Chờ...

Ăn na có tác dụng gì? 9 lợi ích sức khỏe ai cũng nên biết

(VOH) – Na là thức quả chỉ ‘nở rộ’ vào một vài tháng cuối năm và thường chín theo giờ. Bạn có biết ăn na có tác dụng gì mà mỗi khi tới mùa na ‘mở mắt’ ai nấy cũng đều tranh thủ chọn mua?

Quả na hay còn được biết đến là quả mãng cầu ta, có phần múi dai dai và ngọt thơm, hầu hết mọi lứa tuổi đều có thể ăn vì loại quả này khá lành tính, “hội tụ” nhiều nhóm vitamin cùng dưỡng chất thiết yếu của cơ thể. 

1. Ăn na có tác dụng gì?

Nhờ khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng, quả na vừa góp phần bảo vệ sức khỏe vừa hỗ trợ làm đẹp hiệu quả. 

1.1 Bảo vệ sức khỏe đường hô hấp

Theo phân tích dinh dưỡng, vitamin B6 trong quả na có đặc tính kháng viêm rất tốt, giúp khắc phục tình trạng sưng viêm xung quanh ống phế quản, từ đó hạn chế nguy cơ mắc hen suyễn hay nhiễm trùng phế quản. 

1.2 Tốt cho tim mạch 

Hàm lượng magie được tìm thấy trong quả na có nhiệm vụ điều hòa hoạt động của cơ tim, giảm áp lực và thư giãn cơ tim khi cần thiết. Ngoài ra, vitamin B6 trong quả na còn ngăn ngừa sự tích tụ của homocysteine trong máu, phòng ngừa đột quỵ cùng các bệnh mạch vành nguy hiểm.  

Đặc biệt, nhờ bổ sung thêm vitamin B3 và hoạt chất niacin từ na mà nồng độ cholesterol được kiểm soát tốt, giúp máu cùng oxy lưu thông dễ dàng. 

an-na-co-tac-dung-gi-9-loi-ich-suc-khoe-ai-cung-nen-biet-voh-0
Nhóm vitamin B trong quả na giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch (Nguồn: Internet) 

1.3 Hỗ trợ giảm cân  

Quả na được biết đến là nguồn bổ sung dồi dào chất xơ cho cơ thể. Dưỡng chất này có vai trò quan trọng thúc đẩy đào thải độc tố, giảm nguy cơ táo bón và hỗ trợ giảm cân rất hiệu quả. 

Xem thêm: ‘Ngại gì’ mà không ‘dành chỗ’ cho quả na trong thực đơn giảm cân, có 4 lợi ích ‘ra trò’ lắm đây này!

1.4 Phòng chống thiếu máu 

Quả na cũng là một loại trái cây giàu vitamin C, kẽm và sắt. Các nhóm chất này đều góp phần không nhỏ trong quá trình sản sinh hồng cầu, tăng huyết sắc tố để tình trạng thiếu máu không xảy ra. 

1.5 Kiểm soát đường huyết 

Thông thường vị ngọt của quả na có thể khiến bạn lo lắng lượng đường trong máu sẽ tăng cao, song thực tế các chất dinh dưỡng trong quả na còn kích thích sản sinh insulin và hỗ trợ chuyển hóa đường glucose, giúp duy trì đường huyết ổn định. 

1.6 Duy trì xương chắc khỏe 

Với người bệnh mắc các vấn đề về xương khớp hoàn toàn có thể ăn thêm quả na để tiếp nạp thêm magie, photpho và các loại vitamin nhóm B. Đáng chú ý là vitamin A trong na có thể phối hợp với protein trong cơ thể để củng cố dây chằng, gân và cơ bắp khỏe mạnh hơn. 

an-na-co-tac-dung-gi-9-loi-ich-suc-khoe-ai-cung-nen-biet-voh-1
Vitamin A và B trong quả na củng cố xương chắc khỏe (Nguồn: Internet)

1.7 Giảm căng thẳng 

Thưởng thức vị ngọt thơm của quả na sẽ giúp bạn vượt qua được cơn đói và lấy lại năng lượng để hoạt động. Cùng với đó, na cũng bổ sung thêm vitamin B1, B3 và B6 tốt cho hệ thần kinh, giúp giải tỏa căng thẳng và lấy lại tinh thần phấn chấn. 

Xem thêm: Giờ đây bạn có thể thoát khỏi stress dễ dàng thông qua 9 việc làm sau

1.8 Tăng cường thị lực 

Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng quả na có chứa riboflavin – dưỡng chất thiết yếu giúp đôi mắt sáng khỏe. Hơn nữa, riboflavin còn có đặc tính chống lại các tác nhân gây hại cho thị giác, ngăn ngừa tình trạng thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể

1.9 Tái tạo làn da

Với các chị em phụ nữ thì quả na là “người bạn” cực kì tốt, bởi các nhóm chất chống oxy hóa trong loại quả này có chức năng duy trì các mô tế bào da, giảm sự xuất hiện các nếp nhăn, giữ cho làn da trắng sáng. 

Xem thêm: ‘Đánh bay’ những nếp nhăn trên da bằng những cách cực đơn giản

2. Thành phần dinh dưỡng của quả na

Dưới đây là hàm lượng dinh dưỡng có trong 120g thịt na (múi na): 

  • Vitamin C: 38% giá trị hàng ngày
  • Magie: 22% giá trị hàng ngày 
  • Sắt: 6% giá trị hàng ngày 
  • Vitamin B6: 15% giá trị hàng ngày 
  • Chất xơ: 18% giá trị hàng ngày 
  • Tinh bột: 1.73% giá trị hàng ngày 

Có thể thấy na là một trong những loại trái cây ngọt lành và bổ dưỡng, có thể hỗ trợ phòng ngừa khá nhiều bệnh lý nguy hiểm, đó cũng chính là lý do mà nhà nhà đều thích mê và “ngóng đợi” tới mùa na chín.