Muốn làm việc trong lĩnh vực cắt gọt kim loại tiện CNC, phay CNC nên học ngành học gì?

​​​​​​​VOH - Muốn làm việc trong lĩnh vực cắt gọt kim loại tiện CNC, phay CNC nên học ngành chuyên sâu về lĩnh vực này là Công nghệ chế tạo máy, còn gọi là Cơ khí chế tạo máy hoặc Cắt gọt kim loại.

Người học cũng có thể chọn học các ngành gần như Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ cơ điện tử.

Cắt gọt kim loại vốn là nghề có từ lâu đời. Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, ngành nghề này cũng phát triển với kỹ thuật hiện đại hơn hơn, theo đó lĩnh vực nghề cũng rộng hơn gồm tiện CNC và phay CNC.

Tiện CNC và phay CNC là những công việc tạo ra chi tiết máy trong linh kiện ô tô, linh kiện trong máy móc công nghiệp, chi tiết trong khuôn mẫu, các chi tiết trong lĩnh vực cơ khí chính xác…

Công việc trong lĩnh vực tiện CNC và phay CNC có thể kể tới như: Nhân viên thiết kế và lập trình gia công tiện và phay CNC; Nhân viên thiết kế lập trình gia công khuôn mẫu; Nhân viên thiết kế và chế tạo các chi tiết máy, cụm máy và các máy móc công nghiệp, lĩnh vực ô tô;  Nhân viên vận hành Tiện CNC; Nhân viên vận hành phay CNC…

Theo ThS. Huỳnh Hà Nghiêm Trang – Giảng viên trường Cao đẳng Công thương TPHCM, nhu cầu lĩnh vực này rất cao, sinh viên ra trường đều có việc làm đúng chuyên ngành và không đủ số lượng sinh viên để cung cấp cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tại khu công nghệ cao, khu công nghiệp và khu chế xuất. Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản và CHLB Đức.

ThS. Huỳnh Hà Nghiêm Trang
ThS. Huỳnh Hà Nghiêm Trang hướng dẫn sinh viên trong giờ học thực hành - Ảnh: hitu

Dưới đây là một số thông tin thêm về các ngành đào tạo nghề tiện CNC và phay CNC – theo chia sẻ từ ThS. Huỳnh Hà Nghiêm Trang – Giảng viên trường Cao đẳng Công thương TPHCM.

* Người làm nghề tiện CNC và phay CNC đòi hỏi các kỹ năng, tố chất gì?

Nghề tiện CNC, phay CNC đòi hỏi lực lượng có lao động tay nghề cao. Do đó, người làm việc trong ngành này cần có tính chịu khó, siêng năng, cẩn thận, đam mê và yêu thích nghề.

Nghề này không phân biệt giới tính theo học nên nữ giới có thể theo học. Có một số công việc liên quan đến nghề, nhà tuyển dụng còn yêu cầu tuyển dụng nữ do cần tính tỉ mỉ và sự cẩn thận.

Xem thêm: Học ngành Công tác xã hội, ra trường sẽ làm công việc gì?

* Để làm lĩnh vực tiện CNC và phay CNC, nên học các ngành học nào?

Nếu muốn làm việc trong lĩnh vực tiện và phay CNC, học sinh nên chọn học các ngành Công nghệ chế tạo máy (cơ khí chế tạo máy hoặc cắt gọt kim loại), Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử…

Các ngành học này được đào tạo ở nhiều trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn làm công việc tiện CNC và phay CNC, nên chọn bậc cao đẳng, vì thời gian đào tạo ngắn, thời gian thực hành nhiều, giúp các em có tay nghề vững, sớm ra trường và đi làm.

Phương thức tuyển sinh đầu vào các ngành học này tại bậc cao đẳng cũng tương đối đa dạng như: Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia TPHCM tổ chức; Xét kết quả học tập 5 học kỳ bậc trung học phổ thông hoặc xét kết quả HK1 và HK2 lớp 12; Xét tuyển dựa vào điểm đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM…

Xem thêm: Ngành Kỹ thuật tàu thủy là gì? Làm việc ở đâu?

* Một số môn học đặc trưng khi học nghề này?

Theo ThS. Huỳnh Hà Nghiêm Trang, một số môn học đặc trưng trong ngành Công nghệ chế tạo máy (Cơ khí chế tạo máy, cắt gọt kim loại); Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí; Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử - thực tế tại trường Cao đẳng Công thương TPHCM - đó là: Vẽ kỹ thuật; Công nghệ chế tạo máy, Dung sai kỹ thuật đo; Công nghệ CAD/CAM; Công nghệ CNC, Thiết kế bằng phần mềm Inventor, SolidWorks, Lập trình gia công CNC bằng phần mềm CreO, Thiết kế khuôn trên phần mềm Catia…

thực hành
Sinh viên thực hành trên các máy phay, tiện CNC hiện đại - Ảnh: hitu

Hiện nay, trường đã chuyển sang hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nên 70% thời lượng học là thực hành, sinh viên sẽ dành nhiều thời gian thực tập tại các xưởng Phay Bào; Tiện; Nguội; Gò – Hàn; Cơ khí sửa chữa; Khí nén; thí nghiệm Robot; thí nghiệm cơ điện tử; phòng máy tính thực hành CAD/CAM CNC…

Theo đó, sinh viên sẽ được tập gia công, chế tạo chi tiết trên các trang thiết bị máy móc hiện đại: máy CNC, máy tiện cơ, máy phay cơ, máy mài, máy in 3D; sử dụng Robot hàn…

* Sau khi học các ngành trên, ngoài tiện và phay CNC, các sinh viên còn có thể làm công việc/ngành nghề gì khác?

Các công việc khác có thể làm ngoài tiện CNC và phay CNC là:

  • Kỹ thuật viên bảo trì sửa chữa tại các cơ sở sản xuất;
  • Kỹ thuật viên bảo trì sửa chữa tại các cơ sở sản xuất;
  • Kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng sản phẩm cơ khí;
  • Nhân viên phòng kỹ thuật…

Sau khi ra trường, các bạn có thể làm việc ở các doanh nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, CHLB Đức – theo các chương trình liên kết đào tạo.

* Mức lương khi làm việc trong các ngành nghề trên?

  • Nếu làm việc cho các công ty Việt Nam lương thử việc từ khoảng 9 - 15 triệu đồng/tháng.
  • Nếu làm việc cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam (các công ty Mỹ hay Châu Âu) lương thử việc từ 10 - 16 triệu đồng/tháng.
  • Nếu đi hợp tác lao động tại Nhật Bản, mức lương từ 38 - 45 triệu đồng/tháng.
  • Nếu đi hợp tác lao động tại CHLB Đức, mức lương từ 60 - 80 triệu đồng/tháng.