Chờ...

Học ngành Công nghệ da giày sẽ làm công việc gì?

VOH - Công nghệ da giày là ngành, nghề có tính chất mỹ thuật kết hợp với kỹ thuật công nghệ để tạo ra các sản phẩm thời trang như giày – dép và hàng da.

Hiện nay tại khu vực phía Nam chỉ có 2 trường cao đẳng dạy ngành Công nghệ da giày đó là trường Cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi và trường Cao đẳng Công Thương TPHCM - trường công lập duy nhất có đào tạo ngành Công nghệ da giày, phục vụ nhu cầu nhân lực cho khu vực từ miền Trung trở vào.

Theo ThS. Võ Quỳnh Liên, Quyền Trưởng khoa Công nghệ Thời trang, trường Cao đẳng Công Thương TPHCM, do khu vực phía Nam không có nhiều trường đào tạo ngành Công nghệ da giày, cũng không có cơ sở giáo dục đào tạo ngành này hệ đại học, nên đây là lợi thế cho các bạn theo học ngành nghề này hệ cao đẳng.

trường Cao đẳng Công Thương TPHCM
Sinh viên trường Cao đẳng Công Thương TPHCM - Ảnh: HH

Hệ cao đẳng ngành Công nghệ da giày học trong 3 năm theo học chế tín chỉ nên sinh viên có thể học vượt để rút ngắn thời gian.

Chương trình đào tạo bao hàm tổng quát các kiến thức về ngành, nghề từ phác họa sản phẩm – thiết kế mẫu, rập - công nghệ sản xuất để tạo ra sản phẩm nên các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng tại nhiều vị trí công việc trong doanh nghiệp sản xuất hàng da - giày.

Xem thêm: Muốn làm việc trong lĩnh vực cắt gọt kim loại tiện CNC, phay CNC nên học ngành học gì?

Học ngành Công nghệ da giày khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì? Ở đâu?

Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:

- Tạo mẫu - Thiết kế: là vị trí việc làm thực hiện các công việc xây dựng hình ảnh cho sản phẩm về kiểu dáng, màu sắc, cũng như công năng và chuẩn bị rập mẫu cho sản xuất đại trà.

Công việc chính của vị trí Tạo mẫu - Thiết kế gồm: phác họa sản phẩm, thiết kế rập, làm rập cho các mẫu cụ thể.

- Chuẩn bị công nghệ: là vị trí việc làm thực hiện các công việc chuẩn bị để hướng dẫn cho sản xuất đại trà luôn đạt hiệu quả cao nhất.

Công việc này bao gồm: tính toán số lượng và chủng loại vật tư, thiết bị; tính số lượng và tay nghề lao động; lập phương án bố trí mặt bằng xưởng; làm dụng cụ, rập mẫu; soạn tài liệu hướng dẫn cách làm và thao tác cụ thể; sản xuất thử và chuyển giao công nghệ cho xưởng.

- Cắt – may – gò ráp – hoàn tất sản phẩm: là vị trí việc làm tại các phân xưởng sản xuất, từ việc tạo ra chi tiết sản phẩm, gắn kết các chi tiết lại với nhau, gò ráp mũ giày vào đế và hoàn thiện sản phẩm.

- Đảm bảo chất lượng sản phẩm: là công việc hỗ trợ. Công việc này thực hiện việc đánh giá kết quả các công đoạn sản xuất được đúng yêu cầu và chỉ ra nguyên nhân sai sót để các bộ phận chuyên môn lập phương án khắc phục.

Người làm công việc đảm bảo chất lượng thực hiện các việc chính sau: xây dựng tổ chức nhân sự chất lượng, xây dựng quy trình công việc và thủ tục giám sát kèm theo, thực hiện việc kiểm tra chất lượng các khâu trong sản xuất, đánh giá kết quả chất lượng, thực hiện hành động cải tiến.

Học ngành Công nghệ da giày, sinh viên cũng có cơ hội tiếp cận cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất những nhãn hàng lớn như: Adidas, Nike, Puma… Sinh viên có ngoại ngữ tốt sẽ trở thành những đại diện khách hàng hoặc có thể làm chủ doanh nghiệp sản xuất giày dép.

thiết kế giày
Học ngành Công nghệ da giày, sinh viên có thể tạo mẫu - thiết kế nhiều kiểu giày độc đáo.

Đánh giá nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ da giày?

Hiện nay, nhu cầu nhân lực phục vụ ngành da – giày rất lớn, một phần do có ít trường đào tạo chuyên ngành này. Mức lương trung bình khi sinh viên ngành giày ra trường khoảng 8- 8,5 triệu/tháng. Tương đương với mức lương Đại học.

Một số môn học đặc trưng của ngành Công nghệ da giày?

Một số môn học của ngành Công nghệ da giày đó là: Thiết kế giày, thiết kế hàng da (túi xách, ví…); Phác họa mẫu giày, Công nghệ sản xuất giày; Định mức nguyên vật liệu…

Trong quá trình học sinh viên sẽ được tiếp cận với thực tế sản xuất bằng việc được tham quan, học hỏi tại cũng như thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp lớn về ngành da giày như Biti’s, Thái Bình shoes, Phong Thái An, Tuấn Việt…

Đặc biệt, nhiều sinh viên học ngành Công nghệ da giày đi thực tập có lương và được nhận làm trước khi tốt nghiệp. Đây là điểm lợi thế cho sinh viên ngành Công nghệ da giày, trường Cao đẳng Công Thương TPHCM.

Bình luận