Bà bầu ăn khoai lang có tốt không?

(VOH) – Để cải thiện tình trạng ‘ngán’ ăn trong thời kì mang thai, nhiều mẹ đã tìm đến khoai lang. Liệu rằng bà bầu ăn khoai lang có tốt không?

Em bé phát triển khỏe mạnh phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống của mẹ bầu, chính vì vậy khi muốn lựa chọn ăn một loại thực phẩm, người mẹ luôn cần tham khảo kĩ lưỡng thành phần dinh dưỡng mà thực phẩm đó đem lại. Cùng tìm hiểu rõ hơn về tác dụng của khoai lang với sức khỏe mẹ và bé trong giai đoạn thai kì. 

1. Bà bầu ăn khoai lang có tốt không?

Khoai lang là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, cung cấp hàm lượng lớn vitamin A, B và chất xơ. Các thành phần của loại củ này an toàn với bà bầu nên trong thai kì, việc bà bầu ăn khoai lang hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. 

1.1 Giảm ốm nghén 

3 tháng đầu tiên khi mang bầu, mẹ thường phải trải qua các cơn ốm nghén khó chịu và mệt mỏi, mẹ bầu có thể chọn ăn thêm khoai lang, bởi hương vị của loại củ này khá dễ chịu, đồng thời bổ sung thêm vitamin B6 giúp cơ thể cảm thấy khỏe khắn hơn. 

Xem thêm: Những món ăn giúp mẹ bầu vượt qua cơn ốm nghén dễ dàng

1.2 Hạn chế táo bón 

Khoai lang được biết đến là món ăn cải thiện tốt tình trạng táo bón ở mẹ bầu nhờ cung cấp nguồn chất xơ dồi dào. Bên cạnh đó, hợp chất axit amin kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp mẹ cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn. 

1.3 Kiểm soát cân nặng

Bổ sung chất xơ từ khoai lang sẽ khiến bà bầu cảm thấy no nhanh hơn, giúp hạn chế lượng thực phẩm nạp vào cơ thể, tránh được tình trạng tăng cần quá mức. 

ba-bau-an-khoai-lang-co-tot-khong-voh-0
Bổ sung chất xơ từ khoai lang giúp mẹ bầu kiểm soát cân nặng (Nguồn: Internet) 

1.4 Tăng cường sức đề kháng 

Sức đề kháng suy giảm có thể khiến mẹ bầu dễ bị mắc bệnh lý thông thường như cảm cúm. Bị cảm cúm khi mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nếu ăn khoai lang cơ thể mẹ bầu sẽ nhận được hàm lượng vitamin C, từ đó giúp phòng ngừa cảm cúm hiệu quả.

1.5 Ngăn ngừa dị tật thai nhi 

Vitamin A được tìm thấy rất nhiều trong khoai lang, mỗi ngày nếu bà bầu ăn khoảng nửa củ khoai lang nướng sẽ bổ sung thêm 800 microgam vitamin A – dưỡng chất ngăn ngừa các bệnh lý ở thai nhi như dị tật ống thần kinh hay mù lòa. 

Xem thêm: Cách phát hiện và ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh

1.6 Phát triển xương và sụn thai nhi

Phần xương và sụn của em bé sẽ hình thành, phát triển ngày một cứng cáp hơn nhờ vào dưỡng chất canxi, mangan mẹ bổ sung từ khoai lang. Ngoài ra, hệ xương khớp của mẹ cũng hoạt động dẻo dai hơn, tình trạng đau nhức, khó đi lại dần được cải thiện. 

ba-bau-an-khoai-lang-co-tot-khong-voh-1
Canxi và mangan từ khoai lang sẽ thúc đẩy hình thành xương ở thai nhi (Nguồn: Internet) 

1.7 Hình thành tế bào máu 

Vitamin C và B6 trong khoai lang đóng vai trò quan trọng cho quá trình hình thành tế bào hồng cầu ở thai nhi cũng như tăng cường khả năng hấp thụ chất sắt ở cơ thể người mẹ, hạn chế tối đa tình trạng thiếu máu khi mang thai.

1.8 Phòng chống tiểu đường thai kì 

Khoai lang có vị ngọt tự nhiên nhưng sẽ không gây ra bệnh lý tiểu đường thai kì vì chỉ số đường huyết của loại củ này khá thấp. Hơn nữa, lượng đường trong khoai lang không chuyển hóa trực tiếp thành đường trong máu và chất xơ còn giúp cân bằng hàm lượng insulin. 

Xem thêm: Tìm hiểu ngay thực đơn cho bà bầu tiểu đường giúp kiểm soát bệnh hiệu quả

1.9 Kiểm soát huyết áp 

Duy trì huyết áp ở trạng thái ổn định trong thời gian mang thai là điều rất quan trọng. Mẹ bầu có thể ăn thêm khoai lang để bổ sung kali, nhằm nới lỏng các thành mạch máu và hạn chế tích tụ quá nhiều natri trong cơ thể gây ra huyết áp cao

2. Lưu ý ăn khoai lang đúng cách khi mang thai 

Nếu lựa chọn bổ sung thêm khoai lang vào chế độ dinh dưỡng, mẹ bầu cần thực hiện một số lưu ý dưới đây:

2.1 Thời điểm ăn khoai lang 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bà bầu nên ăn khoai lang vào buổi sáng hoặc buổi trưa, tránh ăn vào ban tối, để đảm bảo lượng canxi trong khoai lang được hấp thụ và tiêu hóa hết, không gây ra chướng bụng. Tuyệt đối không ăn sống, mẹ có thể luộc, hấp hoặc nướng chín khoai lang. 

Bên cạnh đó, bà bầu nên hạn chế ăn khoai lang nếu đang đói bụng vì có thể xảy ra tình trạng nóng ruột, ợ chua do dịch vị dạ dày tiết nhiều. 

2.2 Không ăn quá nhiều khoai lang 

Dù khoai lang là nguồn bổ sung vitamin A tự nhiên nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ gây ra tác dụng ngược, dẫn đến ngộ độc vitamin A. Ngoài ra, nguy cơ mắc sỏi thận cũng cao hơn vì tiếp nạp quá liều lượng oxalat trong khoai lang. 

2.3 Chọn khoai lang sẫm màu

Nên chọn mua những củ khoai lang to vừa phải, sẫm màu và không bị nứt nẻ. Tốt nhất hãy sử dụng khoai lang trong vòng 7-10 ngày sau khi mua về, để ở nơi thoáng mát, không cần bảo quản trong tủ lạnh.

Vậy là khi mang thai, mẹ có thể yên tâm ăn khoai lang để đổi bữa nhưng hãy nhớ kết hợp bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm khác, tránh trường hợp cả mẹ và bé bị thiếu chất dinh dưỡng nhé.