Sự kiện năm 2010

Thưa bà con. Còn vài ngày nữa là hết năm 2010. Theo gợi ý của Tư hưu trí, nhóm thân hữu Hai Sàigòn bình chọn sự kiện quan tâm nhứt trong năm. Nhưng nội dung chỉ gói ghép trong 2 sự kiện: Sự kiện khoái chí nhứt và sự kiện ê chề nhứt- Ba Thợ hồ nhanh nhẩu đề xuất: Anh chọn sự kiện xuất khẩu gạo của xứ mình năm nay là sự kiện khoái chí nhứt. Nhiều anh trong nhóm phản đối. Vì xuất khẩu gạo năm nào mình cũng làm, thiếu gì chuyện to lớn hơn, hoành tráng hơn- sao không chọn.
Để lý giải, Ba Thợ hồ “lý luận”. Nước mình có hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề nông nói chung- thành tích xuất khẩu gạo Việt Nam năm qua đã “phá kỷ lục” quốc gia với hơn 6 triệu 800 ngàn tấn. Đem về cho nhà nước số ngoại tệ “chà bá” luôn là hơn 3 tỷ 200 triệu dolla Mỹ- với số lượng nầy- coi như hơn 50% nông dân VN đã góp phần vào thành tựu của xuất khẩu gạo- coi như mặt hàng có sự đóng góp của mọi nông dân trồng lúa. Điểm đáng phấn khởi là xuất khẩu gạo năm qua, nông dân ít bị mấy cha Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mấy cha doanh nghiệp chèn ép như mấy năm trước. Và đặc biệt là xuất khẩu gạo của xứ mình đã đuổi kịp anh láng giềng Thái Lan- Các năm trước gạo nước mình xuất được từ 350 đến 400 dolla/tấn là mừng húm rồi. Năm nay mình xuất bán giá bình quân tới 467 dolla/tấn, đã chưa. Ít nhứt trong sự đóng góp chung cho đất nước- Những người nông dân tay lắm chân bùn- những Hai lúa thời đại cũng khẳng định được vị trí của mình chứ. Nghe Ba Thợ hồ phân tích, anh em trong bàn gụt gật đầu hết và 100% nhứt trí thông qua sự kiện khoái  chí trong năm.


Tới phiên luận bàn sự kiện ê chề nhứt. Mỗi anh đưa ra một sự kiện. Từ vụ Vinashine, bôxít đến nguyên chủ tịch Hà Giang Nguyễn Trường Tô…nhưng  thiếu thuyết phục- vì mấy chuyện đó có mang tính chất khách  quan, sự tác hại tuy lớn, nhưng việc tác hại đến người dân thì  trước mắt chưa nhiều phải mất nhiều thời gian nữa mới “xi nhê”. Thấy thế Hai Sàigòn đưa ra sự kiện cách chức 3 sĩ quan lãnh đạo ở công an Tiền Giang và cách chức trưởng phó công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) là sự kiện ê chề. Lý lẻ phân tích như thế nầy: Đối với trưởng phó công an thành phố Biên Hòa- là người lãnh đạo cơ quan bảo vệ luật pháp mà các “vị nầy có mối quan hệ trên mức tình cảm với mấy băng hội đen ở Đồng Nai. Coi như một vụ Năm Cam  thứ hai ở Đồng Nai có nghĩa là lãnh đạo công an Biên Hòa ra mặt bảo kê cho xã hội đen hoạt động. Như vậy “anh” chỉ đạo CBCS Công an Biên Hòa bảo vệ ai? bảo vệ dân hay bảo vệ xã hội đen. Mà nói theo Đại tá Nguyễn Phi Hùng phó giám đốc công an Đồng Nai là: “Tội phạm mượn tay pháp luật để khống chế xã hội”. Riêng 3 vị sĩ quan gồm 1 đại tá, 1 thượng tá và 1 thiếu tá của công an Tiền Giang thì quá “ê chề” vi phạm bắt giam người trái luật- Mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải 3 lần từ chối lệnh giam vậy mà các “vị” nầy vẫn “cất” những công dân vô tội nầy gần cả tháng sau mới chịa tha-  Thả người xong các vị còn tự ý thay tòa “xử” ép người dân 1 vụ tranh chấp dân sự tất nhiên là có lợi cho bên nhờ vả 3 vị nầy và thiệt hại cho bên bị bắt oan, giam oan. Nghiêm trọng nhứt là các vị nầy lấy hàng chục tỷ đồng tiền tang vật của vụ án, đem gởi ngân hàng lấy lãi, lập quỹ riêng- ê chề chưa. Vấn đề Hai Sàigòn chọn sự kiện nầy- vì đến  giờ nầy, người dân trong đó nhiều doanh nghiệp có vị thế biết và thông hiểu luật pháp, thậm chí có luật sư tư vấn mà còn bị công an o ép, xử bắt oan  sai, bất chấp sự can thiệp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì người dân đen còn bị áp bức cở nào. Nhưng với quyết định cách chức các sĩ quan cấp cao nầy, ít ra cũng chứng tỏ luật pháp còn bảo vệ được người dân.

Dù biết là cả ở Biên Hòa, cả ở Tiền Giang, biện pháp cách chức là chỉ ở giai đoạn đầu. Nhưng Hai Sàigòn tui cũng lên tiếng kiến nghị các cơ quan hữu quan phải xử lý đến nơi làm rõ mức độ sai phạm của từng người để làm gương răn đe mấy ông quan nầy, đồng thời trả lại sự công bằng cho công dân vô tội- Biểu quyết sự kiện nầy. Anh em nhứt trí 100%./.