Picture of the author
Picture of the author
SGK CD Toán 6»Phân Số Và Số Thập Phân»Phép trừ số thập phân cùng các dạng toán...

Phép trừ số thập phân cùng các dạng toán trọng tâm

(VOH Giáo Dục) - Phép trừ số thập phân là một phép toán cơ bản. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp lý thuyết về phép toán trừ hai số thập phân.

Xem thêm

Cũng giống như trong tập các số nguyên, ta đã biết phép tính trừ hai số nguyên. Khi ta thực hiện phép tính trừ hai số thập phân thì cách làm cũng tương tự như thế. Bài viết dưới đây VOH Giáo Dục sẽ phần nào giải đáp và tổng hợp những dạng toán cũng như những phần kiến thức quan trọng để giúp các em học sinh làm bài một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.


1. Phép cộng và phép trừ số thập phân

Để cộng, trừ hai số thập phân dương, ta thực hiện các bước sau:

  • Bước 1: Viết số này ở dưới số kia sao cho các chữ số ở cùng hàng đặt thẳng cột với nhau, dấu “,” đặt thẳng cột với nhau
  • Bước 2: Ta thực hiện phép cộng, trừ hai số thập phân dương tương tự như phép cộng, trừ các số tự nhiên
  • Bước 3: Ta viết dấu “,” ở phần kết quả thẳng cột với các dấu “,” đã viết ở trên.

» Xem thêm:

2. Cách trừ hai số thập phân

Tương tự như phép trừ số nguyên, để trừ hai số thập phân ta cộng số bị trừ với số đối của số trừ, sau đó thực hiện phép tính cộng hai số thập phân.

3. Các dạng toán liên quan đến phép trừ số thập phân

3.1. Dạng 1: Trừ hai số thập phân

*Phương pháp giải:

Tương tự như phép trừ số nguyên, để trừ hai số thập phân ta cộng số bị trừ với số đối của số trừ, sau đó thực hiện phép tính cộng hai số thập phân:

  • Muốn cộng hai số thập phân dương, ta thực hiện phép cộng hai số thập phân dương tương tự như phép cộng các số tự nhiên.
  • Muốn cộng hai số thập phân âm, ta cộng hai số đối của chúng rồi thêm dấu “-“ đằng trước kết quả.
  • Muốn cộng hai số thập phân khác dấu và không đối nhau, ta thực hiện phép trừ hai giá trị tuyệt đối của chúng (số lớn trừ số nhỏ) rồi ta đặt trước kết quả vừa tìm được dấu của số có giá trị tuyệt đối lớn hơn.

Ví dụ 1. Thực hiện các phép tính sau:

a) 63,29 – 30,29;

b) 28,47 – 68,47.

Lời giải

a) 63,29 – 30,29 = 33;

b) 28,47 – 68,47 = 28,47 + (– 68,47) = – (68,47 - 28,47) = - 40.

3.2. Dạng 2: Tìm x

*Phương pháp giải:

Dựa vào các điều kiện đề bài đã cho, ta đưa về thực hiện phép trừ hai số thập phân và tìm x.

Ví dụ 2. Tìm x, biết:

a) x + 37,03 = 93,63;

b) x + 28,64 = 24,23.

Lời giải

a) Ta có x + 37,03 = 93,63, suy ra x = 93,63 - 37,03 = 56,6.

Vậy x = 56,6.

b) Ta có x + 28,64 = 24,23, suy ra x = 24,23 - 28,64 = 24,23 + (- 28,64)

= - (28,64 - 24,23) = - 4,41.

Vậy x = - 4,41.

3.3. Dạng 3: Bài toán có lời văn

*Phương pháp giải:

Dựa vào các dữ kiện đề bài cho, ta lập phép tính trừ hai số thập phân thỏa mãn dữ kiện đề bài, rồi thực hiện trả lời các câu hỏi đề bài yêu cầu.

Ví dụ 3. Một cái bàn có mặt bàn hình chữ nhật, chiều dài của mặt bàn hình chữ nhật là 115,5 cm, chiều rộng của mặt bàn hình chữ nhật ngắn hơn chiều dài của mặt bàn hình chữ nhật là 30,1 cm. Tính chiều rộng của mặt bàn hình chữ nhật đó.

Lời giải

Chiều rộng của mặt bàn hình chữ nhật đó là:

115,5 – 30,1 = 85,4 (cm).

Vậy chiều rộng của mặt bàn hình chữ nhật trên là 85,4 cen - ti - mét.

4. Các bài tập vận dụng phép trừ số thập phân

Bài 1. Hãy nêu quy tắc trừ hai số thập phân.

ĐÁP ÁN

Để trừ hai số thập phân ta cộng số bị trừ với số đối của số trừ, sau đó thực hiện phép tính cộng hai số thập phân.  

Bài 2. Thực hiện các phép tính sau:

a) 57,93 – 25,73;

b) 37,26 – 68,38;

c) (- 27,18) – 45,3.

ĐÁP ÁN

a) 57,93 – 25,73 = 32,2;

b) 37,26 – 68,38 = 37,26 + (- 68,38) = - (68,38 - 37,26) = - 31,12;

c) (- 27,18) – 45,3 = (- 27,18) + (- 45,3) = - (27,18 + 45,3) = - 72,48.

Bài 3. Thực hiện tính một cách hợp lí:

a) 47,723 + 13,57 - 16,723;

b) 28,236 + 40,178 – 58,236;

c) 39,05 + (- 56,33) - 16,05 - (- 26,33).

ĐÁP ÁN

a) 47,723 + 13,57 - 16,723 = 13,57 + (47,723 - 16,723)

                                           = 13,57 + 31 = 44,57;

b) 28,236 + 40,178 – 58,236 = 40,178 + (28,236 - 58,236) = 40,178 + (28,236 + (- 58,236))

                                              = 40,178 – (58,236 - 28,236) = 40,178 – 30 = 10,178;

c) 39,05 + (- 56,33) - 16,05 - (- 26,33)

 = (39,05 - 16,05) + ((- 56,33) + 26,33) = 23 – (56,33 - 26,33)

 = 23 – 30 = 23 + (- 30) = - (30-23) = - 7.

Bài 4. Tìm x, biết:

a) 27,91 + x = 10,28;

b) x + 15,02 = 37,42;

c) 58,85 + x = - 21,09.

ĐÁP ÁN

a) Ta có 27,91 + x = 10,28, suy ra x = 10,28 - 27,91

                                                         = 10,28 + (- 27,91)

                                                         = - (27,91 - 10,28) = - 17,63.

Vậy x = - 17,63.

b) Ta có x + 15,02 = 37,42, suy ra x = 37,42 - 15,02

                                                         = 22,4.

Vậy x = 22,4.

c) Ta có 58,85 + x = - 21,09, suy ra x = (- 21,09) - 58,85 = (- 21,09) + (- 58,85)

                                                           = - (21,09 + 58,85) = - 79,94.

Vậy x = - 79,94.

Bài 5. Trong một cuộc thi chạy của hai bạn lớp 6A và lớp 6B, bạn Hùng của lớp 6A chạy về đích mất 13,6 phút, bạn Nam của lớp 6B chạy về đích chậm hơn bạn Hùng của lớp 6A là 1,2 phút. Hãy tính thời gian chạy về đích của bạn Nam.

ĐÁP ÁN

Thời gian chạy về đích của bạn Nam là:

13,6 – 1,2 = 12,4 (phút).

Vậy thời gian chạy về đích của bạn Nam là 12,4 phút.

Bài 6. Vào ngày chủ nhật, bạn Lâm và mẹ cùng nhau đi siêu thị mua sắm, mẹ bạn Lâm lựa chọn mua 5 quả xoài và 10 quả táo, sau khi nhân viên siêu thị đem đi cân thì thấy chỗ xoài và táo mẹ Lâm đã chọn nặng tổng cộng là 6,7 kg, biết 5 quả xoài mẹ bạn Lâm đã chọn nặng 2,1 kg. Hãy cho biết, 10 quả táo mẹ bạn Lâm đã chọn nặng bao nhiêu ki - lô - gam?

ĐÁP ÁN

Khối lượng 10 quả táo mẹ bạn Lâm đã chọn là:

6,7 - 2,1 = 4,6 (kg).

Vậy 10 quả táo mẹ bạn Lâm đã chọn nặng 4,6 kg.

  

Bài 7. Trong một lần khám sức khỏe định kì, sau khi ba chị em nhà bạn Linh thực hiện đo chiều cao, bạn Linh đo được 1,55 mét, em trai của bạn Linh đo được 1,73 mét và em gái của bạn Linh đo được 1,32 mét. Hỏi:

a) Trong ba chị em nhà Linh, hãy tìm ra người cao nhất và người thấp nhất, rồi tính chiều cao chênh lệch đó.

b) Em trai của Linh có cao hơn Linh không? Nếu em trai của Linh cao hơn Linh, hãy tính chiều cao chênh lệch đó.

ĐÁP ÁN

a) Trong ba chị em nhà Linh, em trai của Linh là người cao nhất, em gái của Linh là người thấp nhất.

Em trai của bạn Linh cao hơn em gái của bạn Linh số mét là:

1,73 – 1,32 = 0,41 (m).

Vậy em trai của bạn Linh cao hơn em gái của bạn Linh 0,41 mét.

c) Em trai của Linh cao hơn Linh, do 1,73 > 1,55.

Em trai của Linh cao hơn Linh số mét là:

1,73 – 1,55 = 0,18 (m).

Vậy em trai của Linh cao hơn Linh 0,18 mét.

Phép trừ số thập phân là một dạng bài tập hay gặp và quan trọng. Mong là bài viết trên sẽ phần nào giúp ích cho các em áp dụng làm được các dạng bài tập cũng như là hiểu hơn phần kiến thức về cách trừ hai số thập phân. 


Chịu trách nhiệm nội dung: GV Nguyễn Thị Trang

Tác giả: Hoài Nguyễn

Phép cộng số thập phân: Cách tính và một số bài tập vận dụng
Phép nhân số thập phân cùng các dạng toán ứng dụng