Khi mang thai, khẩu vị của mẹ bầu thay đổi đáng kể, đôi khi có thể rất thèm ăn những thứ quả bình dân như trái lê ki ma và rồi phải cất công tìm mua cho bằng được. Tuy trong thai kì bà bầu thường được khuyên “thèm gì ăn nấy”, song để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi, hãy tìm hiểu rõ hơn về những tác động của trái lê ki ma tới sức khỏe trước khi dùng nhé.
1. Bà bầu ăn lê ki ma có tốt không?
Trái lê ki ma cung cấp khá nhiều các nhóm chất chống oxy hóa mạnh như polyphenol, carotenoids, cùng một số vitamin và khoáng chất thiết yếu. Với các dưỡng chất quan trọng này, trái lê ki ma sẽ đem đến cho bà bầu những lợi ích sức khỏe dưới đây:
1.1 Cải thiện ốm nghén
Trong thời kì mang thai, do sự biến đổi của hormone estrogen nên khứu giác của mẹ thường nhạy cảm hơn bình thường, dễ bị buồn nôn khi ngửi thấy mùi vị lạ. Lúc này, mẹ bầu có thể “nhấm nháp” lê ki ma trong các bữa ăn phụ, bởi vị ngọt dịu và mùi thơm nhẹ của trái sẽ giúp giảm cơn ốm nghén cùng hiện tượng nôn ói mệt mỏi.
1.2 Tốt cho đôi mắt
Theo phân tích dinh dưỡng, lê ki ma thuộc nhóm trái cây có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa beta-carotene (hay còn được biết đến như tiền chất vitamin A) tương đối dồi dào. Hoạt chất này không chỉ là thành phần tạo nên màu vàng ươm của trái lê ki ma mà còn tham gia vào quá trình hình thành sắc tố trong võng mạc, tăng điều tiết nước mắt và phòng tránh nguy cơ suy giảm thị lực ở bà bầu.
Xem thêm: ‘Thổi bay’ chứng mờ mắt khi mang thai bằng những cách 'siêu' đơn giản
1.3 Điều hòa huyết áp
Các số liệu thống kê đã chỉ ra rằng trung bình có tới 5 – 10% phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc tai biến sản khoa nghiêm trọng do huyết áp không được duy trì ở mức an toàn và ổn định.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mẹ bầu thêm lê ki ma trong khẩu phần ăn bởi đây là cách chủ động bổ sung khoáng chất kali – thành tố thứ yếu giúp cân bằng nồng độ chất lỏng của cơ thể, kiểm soát nguy cơ huyết áp của mẹ bầu tăng cao.
1.4 Phòng chống thiếu máu
Hàm lượng vitamin C được tìm thấy trong trái lê ki ma tuy không lớn (chiếm khoảng 6% trong tổng thành phần dinh dưỡng) nhưng lại có vai trò quan trọng với quá trình hấp thu và chuyển hóa chất sắt của cơ thể, hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ thiếu máu thai kì thường gặp ở bà bầu.
Xem thêm: Bị thiếu máu khi mang thai – lời khuyên hữu ích về cách điều trị và chế độ ăn uống
1.5 Dưỡng da mịn màng
Bên cạnh nhóm vitamin C, lê ki ma còn chứa loại vitamin B3 hay chính là chất chống oxy hóa niacin. Hoạt chất này được đánh giá có đặc tính tái tạo mô ở lớp biểu bì dưới da, ngăn chặn tác động của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, từ đây giúp mẹ bầu có thể duy trì làn da mịn màng, sáng đẹp và không còn rạn nứt.
2. Một số món ăn từ lê ki ma dành cho bà bầu
Thực tế thì để cảm nhận hết vị bùi bùi béo ngậy của lê ki ma thì mẹ bầu phải dành thời gian từ từ thưởng thức, ăn chậm rãi chứ không thể vội vàng.
Mẹ có thể ăn trực tiếp trái hoặc đem chế biến một số món đơn giản dưới đây:
- Sinh tố lê ki ma
- Chè nếp hạt sen lê ki ma
- Các món bánh nhân lê ki ma
3. Bà bầu ăn lê ki ma nên lưu ý điều gì?
Có thể nói lê ki ma là trái cây lành mạnh mà mẹ bầu nên bồi bổ khi dưỡng thai. Dẫu vậy có một vài lưu ý nhỏ dưới đây các mẹ cần biết và ghi nhớ thực hiện:
- Không ăn quá nhiều lê ki ma, chỉ nên ăn từ 1 – 2 trái để không gặp phải tình trạng chướng bụng, làm giảm khả năng hấp thu các thực phẩm khác.
- Khi dùng lê ki ma để chế biến các món ăn thì không cần thêm nhiều chất tạo ngọt bởi trái vốn có vị ngọt tự nhiên.
Tuy là thức quả không quá cao sang nhưng với hương vị thơm ngậy, lê ki ma lại khiến nhiều mẹ bầu “say lòng”. Mẹ hãy nhớ sử dụng loại quả này với lượng hợp lý, khoa học để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân lẫn thai nhi.