Theo dự tính, năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau củ trái cây có thể đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng hơn 10 lần so với năm 2005, trong đó, trái cây xuất khẩu chiếm 70% giá trị này.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu rau củ trái cây nước ta còn nhiều triển vọng, có thể đạt đến 10 tỷ USD/năm trong tương lai bởi tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu rau củ trái cây hàng năm của thế giới rất lớn, khoảng 240 tỷ USD.
Riêng 11 quốc gia thành viên Đối tác xuyên Thái Bình Dương hàng năm cũng nhập khẩu hơn 50 tỷ USD mặt hàng này. Để đạt được triển vọng này, ngành rau củ trái cây Việt Nam cần đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường nhập khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với khoảng 2 triệu ha canh tác rau củ trái cây hiện có, cộng với việc thâm nhập vào những thị trường khó tính, có thu nhập cao, đang tạo cơ hội và tiềm năng cho ngành hàng này vươn lên.
Thanh long Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đi nhiều nước (Ảnh: Lan Hương)
Trái cây Việt Nam hiện có nhiều loại như nhãn, vải, xoài, thanh long, chuối… đang được người tiêu dùng trong nước lẫn nước ngoài ưa chuộng.
Trên thế giới, trái cây Việt Nam được đánh giá có chất lượng rất tốt và độc đáo, thơm ngon. Trái cây Việt Nam đã có mặt ở 60 thị trường nước ngoài, trong đó những thị trường mới thâm nhập tiềm năng lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand, Trung Đông...
Cũng theo ước tính của ngành nông nghiệp, sản lượng cây ăn trái các loại trên 4 triệu tấn/năm, thời gian tới có thể tăng lên phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Để đáp ứng cho xuất khẩu trái cây, cần tổ chức lại sản xuất và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Về tổ chức lại sản xuất, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã có kế hoạch, quy hoạch phát triển 12 loại trái cây chủ lực, ngon, chất lượng cao để xuất khẩu.
Riêng tại phía Nam, các loại trái cây chủ lực như thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, cam, quýt... tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Bên cạnh đó, chất lượng, năng suất trái cây cũng cải thiện, tăng lên nhờ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành được một số vùng chuyên canh đặc sản hàng hóa tập trung.
Cụ thể như xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang, Cần Thơ; xoài cát Chu ở Đồng Tháp; bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng; bưởi da xanh ở Bến Tre; quýt Hồng Lai Vung Đồng Tháp; thanh long ở Tiền Giang, Long An; vú sữa Lò Rèn Tiền Giang; dứa Queen Tiền Giang, Kiên Giang và Hậu Giang...
Hiện nay cũng đã hình thành nhiều mô hình chuyên canh theo VietGAP, GlobalGAP được chứng nhận. Có thể kể như Trang trại Long Sơn tỉnh Trà Vinh trồng xoài cát Hòa Lộc, đạt chứng nhận GlobalGAP, có hợp đồng xuất khẩu xoài sang châu Âu; Trang trại chuối của ông Võ Quan Huy, ở tỉnh Long An, đạt chuẩn quy trình sạch, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hợp tác xã xoài Suối Lớn, tỉnh Đồng Nai xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Australia...
Bên cạnh việc sản xuất bảo đảm chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật trong sơ chế bảo quản như xử lý nhiệt, chiếu xạ... đã góp phần nâng chất lượng, tăng thời gian bảo quản, vận chuyển trái cây sang các thị trường nơi xa.
Cùng với triển vọng xuất khẩu trái cây gia tăng, thị trường trái cây trong nước cũng sẽ có những thay đổi. Hiện nước ta nhập khẩu rau củ trái cây khoảng 500 triệu USD/năm. Như vậy ngành rau củ trái cây còn xuất siêu hàng tỷ USD. Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi, khi giá trị kim ngạch xuất khẩu rau củ trái cây tăng lên giúp nước ta tăng nhập khẩu những loại trái cây ngon, bảo đảm chất lượng.
Để ngành rau củ trái cây tiếp tục tăng trưởng mạnh, vượt qua một số mặt hàng nông sản khác như gạo, hồ tiêu, cao su... ngành trái cây cùng với kiểm soát chất lượng trong sản xuất cần tuân thủ quy định nhập khẩu của các thị trường. Không chỉ tuân thủ những rào cản kỹ thuật mà còn phải xúc tiến mở cửa thị trường nhanh nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Thị trường xuất khẩu trái cây vẫn đang rộng mở đối với Việt Nam. Vấn đề còn lại là tổ chức sản xuất để đáp ứng được cả số lượng, chất lượng và đảm bảo an toàn.