Vĩ mô, vi mô hay mưu mô?

(VOH) - Mấy hôm rồi đọc báo, nghe đài về chuyện có ông nọ ở một Hiệp hội Bất động sản địa phương đã kiến nghị nhà nước đánh thuế người gửi tiết kiệm khiến Hai Sài Gòn tôi và mấy ông bạn già hết sức bần thần.

Việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm sẽ hạn chế việc huy động vốn của ngân hàng và gây thiệt thòi cho nhiều đối tượng. Ảnh: TNO

Không bần thần sao được?! Khi mà lập luận của ông ta đưa ra là: nếu đánh thuế thu nhập vào tiền gửi tiết kiệm thì ắt người dân ngại gửi tiết kiệm, từ đó hướng dòng tiền vào vào các lĩnh vực khác, trong đó có giải cứu bất động sản vốn đang bất động do hậu quả của tình trạng đầu cơ nâng giá ảo trước đây.

Không biết khi đặt bút ký tên kiến nghị thì ông đứng trên quan điểm nào và  vì lợi ích của ai?

Để có được “của ăn của để” gửi tiết kiệm (cho dù số tiền gửi là 500 triệu đồng trở lên) thì người dân đã phải đóng nhiều loại thuế theo qui định của pháp luật, trong đó có cả thuế thu nhập cá nhân. Của để dành, thay vì mua vàng bỏ trong hộc tủ cứ phải phập phồng lo trộm cướp thì gửi tiết kiệm để hệ thống ngân hàng dùng tiền đó đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, quả là lợi cả đôi đàng. Ấy vậy mà người ta đòi đánh thuế theo kiểu “thuế chồng lên thuế”. Người ta muốn người dân ngại gửi tiết kiệm. Người ta muốn ngân hàng phải lách luật để huy động được nguồn vốn, bởi một khi đánh thuế tiền gửi tiết kiệm thì thiên hạ sẽ quay lưng với ngân hàng mà “bỏ của chạy lấy người". Khi ngân hàng bị khách hàng quay lưng, thử hỏi ngay chính các công ty bất động sản liệu có nguồn vốn vay để kinh doanh, sản xuất hay không? Chỉ sợ đến lúc đó mấy vị ở Hiệp hội Bất động sản phải ngửa mặt than trời “gậy ông lại đập lưng ông”.

Không chỉ kiến nghị Nhà nước đánh thuế người gửi tiết kiệm, Hai Sài Gòn tôi đọc báo, nghe đài và biết thêm vị này còn có kiến nghị khác. Đó là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng cho khách hàng bất động sản được vay tiền với lãi suất rất thấp, lượng tiền lớn, kỳ hạn lâu dài lên đến hai, ba chục năm cũng chỉ để giải cứu bất động sản.

Dẫu biết rằng, nhà nước quan tâm đến tình trạng bất động sản bị ngưng trệ, đóng băng thời gian qua, song không phải vì quan tâm mà nhất thiết phải “nhanh chóng” tung một khối lượng lớn tiền mặt ra thị trường để giải cứu. Làm như thế, trước mắt, thị trường bất động sản có thể tốt hơn, nhưng về dài hạn đây là một chính sách vô cùng rủi ro, không khéo có thể dẫn đến lạm phát. Và hơn thế còn là cách để góp phần cứu nguy cho nhà giàu chăng?

Dân gian có câu “có sức chơi, có sức chịu”, đó mới là người nghĩa khí, người có trách nhiệm với công việc mình làm. Lúc cao điểm phong trào “người người, nhà nhà kinh doanh bất động sản", lợi nhuận của các công ty kinh doanh bất động sản và những nhà đầu cơ nâng giá ảo đất đai là rất lớn, “nhất bản vạn lợi" ai mà không biết! Bây giờ, bong bóng bất động sản vỡ thì họ lại muốn người gửi tiền tiết kiệm và Ngân hàng Nhà nước phải chia sẻ hậu quả. Làm như thế có phải người nghĩa khí không? Nếu ngành nào, địa phương nào làm ăn thua lỗ, thất bát cũng muốn người gửi tiết kiệm phải hướng dòng tiền để giải cứu, Ngân hàng Nhà nước phải nhanh chóng gánh phần trách nhiệm thì “có mà loạn!”.

Xin cho Hai Sài Gòn tôi được hỏi đôi điều, vậy chứ, hai kiến nghị giải cứu bất động sản vừa nêu, ông đứng trên quan điểm nào? mục đích gì? vĩ mô? vi mô hay mưu mô?