Trung Quốc đưa thêm 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ

(VOH) - Ngày 5/6, ba phi hành gia Trung Quốc đã gia nhập thành công trạm "Thiên cung". Đây được coi là "bước tiến mới" trong công cuộc chinh phục không gian của Trung Quốc.

Tàu vũ trụ chở 3 phi hành gia Trung Quốc mang tên Thần Châu-14, được đẩy bởi tên lửa Trường Chinh 2F đã cất cánh lúc 10h44 sáng theo giờ địa phương, từ trung tâm phóng Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi (Tây Bắc). Hình ảnh lúc phóng đi của con tàu đã phát trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia CCTV.

Sau khoảng "7 giờ bay", con tàu đã cập bến trạm vũ trụ, CCTV cho biết. Sau đó, khoảng 8h50 tối theo giờ Bắc Kinh (12h50 tối GMT), ba phi hành gia đã vào tới phòng mô-đun chính của trạm, theo thông tin từ cơ quan vũ trụ chịu trách nhiệm về các chuyến bay có người lái (CMSA).

Trung Quốc đưa thêm 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ
3 phi hành gia trên tàu Thần Châu-14. Nguồn: euronews

Giống như sứ mệnh trước đó của phi hành đoàn trên tàu Thần Châu-13 đã trở về vào giữa tháng 4. Lần này, ba phi hành gia, bao gồm một phụ nữ, dự kiến ​​sẽ ở lại trạm vũ trụ trong khoảng 6 tháng.

Ngoài tên gọi theo tiếng Trung Quốc Tiangong (Thiên Cung), trạm vũ trụ này còn được biết đến với tên viết tắt CSS (có nghĩa là "trạm vũ trụ Trung Quốc" trong tiếng Anh), sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào cuối năm nay.

Từ khi bị loại trừ khỏi ISS với lý do Mỹ cấm NASA hợp tác với Bắc Kinh, Trung Quốc đã thúc đẩy tự xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình.

Gã khổng lồ châu Á đã đầu tư hàng tỷ euro vào chương trình không gian của mình trong vài thập kỷ qua.

Kể từ khi Trung Quốc đưa phi hành gia đầu tiên lên vũ trụ vào năm 2003, nước này đã đạt được một số kỳ tích đáng kể, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Đầu năm 2019, Trung Quốc đặt một cỗ máy trên bề mặt của Mặt trăng (đầu tiên trên thế giới. Năm 2020), nước này thu được các vật mẫu từ Mặt trăng và hoàn thiện hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, một đối thủ cạnh tranh với GPS của Mỹ.

Năm 2021, nước này cũng đã thành công khi đưa một robot nhỏ lên sao Hỏa và dự kiến sẽ đưa người lên Mặt trăng vào năm 2030.