Khoai sọ là tên gọi của một giống khoai thuộc loài Colocasia esculenta, cây thuộc họ Ráy. Khoai sọ có nguồn gốc từ các vùng đồng bằng đất ngập nước của Malaysia, hiện đã được trồng và phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam có nhiều giống khoai sọ như khoai sọ trắng, khoai sọ sớm, khoai sọ muộn, khoai sọ nghệ, khoai sọ núi, khoai sọ dọc tía, khoai sọ dọc trắng, khoai sọ dọc xanh,…
Cây khoai sọ có củ cái và củ con. Khác với khoai môn, củ cái khoai sọ nhỏ, nhiều củ con, nhiều tinh bột. Khoai sọ thường được dùng để luộc ăn, nấu canh và trong các món hầm.
1. Khoai sọ có tác dụng gì?
Nhờ có thành phần dinh dưỡng khá đa dạng nên khoai sọ là loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Những công dụng của khoai sọ có thể kể đến như:
1.1 Khoai sọ tốt cho tim mạch
Trong khoai sọ có chứa một số khoáng chất quan trọng như sắt, magie, mangan và đặc biệt là kali. Theo nghiên cứu, trong 100g khoai sọ có tới 448 mg kali, đây là một thành phần quan trọng của tế bào và chất dịch cơ thể giúp điều chỉnh nhịp tim.
1.2 Ổn định huyết áp
Kali chứa trong khoai sọ là thành phần quan trọng, có thể giúp ổn định và giảm huyết áp đối với những người có huyết áp cao.
1.3 Tốt cho hệ tiêu hóa
Do có hàm lượng chất xơ cao nên khoai sọ có tác dụng tích cực đối với hệ tiêu hóa. Những người bị táo bón, thường xuyên ăn khoai sọ có thể cải thiện được tình trạng bệnh, từ đó cũng ngăn ngừa được bệnh trĩ.
Xem thêm: Ngồi yên 7 - 8 tiếng mỗi ngày, bạn có thể mắc phải căn bệnh khó nói này!
1.4 Ổn định lượng đường trong máu
Vì là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời nên ăn khoai sọ có thể giúp ổn định lượng đường trong máu. Chất xơ là chất không thể tiêu hóa và nó còn giúp đẩy lùi những tác động của chất carbohydrate. Khi ăn thực phẩm giàu chất xơ, ruột sẽ mất nhiều thời gian để tiêu hóa thức ăn và làm chậm quá trình tăng glucose trong máu.
1.5 Tăng cường hệ miễn dịch
Khoai sọ chứa rất nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa khác có lợi cho việc giữ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bằng cách loại bỏ các gốc tự do, cơ thể sẽ tỉnh táo và chống lại nhiều loại bệnh nguy hiểm.
1.6 Hỗ trợ chữa viêm thận
Không chỉ giàu chất xơ, khoai sọ còn chứa nhiều vitamin và photpho, tạo điều kiện thuận lợi để chữa bệnh viêm thận. Do đó, những người bị viêm thận có thể bổ sung khoai sọ vào thực đơn hàng ngày kết hợp với việc uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ thì bệnh viêm thận sẽ nhanh chóng được đẩy lùi.
1.7 Ngăn ngừa suy nhược cơ thể
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu năng lượng từ gluxit được đưa vào mỗi ngày nên chiếm 60 - 70% tổng năng lượng. Trong khi đó, khoai sọ chứa nhiều gluxit giúp cung cấp nhiều năng lượng, góp phần nuôi dưỡng tế bào thần kinh và chống suy nhược cơ thể.
Đặc biệt, đối với người mới ốm dậy hay phụ nữ mang thai trong giai đoạn đầu thường mệt mỏi thì nên dùng canh khoai sọ móng giò hay khoai sọ nấu thịt sẽ giúp cơ thể mau chóng phục hồi.
Xem thêm: Bà bầu ăn khoai sọ được không? Lợi ích và lưu ý mẹ cần biết
2. Ăn khoai sọ có béo không?
Nhiều người nghi ngại việc ăn khoai sọ sẽ bị tăng cân. Tuy nhiên, để đánh giá ăn khoai sọ có tăng cân hay giảm cân, bạn cần phải xem xét đến hàm lượng calo trong loại củ này.
Theo nghiên cứu, trong 100g khoai sọ chứa khoảng 114 calo, trong đó không có chứa chất béo. Đối với một nam giới trưởng thành mỗi ngày cần 2.400-2.600 calo, còn ở nữ giới là 2.600-2.800 calo. Như vậy lượng calo trong khoai sọ đang ở ngưỡng thấp, rất khó để gây tăng cân hay béo phì.
Xem thêm: 'Nói không' với béo phì và các bệnh rối loạn chuyển hóa bằng 20 loại thực phẩm giàu protein
Ngoài ra, khoai sọ là thực phẩm giàu chất xơ, có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng, loại bỏ sự tích tụ mỡ thừa ở bụng.
3. Món ăn bài thuốc từ khoai sọ
Dưới góc nhìn Đông y, khoai sọ có tính bình, vị the ngọt, vào tỳ và thận. Khoai sọ có tác dụng ích khí, bổ thận, tán kết, khu phong, chỉ thống, giúp trừ đờm, tiêu thũng, dị ứng phát ban mẩn ngứa, sa trực tràng, lỵ mạn tính, sưng viêm....
Khoai sọ có thể được dùng riêng lẻ để phòng và trị bệnh, nhưng phổ biến hơn là dùng khoai sọ kết hợp với nhiều thực phẩm khác để tạo nên món ăn bài thuốc.
4. Ai không nên ăn khoai sọ?
Mặc dù tác dụng của khoai sọ rất tốt cho sức khỏe nhưng đối với người bị tiểu đường thì không nên ăn loại khoai này. Bởi khoai sọ chứa hàm lượng tinh bột cao, thường sẽ chuyển hóa thành đường khi vào cơ thể, điều này không có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, trước khi nấu canh hoặc chế biến các món ăn ngon từ khoai sọ, bạn cần rửa khoai thật kĩ, tốt nhất là nên ngâm qua đêm để giúp giảm lượng oxalate, phòng ngừa bệnh sỏi thận và bệnh gout.
Xem thêm: Sống ‘hòa bình’ với bệnh gout nhờ dùng thuốc đúng cách, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt!
5. Thành phần dinh dưỡng của khoai sọ
Khoai sọ được biết đến là loại khoai rất giàu tinh bột, chất béo, đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất (sắt, canxi, photpho) cùng nhiều axit amin. Hàm lượng dinh dưỡng trong 100g khoai sọ bao gồm:
- Nước: 69g
- Năng lượng: 114 KCal
- Chất đạm: 1.8g
- Chất béo: 0.1g
- Chất đường bột: 26.5g
- Chất xơ: 1.2g
- Canxi: 64mg
- Sắt: 1.5mg
- Magie: 33mg
- Photpho: 75mg
- Kali: 448mg
- Natri: 10mg
- Vitamin C: 4mg
- Vitamin B1: 0.06mg
- Vitamin B2: 0.03mg
- Vitamin B6: 0.283mg
- Vitamin E: 2.38mg
- Beta-caroten: 35µg
Như vậy, khoai sọ không chỉ là loại nguyên liệu gần gũi với các bà nội trợ mà còn có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe. Vì thế, đừng bỏ qua loại thực phẩm này trong những bữa ăn của gia đình nhé!