Bà bầu ăn khoai sọ được không? Lợi ích và lưu ý mẹ cần biết

(VOH) – Củ khoai sọ tròn tròn, bé xinh với vị bùi bùi, dẻo thơm nên luôn nhận được ‘ưu ái’, trở thành nguyên liệu của món ăn hấp dẫn. Thế nhưng có băn khoăn rằng liệu bà bầu ăn khoai sọ được không?

Lên thực đơn bồi bổ cho phụ nữ mang thai luôn là một trong những công đoạn vô cùng quan trọng, bởi các nhóm thực phẩm cần đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể mẹ, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của em bé.

Chính vì vậy, dù những món ăn từ củ khoai sọ rất thơm ngon nhưng trước khi thêm vào khẩu phần, nên thận trọng tìm hiểu các tác động tới sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi. 

1. Bà bầu ăn khoai sọ được không?

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ, thực tế việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bà bầu vốn không có công thức chung mà cần theo dõi thể trạng của từng mẹ. Song điều cần lưu ý đó là hãy cố gắng đa dạng thực phẩm, không cần phải kiêng khem hoàn toàn bất cứ nhóm nào, thay vào đó nên bổ sung liều lượng hợp lý, phù hợp với nhu cầu cơ thể của mẹ. 

Vì thế với nguyên tắc trên, nếu mẹ bầu đang thèm ăn khoai sọ thì hãy cứ yên tâm chế biến và thưởng thức loại củ này nhé. Bà bầu 3 tháng đầu có thể ăn được khoai sọ để nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng như tinh bột, chất xơ, đường và các axit amin khác.

2. Bà bầu ăn khoai sọ tốt cho sức khỏe thế nào?

Tuy có kích thước nhỏ bé hơn so với khoai lang, khoai môn hay khoai tây nhưng dưỡng chất trong củ khoai sọ thì vô cùng dồi dào. Nhờ đó mà thêm khoai sọ trong thực đơn sẽ giúp mẹ bầu chủ động phòng chống một số vấn đề sức khỏe sau: 

2.1 Ổn định huyết áp

Dựa trên phân tích dinh dưỡng, khoai sọ được đánh giá là nguồn cung cấp hàm lượng khoáng chất kali tương đối lớn, trung bình trong 100g khoai sọ có chứa tới 448 mg kali.

Theo đó, chế độ ăn giàu kali rất tốt cho phụ nữ mang thai, hoạt chất này sẽ đảm nhiệm vai trò như một chất điện giải, kiểm soát lượng nước bên trong tế bào, duy trì huyết áp ở mức ổn định, từ đây ngăn chặn các tai biến sản khoa như tiền sản giật, sinh non hay tử vong. 

ba-bau-an-khoai-so-duoc-khong-loi-ich-va-luu-y-me-can-biet-voh-0
Dưỡng chất kali trong khoai sọ giúp duy trì huyết áp ở mức ổn định (Nguồn: Internet) 

2.2 Ngăn ngừa táo bón

Khoai sọ thuộc nhóm thực phẩm hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa rất hữu hiệu. Loại củ này vừa có đặc tính mềm dẻo vừa bổ sung lượng chất xơ cần thiết cho các hoạt động của đường ruột. Chất xơ sẽ tham gia giữ nước trong khối thực phẩm khi di chuyển xuống ruột già, giúp làm mềm khối phân và ngăn ngừa tình trạng táo bón xảy ra trong thai kì.

Xem thêm: Top thực phẩm giàu chất xơ dành cho bà bầu có thể bạn chưa biết

2.3 Giảm đau nhức xương khớp

Không chỉ có hàm lượng lớn khoáng chất kali, khoai sọ còn chứa các thành phần quan trọng kích thích sự phát triển khỏe mạnh, dẻo dai của xương khớp như canxi, photpho, magie hay mangan. Chúng sẽ tham gia xây dựng tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương và làm giảm các cơn đau nhức vùng xương chậu khi mang thai, nhất là trong những tháng cuối thai kì. 

2.4 Duy trì độ ẩm cho làn da

Các nghiên cứu nhận thấy, những nhóm vitamin thiết yếu được tìm thấy trong khoai sọ như vitamin Cvitamin E góp phần không nhỏ trong quá trình tái tạo tế bào ở lớp biểu bì của da, duy trì độ ẩm cũng như làm mờ các vết rạn nứt ở vùng bụng, bắp chân của mẹ bầu. 

Nhờ giàu hàm lượng chất chống oxy hóa, vitamin A, E cũng giúp thúc đẩy làn da khỏe mạnh., ngăn ngừa các nếp nhăn và lão hóa da.

Xem thêm: 8 quy tắc chăm sóc da mà mẹ bầu cần biết

2.5 Bổ sung năng lượng

Việc thêm khoai sọ cùng các món ăn chế biến từ loại củ này sẽ giúp mẹ tiếp nạp thêm nhóm chất bột đường (glucid), bổ sung năng lượng để hoạt động, vượt qua tình trạng uể oải và mệt mỏi khi mang thai. 

ba-bau-an-khoai-so-duoc-khong-loi-ich-va-luu-y-me-can-biet-voh-1
Tiếp nạp thêm glucid từ khoai sọ giúp mẹ bầu có thêm năng lượng hoạt động, giảm mệt mỏi (Nguồn: Internet) 

2.6 Ngăn ngừa tiểu đường

Bà bầu ăn khoai sọ giúp kiểm soát chỉ số đường huyết trong cơ thể, điều hòa chức năng tim, giảm cholesterol. Từ đó giúp bà bầu giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong giai đoạn thai kỳ.

2.7 Tăng cường hệ miễn dịch

Nhờ giàu hàm lượng chất chống oxy hóa trong khoai sọ giúp kháng khuẩn tốt và chống lại các virus gây bệnh. Việc đưa khoai sọ vào thực đơn hàng ngày sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như cảm lạnh, cảm cúm, sốt, sổi mũi, ho và các chứng viêm nhiễm khác khi mang thai.

3. Bà bầu ăn khoai sọ bao nhiêu là đủ ?

Việc đưa khoai sọ vào thực đơn hàng ngày tốt cho sức khỏe bà bầu, nhưng cũng giống với bao thực phẩm khác khi ăn nhiều quá mức, lạm dụng thì cũng gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Vì thế bà bầu nên xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với khoai sọ, đa dạng thực phẩm với liệu lượng hợp lý và đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Trung bình 1 ngày bà bầu chỉ nên ăn khoai sọ cỡ 100mg là đủ, nếu ăn vượt quá mức cho phép thì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe như nạp quá nhiều tinh bột làm tăng đường huyết trong máu và khi bà bầu bị các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, đau bụng thì không nên ăn khoai sọ. Tốt nhất mẹ bầu chỉ nên ăn 1, 2 bữa trong tuần.

4. Một số lưu ý bà bầu cần biết khi ăn khoai sọ

Mẹ bầu có thể ăn khoai sọ luộc chín hoặc dùng khoai để chế biến các món canh hầm như canh khoai sọ rau nhút hoặc khoai sọ hầm sườn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng loại khoai này, có một vài lưu ý các mẹ nên biết và áp dụng: 

  • Khi sơ chế khoai, nên giữ tay thật khô để gọt vỏ, nhằm hạn chế cảm giác ngứa ngáy. 
  • Không nên ăn quá nhiều, mỗi bữa có thể ăn tối đa 100g. Ví dụ, chỉ nên ăn từ 5 -7 củ khoai sọ luộc, nếu ăn các món hầm thì ăn khoảng 1 – 2 chén ăn cơm nhỏ. 
  • Nếu được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kì, mẹ nên cắt giảm lượng khoai sọ trong khẩu phần ăn. 
  • Tuyệt đối không ăn những củ đã mọc mầm vì chúng chứa nhiều độc tố dễ gây ngộ độc.

Có thể thấy khoai sọ là thực phẩm bổ dưỡng và khá lành mạnh dành cho mẹ bầu. Các mẹ hãy nhớ duy trì bổ sung khoai sọ với hàm lượng vừa đủ, nhằm đảm bảo hấp thu dưỡng chất một cách an toàn, hiệu quả nhất nhé.