7 dấu hiệu cho thấy cơ thể hấp thụ không đủ protein

VOH - Protein là chìa khóa cho sự phát triển và phục hồi cơ bắp, đồng thời cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất, nhưng làm sao biết liệu mình hàng ngày có hấp thụ đủ protein hay không?

Chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ 7 dấu hiệu cho thấy cơ thể hấp thụ quá ít chất protein. Mất ngủ và mệt mỏi là những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu hụt protein.

dau-hieu-cho-thay-co-the-hap-thu-khong-du-chat-dam
Protein chiếm khoảng 20% cơ thể con người và là chất hữu cơ có nhiều nhất trong cơ thể chúng ta bên cạnh nước - Ảnh: TVBS

Hấp thụ không đủ protein dẫn đến giảm khối lượng cơ và xương

Huỳnh Tĩnh Thuần, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiện người Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, hấp thụ không đủ protein (hay còn gọi là chất đạm) sẽ làm giảm cảm giác no, dẫn đến giảm khối lượng cơ và xương nhưng lại làm tăng tỷ lệ chất béo. Do đó, việc hấp thụ protein có liên quan trực tiếp đến nguy cơ béo phì. Protein có thể làm tăng cảm giác no tốt hơn carbohydrate và chất béo.

Trong quá trình giảm cân, protein còn giúp ngăn ngừa mất khối lượng cơ và duy trì tốc độ trao đổi chất cơ bản. Chuyên gia Huỳnh Tĩnh Thuần nói thêm rằng, protein có tác dụng nhiệt cao hơn và có thể tiêu thụ nhiều calo hơn trong quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, protein còn giúp ổn định lượng đường trong máu và ngăn ngừa tình trạng đói do biến động lượng đường trong máu.

7 dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu hụt protein

Chuyên gia Huỳnh Tĩnh Thuần cho biết, một khi chế độ ăn không đủ protein, cơ thể sẽ phát ra nhiều tín hiệu cảnh báo khác nhau cho chúng ta nhận biết. Sau đây là 7 dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu hụt protein phổ biến nhất:

1. Phù nề

Protein có thể giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể và thiếu hụt protein có thể dẫn đến cơ thể giữ nước và gây ra phù nề.

2. Rụng tóc

Tóc chủ yếu được hình thành từ keratin. Keratin là một lớp sừng cấu tạo nên móng tay và tóc, đặc biệt chiếm đến 70% cấu tạo của tóc. Thiếu protein có thể khiến tóc mất đi độ bóng và chắc khỏe, dễ bị gãy rụng.

3. Các vấn đề về da

Protein là thành phần quan trọng của mô da, thiếu nó có thể gây ra các triệu chứng như khô da hoặc phát ban.

4. Suy yếu khả năng miễn dịch

Protein là chìa khóa cho hệ thống miễn dịch và sự thiếu hụt sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do suy yếu khả năng miễn dịch.

5. Thay đổi tâm trạng

Axit amin là thành phần vô cùng quan trọng, cấu thành nên các protein khác nhau, đảm nhiệm nhiều vai trò và chức năng trong các hoạt động sống của cơ thể. Nó còn là tiền chất của chất dẫn truyền thần kinh và sự thiếu hụt chúng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tâm trạng.

6. Mất ngủ

Protein chứa các axit amin có thể giúp bạn ngủ ngon. Hấp thụ không đủ protein sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất serotonin và làm giảm chất lượng giấc ngủ, nghiêm trọng hơn là mất ngủ.

7. Cơ thể mệt mỏi và suy nhược

Protein là thành phần chính của cơ bắp, thiếu nó có thể dẫn đến yếu cơ, khiến cơ thể mệt mỏi và suy nhược.

Cần bao nhiêu protein trong một ngày?

Theo các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng cho biết, lượng protein trung bình hàng ngày của một người bình thường là khoảng 0,8 lần trọng lượng cơ thể.

Ví dụ, đối với một người cân nặng 60 kg, người đó phải hấp thụ ít nhất 60x0,8=48 gram protein mỗi ngày. Nhóm người trưởng thành trên 65 tuổi cần tiêu thụ nhiều hơn và nên tiêu thụ từ 1 đến 1-2 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Chuyên gia dinh dưỡng Huỳnh Tĩnh Thuần chia sẻ, muốn hấp thụ đủ protein hàng ngày, mọi người có thể có tham khảo đưa vào thực đơn hàng ngày như ức gà, trứng, cá hồi, tempeh (hay còn gọi là tương nén, là một loại thực phẩm có nguồn gốc từ đảo Java-Indonesia, được tạo thành từ đậu tương lên men), đậu hũ, thịt thăn heo, bò bít tết (tiếng Anh là beef steak), sữa đậu nành không đường và đậu nành Nhật Bản luộc (hay còn gọi là đậu edamame)… Đây đều là các thực phẩm giàu protein chất lượng cao, giúp mọi người hấp thụ đủ lượng protein hàng ngày.

 

Bình luận