyện 50 - 100 thậm chí vài trăm năm tới, bởi vậy nên hôm nay Hai Sài Gòn tui “huỵch toẹt” luôn với bà con mình là biến đổi khí hậu đã và đang hoành hành ở nước ta. Ông bà mình thường phê phán một số người ỷ lại, trông chờ bằng câu thành ngữ “chờ nước đến chân mới nhảy”. Vận dụng thành ngữ này vào bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, Hai tui cho rằng - nước đã lên khỏi chân rồi - nước đang ở đầu gối và một vài năm tới nước  tới háng luôn đó. Cụ thể của biến đổi khí hậu đang hoành hành ta như thế nào? Hai trận lũ lịch sử khủng khiếp diễn ra liên tục hồi cuối tháng 10 đầu tháng 11 ở các tỉnh phía Bắc miền Trung, lũ khủng khiếp - chưa từng xảy ra ở các tỉnh Nam Trung Bộ, lũ đến độ ở thành phố Nha Trang xe hơi, xe lửa chạy không được nữa mà. Rồi con nước 30 tháng 10 âm lịch năm nay, triều cường dâng rất cao. Tuy chưa nhấn chìm TPHCM, nhưng nhiều điểm cao trước nay chưa có ngập, vậy mà con nước nầy với “cái miệng chà bá của hà bá” cũng há ra.

Còn ở các tỉnh ven biển miền Tây như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, nước biển dâng tràn, nước mặn xâm nhập nội đồng cả mấy chục cây số. Con số cụ thể mà Hai tui ghi nhận được là theo quan trắc ở Cà Mau 3 năm qua thì năm 2007 thiệt  hại 4.868 ha nuôi trồng thủy sản và lúa, năm 2008 lên đến 10.622 ha còn năm 2009 lên đến gần 15.000 ha. Còn ở các tỉnh phía Tây như An Giang, Đồng Tháp chưa năm nào cạn kiệt như hiện nay,- chờ lũ về cả mấy tháng nay mà chẳng thấy lũ ở đâu. Đến độ con cá trèn đến bây giờ cũng không có mà ăn, trở thành món đặc sản hết rồi. Và mới tuần trước, các  tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp nước lũ đã tràn về. Bà con phấn khởi tơi bời luôn, nhưng nghe nói cơn lũ năm nay chỉ lướt qua rồi thôi, chưa biết thế nào nữa.

Sở dĩ Hai Sài Gòn tui dài dòng về biến đổi khí hậu như thế để cảnh báo bà con mình, cảnh báo chính quyền địa phương cảnh báo các ngành chức năng vì phía sau nước biển dâng, lũ chậm về ở miền Tây, triều cường ở miền Tây, lũ ở miền Trung còn biết bao nhiêu việc phải lo - lo cái gì - dứt khoát là chúng ta không chống lại biến đổi khí hậu được, nên cái lo bây giờ là lo sống chung với nó, sống chung với biến đổi khí hậu như thế nào?

Theo kinh nghiệm sống chung với lũ, hai Sài Gòn xin nói lên suy nghĩ của mình - vì có ai là người Việt Nam mình sống chung với biến đổi khí hậu đâu. Thứ nhất: lo bảo toàn tính mạng và tài sản của người dân. Cái này là nhân tố quyết định đây, và để thực hiện nhân tố này, đòi hỏi nhà nước và nhân dân  cùng làm mới được. Thứ hai: lo cho đời sống - nói nôm na là sống với biến đổi khí hậu lấy cái gì để ăn, tức trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả nhứt. Cái này thì các nhà khoa học đã nghiên cứu và thí nghiệm thành công rồi, bây giờ cần nâng cao chất lượng hiệu quả của các phát minh này là "ngon ăn". Đồng thời với nuôi con gì, trồng cây gì, các nhà quản lý phải bảo đảm an ninh lương thực - an ninh thực phẩm. Bởi không khéo làm được bao nhiêu lúa gạo, nuôi được bao nhiêu tôm cá đem bán hết thì nhân dân đói "nhăn răng". Phải cân đối hài hòa giữa bán và tiêu dùng trong nước. Thứ ba- các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện cuộc sống trong biến đổi khí hậu, như văn hóa - giáo dục trong ngập sâu, y học trong thay đổi thời tiết. Rồi thiên văn học cảnh báo bão lũ, tất tần tật phải tiếp tục nghiên cứu,... Gút lại, chuyện hôm nay Hai Sài Gòn cảnh báo là biến đổi khí hậu đã hữu hiệu rồi, không còn là kịch bản nữa. Như thế có nghĩa là ta không thể chống lại biến đổi khí hậu, mà chỉ có một giải pháp duy nhất là sống chung với nó thôi. Bà con mình từ nông thôn đến thành thị hãy bắt tay ngay vào với tơ duyên biến đổi khí hậu, không thể chần chờ gì cả./.