Chờ...

Bà bầu ăn na có tốt không? Biết 10 lý do này mẹ cứ yên tâm ăn

(VOH) – Na (mãng cầu ta) là loại quả ngọt thơm, bổ dưỡng và có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe. Vậy bà bầu ăn na có tốt không? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.

Quả na vốn nổi tiếng là thức quả chỉ xuất hiệu “vỏn vẹn” khoảng 1 – 2 tháng trong năm, nếu bỏ lỡ dịp thì phải đợi tới mùa sau mới có thể thưởng thức.

Loại quả này được biết đến như “tổ hợp” của các nhóm vitamin B thiết yếu với sức khỏe, bao gồm vitamin B1, B3, B6 và B12, đồng thời cung cấp cả vitamin C cùng các chất chống oxy hóa quan trọng khác. Vậy bà bầu ăn na có tốt không ?

Trong thực đơn hàng ngày, nếu mẹ bầu “bỏ sót” quả na thì thật đáng tiếc. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các mẹ hoàn toàn có thể ăn thêm quả na vào thời kì mang thai vì na không chỉ có hương vị ngọt thơm, dễ ăn mà còn đem đến nhiều lợi ích sức khỏe. 

1. Bà bầu ăn na giúp giảm ốm nghén

Ốm nghén trong những tháng đầu của thai kì khiến mẹ cảm thấy uể oải và rất mệt mỏi. Vào giai đoạn này, việc ăn uống của mẹ khá khó khăn vì tình trạng buồn nôn, ói mửa xảy ra nhiều.

Quả na có thể là một “vị cứu tinh” vì vị ngọt thơm cùng hàm lượng vitamin B6 của loại trái cây này sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu và ăn ngon miệng hơn. 

ba-bau-an-na-co-tot-khong-biet-10-ly-do-nay-me-cu-yen-tam-an-voh-0
Vitamin B6 trong quả na giúp giảm cơn ốm nghén khi mang thai (Nguồn: Internet) 

2. Chống phù nề 

Ở những tháng cuối thai kì, hiện tượng phù nề xảy ra phổ biến ở các mẹ bầu, dễ nhận thấy nhất là phù nề, tê cứng tay chân và di chuyển không dễ dàng. Mẹ nên ăn quả na để tiếp nạp thêm vitamin B1 cùng magie và kẽm – những dưỡng chất hỗ trợ cải thiện hiệu quả tình trạng này. 

3. Phòng chống thiếu máu 

Hàm lượng vitamin C được tìm thấy trong na sẽ giúp cơ thể hấp thu vi chất sắt tốt hơn, đặc biệt còn cải thiện nồng độ huyết sắc tố hemoglobin, phòng chống nguy cơ thiếu máu cho mẹ bầu trong giai đoạn mang thai. 

Xem thêm: Bị thiếu máu khi mang thai – lời khuyên hữu ích về cách điều trị và chế độ ăn uống

4. Ngăn ngừa táo bón 

Táo bón có thể là “nỗi ám ảnh” của bà bầu do ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng để nuôi em bé trong bụng. Nếu ăn na khi mang thai đều đặn với lượng hợp lý có thể khắc phục vấn đề này bởi na đem đến cho cơ thể nguồn chất xơ khá dồi dào, kích thích tiêu hóa và trao đổi chất. 

5. Kiểm soát căng thẳng 

Khi bà bầu ăn na thì các nhóm vitamin B mà trong quả na cung cấp đều góp một phần không nhỏ trong việc duy trì sức khỏe của hệ thần kinh, hỗ trợ cải thiện tâm lý và giảm thiểu căng thẳng, mệt mỏi của mẹ bầu. 

ba-bau-an-na-co-tot-khong-biet-10-ly-do-nay-me-cu-yen-tam-an-voh-1
Quả na cung cấp dưỡng chất tốt cho hệ thần kinh của mẹ bầu (Nguồn: Internet) 

6. Ăn quả na trong thai kỳ giúp bảo vệ tim mạch 

Nhờ có vitamin B3 và hoạt chất niacin từ na nên có thể giúp mẹ bầu bảo vệ trái tim khỏe mạnh, đồng thời kiểm soát tốt nồng độ cholesterol, đảm bảo oxy lưu thông dễ dàng trong máu. 

7. Tăng cường sức đề kháng

Ở thời kì mang thai, việc bổ sung các nhóm vitamin từ quả na còn giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mẹ. Nếu mẹ không đủ sức “kháng cự” lại các vi khuẩn, vi rút gây ra bệnh lý nghiêm trọng thì nguy cơ để lại dị tật cho em bé sẽ tăng cao. 

Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh

8. Duy trì làn da mịn màng 

Hầu hết khi mang thai, làn da của chị em thường khô ráp và nứt nẻ hơn trước, do đó cần chú ý nạp thêm vitamin B cùng các hợp chất chống oxy hóa từ quả na. Những dưỡng chất này kích thích sản sinh collagen, làm ẩm từ sâu bên trong da, duy trì làn da mịn màng. 

9. Lợi sữa sau sinh 

Bà bầu ăn na đều đặn trong thai kì là một bước chuẩn bị quan trọng trước khi em bé chào đời, giúp cải thiện tuyến sữa cũng như chất lượng sữa của mẹ sau sinh.  

Xem thêm: Các loại ngũ cốc lợi sữa giúp mẹ gọi sữa về nhiều, con bú no nê

10. Tốt cho hệ thần kinh của thai nhi  

Kẽm, vitamin B3 và B6 không chỉ giúp giảm căng thẳng cho mẹ bầu mà còn tác động tích cực tới quá trình phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Đây đều là những vi chất cần thiết để xây dựng cấu trúc tế bào của não bộ, kích thích tăng trưởng bộ phận xử lý thông tin. 

11. Lưu ý cần biết khi bà bầu ăn na

Chế độ ăn uống trong thời kì mang thai ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi, chính vì vậy dù quả na là một loại trái cây giàu dưỡng chất, nhưng ăn quả na trong thai kỳ thì mẹ bầu cần tham khảo thực hiện những lưu ý sau đây để không mắc phải tác dụng phụ:

  • Hạn chế ăn na thay thế cho các thực phẩm khác, nên đa dạng các nhóm dinh dưỡng, tránh trường hợp bị thiếu chất. 
  • Mỗi ngày mẹ chỉ nên ăn tối đa 1 quả na, nếu ăn quá nhiều cơ thể sẽ bị nóng, sinh mụn nhọt. 
  • Nên chọn những quả na vừa chín, trái to tròn, mắt to, kẽ mắt trắng, cuống nhỏ, chín mềm không nứt, vỏ không đen.
  • Không ăn na chưa chín, còn sượng, phòng trường hợp bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, tránh để trái chín quá nhũn mới ăn vì khi đó đường huyết có thể tăng cao. 
  • Đối với bà bầu đang bị tiểu đường thai kỳ thì không nên ăn quả na.
  • Tuyệt đối không cắn vỡ hạt na bởi có nhiều độc tố gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Vậy là mẹ bầu có thể yên tâm lựa chọn quả na làm thức quả tráng miệng hoặc ăn thêm trong bữa phụ để bổ sung thêm các nhóm vitamin thiết yếu cho cơ thể rồi. Đặc biệt, đừng quên thực hiện những lưu ý quan trọng khi ăn na nhằm tận dụng được tối đa lợi ích sức khỏe nhé.