Du lịch hoài niệm: Khó hút du khách do đâu?

(VOH) - Sáng 26/7, tại Quảng Trị, Quỹ phát triển du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội (Tổng cục Du lịch) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo Liên kết phát triển du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội.

So với nhiều địa phương trong cả nước, khu vực Bắc Trung bộ là nơi có nhiều di tích lịch sử chiến tranh cách mạng như di tích cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), hang Tám cô (Quảng Bình), di tích Ngã 3 Đồng Lộc (Hà Tĩnh) và đặc biệt là tỉnh Quảng Trị với hệ thống gần 470 di tích lịch sử chiến tranh, cách mạng có ý nghĩa như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, di tích Thành cổ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… luôn có sức hút đối với du khách.

Chỉ riêng tỉnh Quảng Trị, giai đoạn từ 2005 - 2017, tổng lượng khách đến với địa phương này theo chương trình Du lịch hoài niệm đạt hơn 9 triệu lượt, doanh thu ước đạt trên 2.100 tỷ đồng.

Khó hút du khách

Dù có nhiều di tích, song các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, rất khó thu hút du khách.

Ông Trần Thế Vinh, Giám đốc Saigontouris chi nhánh Quảng Trị cho biết: thời gian qua, công ty đã tiên phong xây dựng nhiều sản phẩm như tuyến du lịch Khu phi quân sự vĩ tuyến 17, DMZ… nhưng những sản phẩm này rất kén khách.

Điều cần thiết là các tỉnh phải liên kết thành chuỗi các điểm đến tương đồng để tạo điểm riêng; nâng cao tiếp thị, quảng bá giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế những hậu quả của chiến tranh, từ đó ý thức được giá trị và ý nghĩa của hòa bình; đặc biệt đưa công nghệ thông tin vào các xây dựng các bộ phim, hình ảnh thực tế ảo để tạo dấu ấn khác biệt.

“Thưc tế mà nói, với vai trò là du khách, tôi cũng chưa hiểu hết vai trò và ý nghĩa của du lịch hoài niệm thì sức hút của tour du lịch này rất kém và tất cả nằm ở dạng tiềm năng”, ông Vinh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đức Phú, Chủ nhiệm danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiện di tích lịch sử ở nhiều nơi chưa được đầu tư, tôn tạo đúng mức, doanh nghiệp du lịch còn chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc sắc để giới thiệu đến du khách.

Việc liên kết với các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam…vẫn thiếu và yếu. Quan trọng hơn nữa, cần phải đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử đối với thế hệ trẻ, đặc biệt học sinh, sinh viên.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến về phát triển du lịch hoài niệm tại miền Trung (Ảnh: ĐH)

Xây dựng sản phẩm du lịch đích thực

Về các việc cần làm trong thời gian tới, ông Phú cho rằng, cần phải xây dựng các sản phẩm du lịch có giá trị để các cháu đến đây tiếp cận bằng tất cả các giác quan, thị thác có thể nhìn thấy được, sờ thấy được và sẵn sàng trải nghiệm cuộc sống trong thời chiến của cha ông.

Nhiệm vụ chúng ta phải xây dựng sản phẩm du lịch đích thực, giúp họ trải nghiệm cuộc sống, tái hiện lại cuộc sống xưa kia và làm cho con người có được cảm xúc thời đại, kích động cảm xúc tương lai, cảm xúc của hiện thực.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, chủ nhiệm đề án Du lịch Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội cho rằng: sau hội thảo, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội sẽ tập trung xây dựng thành công con đường du lịch hoài niệm khu vực Bắc Trung bộ, từ Nghệ An tới Quảng Trị; phối hợp với nhiều địa phương khác như Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Tiền Giang, TPHCM… triển khai xây dựng mở rộng tuyến du lịch hoài niệm kết nối suốt chiều dài của đất nước.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hàng triệu chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh anh dũng để lại nhiều tấm gương sáng chói. Quá khứ vẻ vang của dân tộc là những trang sử mãi mãi lưu trong lịch sử cách mạng của đất nước, nếu biết khai thác quá khứ cho hiện tại và tương lai, sẽ giúp cho những trang sử đó trở nên vô giá để các thế hệ hôm nay và mai sau vẫn nhớ, vẫn hiểu sâu sắc về những chiến công hiển hách của ông cha ta.